Tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp trong đào tạo nhân lực

Có nguồn nhân lực dồi dào nhưng chất lượng nhân lực thấp, thiếu kỹ năng, kinh nghiệm để làm việc tại các doanh nghiệp là bài toán trăn trở đối với ngành lao động-xã hội. Theo nhiều chuyên gia, việc thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp trong quá trình đào tạo nhân lực là giải pháp then chốt để 'cải tạo' chất lượng lao động ở Việt Nam.

Hố sâu giữa đào tạo và nhu cầu thị trường lao động

Trong một hội thảo về phát triển nguồn nhân lực, nâng cao kỹ năng và sử dụng lao động, Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Kim Dung thẳng thắn chia sẻ, hiện nay, Việt Nam có một nguồn nhân lực vô cùng dồi dào, với dân số xấp xỉ 94 triệu người vào năm 2018, trong đó lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 55,16 triệu người, đứng thứ 3 trong cộng đồng ASEAN về tỷ lệ lực lượng lao động, một yếu tố quan trọng trong quá trình cạnh tranh. Tuy nhiên, lực lượng lao động tại Việt Nam vẫn còn rất nhiều hạn chế, tỷ lệ lao động trong độ tuổi đã qua đào tạo còn thấp, thiếu hụt lao động có trình độ tay nghề cao, khoảng cách giữa đào tạo và nhu cầu thị trường lao động còn lớn…

Cần sự vào cuộc của doanh nghiệp trong đào tạo để nâng cao chất lượng nhân lực. Ảnh: Tạp chí Lao động và Xã hội.

Nhắc đến hố sâu giữa đào tạo và nhu cầu thị trường lao động, đại diện Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho rằng, mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu nhất định nhưng nhìn tổng thể, đào tạo nghề chưa đáp ứng được nhu cầu và yêu cầu của doanh nghiệp về cả quy mô, cơ cấu và chất lượng đào tạo. Nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp dù đã có nhiều thay đổi, cải thiện nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa gắn bó hữu cơ với nhu cầu nhân lực của từng ngành, từng địa phương; mối quan hệ giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động còn lỏng lẻo… Tỷ lệ thất nghiệp của người tốt nghiệp trình độ trung cấp, cao đẳng còn cao (Quý 4-2017 cao đẳng là 4,32%, trung cấp 2,49%)… Còn theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại 79 doanh nghiệp được khảo sát chỉ có 12,3% doanh nghiệp có hợp tác thường xuyên với cơ sở giáo dục nghề nghiệp; có tới 46,2% doanh nghiệp không có mối quan hệ hợp tác với bất kỳ cơ sở giáo dục nghề nghiệp nào. Kết quả này cho thấy tỷ lệ doanh nghiệp hợp tác với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa cao.

Tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp trong đào tạo nhân lực

Về vấn đề cần thu hẹp khoảng cách giữa đào tạo và nhu cầu thị trường lao động, ông Chang - Hee Lee, Giám đốc ILO tại Việt Nam cũng đồng quan điểm khi cho rằng, Việt Nam đang thiếu hụt nhân lực có tay nghề cao và có khoảng cách lớn giữa đào tạo lao động và nhu cầu tuyển dụng thực tế hiện nay.

Theo Giám đốc ILO tại Việt Nam, cần phải có một lực lượng lao động chất lượng cao, được đào tạo một cách bài bản và phù hợp với nhu cầu thực tiễn để thích ứng với những thay đổi và thách thức của thị trường lao động trong nước cũng như quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0 như hiện nay. Để lấp đầy hố sâu trong khoảng cách giữa đào tạo lao động và nhu cầu tuyển dụng, theo ông Chang-Hee Lee, cần có sự hợp tác và phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, bộ, ngành trong việc quản lý và phát triển nguồn nhân lực, bao gồm Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Cục Việc làm, Trung tâm Dịch vụ việc làm, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp,....), Bộ Giáo dục và đào tạo, các trung tâm đào tạo dạy nghề... nhằm thảo luận, trao đổi và đưa ra các giải pháp tháo gỡ hợp lý, cải thiện chất lượng nguồn nhân lực tại Việt Nam trong thời gian tới.

Còn theo đại diện VCCI, một trong những điểm mới của Luật Giáo dục nghề nghiệp là quy định đầy đủ hơn so với Luật Dạy nghề về quyền và trách nhiệm của doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp có quyền và trách nhiệm trong việc đào tạo nhân lực cho doanh nghiệp của mình, phối hợp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp để cùng đào tạo, đặt hàng đào tạo, đồng thời trực tiếp tham gia vào các hoạt động đào tạo như xây dựng chương trình đào tạo, tổ chức giảng dạy, đánh giá kết quả học tập của người học nghề…

Rõ ràng, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động thì việc thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp từ sự phối hợp của nhiều bộ, ban, ngành là điều cần thiết, trong đó, việc tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp trong quá trình đào tạo nhân lực là một trong những chìa khóa để giải bài toán nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

BĂNG CHÂU

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/tang-cuong-su-tham-gia-cua-doanh-nghiep-trong-dao-tao-nhan-luc-542011