Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của luật sư

Thực hiện Chỉ thị số 33-CT/TW ngày 30-3-2009 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức, hoạt động của luật sư, đến nay tổ chức và đội ngũ luật sư trên địa bàn tỉnh phát triển cả về số lượng và chất lượng; hoạt động của luật sư có những đóng góp cho sự phát triển chung của tỉnh, khẳng định rõ hơn vị trí, vai trò của luật sư trong đời sống xã hội.

Đoàn Luật sư tỉnh Thanh Hóa tổ chức hội nghị phổ biến Luật Tố tụng hình sự năm 2015.

Để các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh nhận thức rõ hơn về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của luật sư và hành nghề luật sư trong việc bảo vệ công lý, bảo vệ pháp chế XHCN, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, đẩy mạnh cải cách tư pháp và hội nhập kinh tế quốc tế, sau khi tiếp thu Chỉ thị số 33 của Ban Bí thư, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức quán triệt, triển khai nội dung chỉ thị đến thủ trưởng các ngành, bí thư, chủ tịch HĐND, UBND các huyện, thị xã, thành phố. Giao trách nhiệm cho thủ trưởng các ngành, chủ tịch UBND các cấp xây dựng kế hoạch, phổ biến, quán triệt, triển khai chỉ thị đến toàn thể cán bộ và nhân dân ở địa phương, đơn vị mình. Qua đó, nhận thức của các cấp ủy đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò của luật sư và hành nghề luật sư được nâng lên. Và khi luật sư tham gia tố tụng tại tòa án, các tòa án thường xuyên quan tâm, tạo điều kiện để luật sư thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo quy định của pháp luật. Trong quá trình tiến hành tố tụng, tại phiên tòa, hội đồng xét xử luôn đánh giá cao vị trí, vai trò của luật sư, nhất là vai trò tranh tụng của luật sư có vị trí đặc biệt quan trọng, góp phần bảo vệ công lý, quyền, lợi ích hợp pháp cho bị can, bị cáo, người bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Luật sư giúp cho các cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết vụ án khách quan, đúng pháp luật, tránh oan, sai, góp phần thực hiện cải cách tư pháp.

Qua quá trình hoạt động, đội ngũ luật sư trên địa bàn tỉnh phát triển cả về số lượng và chất lượng, tính chuyên nghiệp trong hoạt động hành nghề được nâng lên. Năm 2009, Đoàn Luật sư tỉnh có 30 luật sư (với 25 luật sư hành nghề tại địa phương), phần lớn cán bộ thuộc các ngành nội chính sau khi nghỉ hưu tham gia hoạt động luật sư. Đến nay đã phát triển với số lượng 87 luật sư, trong đó có 50% là các luật sư trẻ, được học tập, đào tạo bài bản, chính quy, sức khỏe tốt, có trình độ chuyên môn, am hiểu các lĩnh vực pháp luật và tâm huyết trong hoạt động hành nghề. Về tổ chức hành nghề luật sư, năm 2009 có 10 tổ chức, đến nay trên địa bàn tỉnh có 21 tổ chức, với 5 công ty luật, 13 văn phòng luật sư, 3 chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư và 8 luật sư hành nghề với tư cách cá nhân. Chất lượng hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư được nâng lên đáng kể. Quy mô tổ chức hành nghề luật sư ngày càng mở rộng, một số tổ chức có quy mô từ 10 đến 15 luật sư hành nghề trong tất cả các lĩnh vực hoạt động. Trình độ quản trị doanh nghiệp của luật sư đứng đầu các tổ chức luật sư được cải thiện rõ rệt; kỹ năng đàm phán, ký kết hợp đồng dịch vụ pháp lý nâng lên. Qua đó, đóng góp quan trọng trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, đồng thời hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp và doanh nhân thông qua hoạt động hỗ trợ về mặt pháp lý. Ngoài các lĩnh vực truyền thống như: Hình sự, dân sự, lao động, hôn nhân gia đình, các luật sư đã mở rộng và phát triển tư vấn pháp luật trong các lĩnh vực hành chính, kinh tế, đầu tư...

Tính từ tháng 4-2009 đến tháng 12-2018, tổng số vụ án trong giai đoạn điều tra là 21.584 vụ, có 817 luật sư tham gia; tổng số vụ án trong giai đoạn truy tố là 17.508 vụ, có 768 luật sư tham gia. Trong đó, án dân sự, hành chính là 39.826 vụ với 322 luật sư tham gia. Nhìn chung chất lượng luật sư khi tham gia tố tụng tương đối đồng đều, tính chuyên nghiệp cao và có hiệu quả hơn. Hầu hết các luật sư đã tự khẳng định mình với năng lực chuyên môn trong hoạt động bào chữa, thể hiện được quyền bình đẳng với kiểm sát viên trong tranh tụng. Có nhiều phiên tòa hoặc trong khi nghiên cứu hồ sơ chuẩn bị xét xử, nhiều luật sư đã phát hiện những tình tiết chưa rõ ràng, chưa đáp ứng được yêu cầu làm rõ sự thật khách quan của vụ án. Các luật sư đã thẳng thắn chỉ rõ những sai phạm, thậm chí là vi phạm pháp luật trong hoạt động tố tụng của người và cơ quan tiến hành tố tụng.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình hoạt động vẫn còn một số hạn chế như: Quá trình tham gia tố tụng của các luật sư vẫn còn gặp nhiều khó khăn do một số cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng chưa bảo đảm cho luật sư thực hiện đầy đủ các quyền theo quy định pháp luật. Từ đó gây ra những trở ngại, khó khăn nhất định cho các luật sư trong thực hiện vai trò bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho khách hàng, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động hành nghề luật sư. Hoạt động tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức của các cơ quan, tổ chức và người dân về vị trí, vai trò của luật sư hiệu quả chưa cao. Thể chế về tổ chức, hoạt động luật sư mặc dù đã được hoàn thiện, song vẫn còn tồn tại một số bất cập, chưa xây dựng được các quy chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan, tổ chức khác với tổ chức xã hội - nghề nghiệp luật sư. Trình độ chuyên môn, kỹ năng hành nghề của một số luật sư còn hạn chế, thiếu kinh nghiệm, chưa thể hiện tính chuyên nghiệp trong hoạt động hành nghề, chất lượng dịch vụ pháp lý chưa cao. Số lượng luật sư có trình độ chuyên môn và ngoại ngữ giỏi, có khả năng làm việc trong môi trường pháp lý quốc tế rất hạn chế, rất ít luật sư hoạt động chuyên sâu về các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư quốc tế, chứng khoán, tài chính ngân hàng, sở hữu trí tuệ, chống bán phá giá... Hoạt động thanh tra, kiểm tra các tổ chức hành nghề luật sư tuy được tăng cường nhưng hiệu quả chưa đáp ứng được yêu cầu...

Để duy trì, phát triển đội ngũ luật sư và tổ chức hành nghề luật sư nhằm đạt được các mục tiêu đã đề ra, thời gian tới, tỉnh tiếp tục đề nghị Bộ Tư pháp và Liên đoàn Luật sư Việt Nam quan tâm nâng cao chất lượng đào tạo luật sư, chú trọng bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng hành nghề cho các luật sư, đặc biệt tập trung đào tạo, bồi dưỡng cho các luật sư những kiến thức và kỹ năng hành nghề luật sư trong môi trường pháp lý quốc tế. Tăng cường kinh phí trong việc quản lý Nhà nước về luật sư cũng như kinh phí hỗ trợ đào tạo luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế. Đề nghị Liên đoàn Luật sư Việt Nam phối hợp với Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Bộ Công an nghiên cứu và xây dựng các văn bản liên ngành để xác lập cơ chế phối hợp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho luật sư tham gia hoạt động tố tụng. Tăng cường chỉ đạo việc quán triệt và thực hiện nghiêm quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam. Xây dựng cơ chế khen thưởng, tôn vinh xứng đáng để khuyến khích các luật sư, tổ chức hành nghề luật sư nâng cao chất lượng hành nghề, giữ gìn uy tín, đạo đức nghề nghiệp.

Bài và ảnh: Tô Dung

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/xay-dung-dang/tang-cuong-su-lanh-dao-cua-dang-doi-voi-to-chuc-va-hoat-dong-cua-luat-su/106202.htm