Tăng cường sử dụng công nghệ hiện đại trong dạy và học

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 14/CT-TTg về đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030. Trong đó, Thủ tướng chỉ thị Bộ Giáo dục và Đào tạo đẩy mạnh và thực hiện hiệu quả chuyển đổi số trong các cơ sở giáo dục và đào tạo; tăng cường sử dụng các phương tiện và công nghệ hiện đại hỗ trợ học tập... Dư luận cho rằng, đây là giải pháp hữu hiệu, đặc biệt trong giai đoạn dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nhằm thực hiện 'nhiệm vụ kép', vừa giữ chất lượng dạy và học, vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.

Giáo viên Trường Trung học cơ sở Thăng Long (quận Ba Đình) hướng dẫn học sinh học trực tuyến tại phòng máy tính của trường. Ảnh: TTXVN

Phó Giám đốc Phụ trách Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Văn Đại:
Giúp các em học sinh "tạm dừng đến trường, không dừng học"

Để đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, đồng thời giúp các em học sinh "tạm dừng đến trường, không dừng học", gần hai năm qua, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã triển khai dạy học trên truyền hình, dạy học trực tuyến, học trên phần mềm Hanoi Study. Các mô hình này đã thu hút gần 100% học sinh tham gia.

Qua sử dụng tối đa phần mềm cơ sở dữ liệu ngành do Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai, bộ phận kỹ thuật thường xuyên hỗ trợ các trường, kịp thời cập nhật thông tin dữ liệu lên hệ thống, nên phát huy hiệu quả tích cực trong quản lý. Điển hình, Sở hỗ trợ tuyển sinh vào các cấp mầm non, lớp 1, lớp 6 bằng hình thức trực tuyến; quản lý, theo dõi sổ điểm điện tử, học bạ điện tử; ôn tập trực tuyến qua hệ thống Hà Nội Study; học qua truyền hình. Năm 2021, Sở tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin để triển khai các hệ thống thông tin quản lý chuyên ngành (sổ điểm điện tử, học bạ điện tử); hỗ trợ công tác tuyển sinh đầu cấp; quản lý dạy học trực tuyến cho học sinh phổ thông.

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phú Xuyên Lưu Luyến:
Góp phần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo

Sự phát triển mạnh của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư yêu cầu ngành Giáo dục cũng phải đổi mới. Để góp phần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo chủ trương của Đảng, trên cơ sở chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo và lãnh đạo huyện Phú Xuyên, phòng đã đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức chính trị - xã hội, các ngành, các cấp và nhân dân quan tâm tới công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, trong đó tập trung xây dựng kế hoạch đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin cho các trường. Nhờ được đầu tư công nghệ, các trường kết nối trao đổi kinh nghiệm trong quản lý, kết nối thông tin giữa nhà trường, gia đình và xã hội chặt chẽ, đầy đủ hơn.

Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Lê Lợi (quận Hoàn Kiếm) Ngô Kiều Linh:
Phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội

Chỉ thị số 14/CT-TTg là chỉ đạo rất cần thiết và phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội. Nhờ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nên chúng tôi được hỗ trợ nhiều trong quản lý và đổi mới phương pháp dạy, học. Kho học liệu số với bài giảng điện tử, học liệu số đa phương tiện, sách giáo khoa điện tử, phần mềm mô phỏng phục vụ giáo dục thường xuyên được bổ sung. Hệ thống ngân hàng câu hỏi trực tuyến của các môn học, phần mềm kiểm tra, đánh giá tập trung qua mạng phục vụ học sinh, giáo viên cũng liên tục được cập nhật, phương pháp dạy và học thông minh được ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn.

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Liên Phương (huyện Thường Tín) Nguyễn Thị Hồng Vân:
Góp phần chuyển đổi phương thức học từ trực tiếp sang trực tuyến

Theo tôi, việc ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại trong các cơ sở giáo dục cần được đẩy mạnh hơn nữa, không chỉ trong bối cảnh có dịch bệnh như hiện nay. Thực tế thời gian qua cho thấy, nhờ ứng dụng công nghệ thông tin mà nhiều trường đã đổi mới phương pháp dạy học từ trực tiếp sang trực tuyến (online), nhiều giáo viên đã nghiên cứu, sáng tạo tổ chức bài giảng theo cách mới, chất lượng, nên học sinh hào hứng với cách học này. Nhờ ứng dụng công nghệ thông tin nên việc quản lý học sinh, giáo viên, quản lý thi, xếp thời khóa biểu... trên môi trường mạng đã được thực hiện ở tất cả các cấp học và ngày càng khẳng định tính hiệu quả.

Chị Lê Lan Hương, phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Bế Văn Đàn (quận Đống Đa):
Hạ tầng công nghệ thông tin cần được đầu tư nhiều hơn

Mặc dù hiện nay cơ sở hạ tầng viễn thông, tiện ích công nghệ thông tin đã phát triển nhưng khi nhiều người cùng truy cập đã xảy ra hiện tượng không đăng nhập được, hoặc đang học bị thoát ra, bị gián đoạn, chất lượng hình ảnh, âm thanh kém nên ảnh hưởng đến truyền tải kiến thức. Do vậy, các đơn vị viễn thông cần ưu tiên nâng cấp đường truyền cho dạy học trực tuyến. Việc đánh giá kiểm tra chất lượng dạy và học trực tuyến cũng cần triển khai công bằng, minh bạch, khách quan. Chúng tôi hy vọng, với Chỉ thị mới này, việc đầu tư về hạ tầng công nghệ thông tin trong hệ thống giáo dục sẽ được các cấp, các ngành quan tâm, chú trọng đầu tư xứng tầm hơn.

Nhóm phóng viên

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/giao-duc/1001735/tang-cuong-su-dung-cong-nghe-hien-dai-trong-day-va-hoc