Tăng cường rèn luyện sức khỏe để nâng cao sức đề kháng, phòng ngừa dịch bệnh

Những năm gần đây, phong trào thể dục thể thao (TDTT) quần chúng phát triển rộng khắp trên toàn quốc và sớm đạt được những mục tiêu do Chính phủ đề ra. Để hiểu rõ hơn về kết quả này cũng như cách làm trên thực tế, phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã có cuộc trao với ông Nguyễn Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ TDTT quần chúng, Tổng cục TDTT, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Phóng viên (PV): Thưa ông, trong bối cảnh dịch Covid-19 thì nhu cầu tập luyện TDTT của người dân vẫn diễn ra khá bình thường. Có phải, điều đó chứng tỏ, việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân rèn luyện thân thể đã được chú trọng hơn?

Ông Nguyễn Ngọc Anh: Ngay sau khi Bác Hồ ra lời kêu gọi đồng bào cả nước tập thể dục (ngày 27-3-1946), người dân Việt Nam đã hưởng ứng tập luyện TDTT nhằm nâng cao sức khỏe để phục vụ học tập, lao động sản xuất, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Hơn 70 năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, chăm lo phát triển sự nghiệp TDTT, đã xây dựng được phong trào tập luyện phát triển rộng khắp, góp phần tích cực vào việc chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe, thể lực của nhân dân. Hằng năm, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban Olympic Việt Nam đều phát động trong toàn quốc Ngày chạy Olympic “Vì sức khỏe toàn dân”. Thông qua sự kiện này, mỗi người dân có ý thức tích cực hơn trong rèn luyện thân thể, đồng thời vận động gia đình, người thân, bạn bè tích cực hưởng ứng và lựa chọn cho mình một hình thức, môn thể thao phù hợp với điều kiện sức khỏe để tập luyện.

 Ông Nguyễn Ngọc Anh

Ông Nguyễn Ngọc Anh

Trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp, mỗi người dân càng cần có ý thức cao hơn về thói quen luyện tập TDTT hằng ngày để bảo vệ sức khỏe, nâng cao sức đề kháng, phòng, chống bệnh dịch. Rèn luyện thân thể đều đặn, chế độ dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý, làm việc và nghỉ ngơi khoa học là biện pháp tốt nhất để mỗi chúng ta nâng cao sức khỏe, phát triển toàn diện, phòng, chống bệnh tật.

PV: Số người tập luyện TDTT thường xuyên và số hộ gia đình thể thao không ngừng tăng qua các năm. Vậy chúng ta đã đạt được mục tiêu mà Chính phủ đề ra chưa, thưa ông?

Ông Nguyễn Ngọc Anh: Tính đến hết năm 2019, số người luyện tập thường xuyên trên toàn quốc ước đạt 33,6% dân số; số gia đình luyện tập TDTT đạt 25% tổng số hộ gia đình; số cộng tác viên TDTT là hơn 66.000 người; hơn 58.000 câu lạc bộ TDTT cơ sở và gần 16.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ TDTT. Tổng số các loại công trình TDTT trên toàn quốc là gần 117.000. Trong đó, sân vận động hơn 8.000, nhà tập luyện và thi đấu hơn 9.000, bể bơi các loại trên 5.000,... Trong năm, đã có gần 50.000 giải thể thao quần chúng được tổ chức. Như vậy, đến nay, phong trào TDTT quần chúng đã sớm đạt chỉ tiêu mà Chính phủ đề ra trong “Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” được phê duyệt từ năm 2010.

Người dân rèn luyện thân thể ở điểm tập luyện TDTT Công viên Bách Thảo (Hà Nội).Ảnh: HOA LƯ

PV: Thể thao học đường được xem là nền tảng của thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao. Vậy trong những năm qua, thể thao học đường nước ta đã đạt được thành quả gì?

Ông Nguyễn Ngọc Anh: Trong những năm qua, Vụ TDTT quần chúng đã thực hiện tốt trách nhiệm của mình trong việc phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các địa phương đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác giáo dục thể chất (GDTC), hoạt động TDTT trong trường học. Tính đến hết 2019, số trường học phổ thông thực hiện đầy đủ chương trình GDTC nội khóa đạt 100%; tỷ lệ học sinh, sinh viên (HSSV) thực hiện chương trình GDTC chính khóa đạt 95%; số trường thường xuyên hoạt động thể thao ngoại khóa đạt 75%. Tỷ lệ HSSV tham gia tập luyện TDTT ngoại khóa đạt khoảng 73%.

Tuy nhiên, thể thao trong trường học còn nhiều hạn chế do công tác GDTC, hoạt động thể thao trong trường học ở nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức. Cơ sở vật chất, sân bãi, nhà tập, dụng cụ phục vụ cho việc dạy và học môn GDTC cũng như hoạt động thể thao ngoại khóa còn thiếu; nội dung, phương pháp nghèo nàn, chưa đổi mới toàn diện nên chưa thu hút được sự yêu thích, hăng say tập luyện các môn thể thao của HSSV.

Để khắc phục tình trạng trên, trước tiên cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, giáo viên, các bậc phụ huynh và học sinh về tầm quan trọng của môn học thể dục và hoạt động thể thao ngoại khóa. Các cơ quan chức năng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phối hợp xây dựng, đổi mới nội dung, chương trình GDTC, thể thao học đường phù hợp với điều kiện thực tế của các trường học và đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của HSSV về vui chơi giải trí, rèn luyện thể chất. Tổng cục TDTT đã có công văn gửi các liên đoàn, hiệp hội thể thao quốc gia về việc xây dựng kế hoạch đưa các môn thể thao vào hoạt động thể thao trường học. Đến nay, nhiều môn thể thao đã được các trường đưa vào nội dung là môn tự chọn trong chương trình GDTC. Các môn thể thao đang phát triển khá mạnh trong trường học hiện nay như: Bóng đá, bóng rổ, bóng bàn, bóng ném, cờ vua, võ cổ truyền...

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

HỮU TRƯỞNG (thực hiện)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/the-thao/trong-nuoc/tang-cuong-ren-luyen-suc-khoe-de-nang-cao-suc-de-khang-phong-ngua-dich-benh-613344