Tăng cường quyền tư pháp theo hướng mở rộng thẩm quyền cho Tòa án

Đó là ý kiến của chuyên gia tại'Hội thảo Chiến lược cải cách tư pháp trong TAND đến năm 2030' do TANDTC tổ chức vừa qua.

Tòa án đã đề ra nhiều chủ trương đột phá

Tại hội thảo, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết, thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Nhà nước về cải cách tư pháp, hệ thống Tòa án đã chủ động đề ra nhiều chủ trương, giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng xét xử và hiệu quả cải cách tư pháp. Về hoàn thiện thể chế, Quốc hội đã ban hành Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức TAND, các Bộ luật về tố tụng hình sự, dân sự, hành chính… với nội dung về cơ bản đã thể chế hóa được các định hướng mà Nghị quyết số 49-NQ/TW đề ra.

Cùng với đó, tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của TAND đã được đổi mới, hoàn thiện, trong đó có việc đổi mới cách thức tổ chức phiên tòa theo hướng tiếp thu hạt nhân hợp lý của mô hình tranh tụng, đổi mới hình thức phòng xử án. Đội ngũ chức danh tư pháp trong TAND được đổi mới, củng cố, tăng cường cả về số lượng và chất lượng.

Chức danh Thẩm phán được phân thành 4 ngạch gồm: Thẩm phán TANDTC, Thẩm phán cao cấp, Thẩm phán trung cấp và Thẩm phán sơ cấp. Cơ sở vật chất và phương tiện làm việc của các Tòa án có bước cải thiện nhất định tạo điều kiện để các Tòa án hoàn thành nhiệm vụ được giao. Trong hợp tác quốc tế, uy tín và địa vị của Tòa án Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng cao. Tham gia nhiều định chế tư pháp quốc tế như Hội đồng Chánh án thế giới và khu vực, Tòa án trọng tài thường trực PCA… đàm phán, ký kết nhiều Hiệp định đa phương, song phương.

Về việc hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với công tác Tòa án, đã thực hiện việc bố trí, cơ cấu lãnh đạo TAND tham gia cấp ủy hoặc Ban Thường vụ tại địa phương.

Để chuẩn bị cho việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW và góp ý văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Chánh án TANDTC nhấn mạnh: “Hội thảo về chiến lược cải cách tư pháp trong TAND định hướng đến năm 2030 thảo luận những nội dung quan trọng cần định hướng để cải cách trong trong thời gian tới.

Hội thảo đã thu hút sự đóng góp ý kiến của các chuyên gia đến từ nhiều lĩnh vực, trong đó đáng chú ý GS. TS Võ Khánh Vinh, nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đưa ra những đánh giá, nhận định về vấn đề lý luận và thực tiễn về quyền tư pháp, thực hiện quyền tư pháp; xây dựng chế độ tư pháp công khai, minh bạch và tăng cường khả năng tiếp cận công lý cho người dân.

Theo GS.TS Võ Khánh Vinh, Tòa án là hiện thân của công lý, của chế độ tư pháp. Từ trong lịch sử đến nay khi nói đến công lý, nói đến chế độ tư pháp nghĩa là nói đến Tòa án. Tòa án là biểu tượng của công lý, của chế độ tư pháp. Niềm tin vào công lý là niềm tin vào Tòa án. Tòa án với tư cách là chủ thể trung tâm của quyền tư pháp có vai trò duy trì và bảo đảm công lý, bảo đảm sự an toàn pháp lý, các quyền con người, các quyền công dân. Tòa án là thiết chế bảo vệ công lý tức là bảo vệ các giá trị xã hội chung thông qua xét xử và đưa ra phán quyết về các tranh chấp, xung đột trong xã hội, là cơ quan bảo vệ quyền con người, quyền công dân, là cơ quan bảo vệ pháp luật, phục hồi các quyền đã bị vi phạm. Tòa án nhân danh công lý phán quyết về các hành vi vi phạm pháp luật, các tranh chấp, xung đột trong xã hội, buộc các cá nhân, tổ chức chịu sự phán quyết đó thi hành phán quyết đã được đưa ra.

 Quang cảnh hội thảo

Quang cảnh hội thảo

Cần coi trọng và đề cao quyền tư pháp

GS. TS Võ Khánh Vinh có những kiến nghị để đóng góp cho việc xây dựng các văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và việc nghiên cứu xây dựng Chiến lược cải cách tư pháp mới giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045. Theo ông Vinh, Chiến lược đó phải đánh giá đúng trạng thái hiện thực, những hạn chế, thiếu sót của quyền tư pháp, thực hiện quyền tư pháp hiện nay và xu hướng vận động của quyền tư pháp, thực hiện quyền tư pháp ở nước ta trong thời gian tới. Đó là: Cần phải coi trọng, đề cao quyền tư pháp đúng thực chất, hiện thực như vốn có của nó trong cơ chế quyền lực chính trị trong điều kiện một Đảng cầm quyền; Đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với thực hiện quyền tư pháp: đổi mới chiến lược phát triển tư pháp phù hợp với vai trò, vị trí, đặc trưng, nội dung của quyền tư pháp, tổ chức và phương thức thực hiện quyền tư pháp; chỉ đạo tích cực, sát sao việc đào tạo đội ngũ Thẩm phán đáp ứng các đòi hỏi cao về đạo đức, về chính trị, về chuyên môn nghiệp vụ và các đòi hỏi khác.

Vẫn theo ông Vình, trên phương diện quyền lực Nhà nước, cần tiếp tục tăng cường quyền tư pháp theo hướng mở rộng thẩm quyền cho Tòa án: giao thẩm quyền giải thích pháp luật, mở rộng thẩm quyền xét xử các vi phạm hành chính cho Tòa án; Giao vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của thiết chế bảo Hiến cho TANDTC; Tăng cường sự giám sát của quyền tư pháp đối với quyền hành pháp và quyền lập pháp; Bảo đảm sự cân bằng giữa các lĩnh vực, phạm vi, loại quyền lực trong cơ chế quyền lực nhà nước thống nhất.

Trên phương diện xã hội, GS.TS Võ Khánh Vinhh cho rằng, cần phải cao quyền tư pháp trong xã hội, củng cố và phát triển niềm tin của xã hội vào Tòa án. Xây dựng và phát triển niềm tin vào Tòa án, tức là xây dựng và phát triển niềm tin vào công lý, cậy nhờ vào công lý; Tăng cường công khai hóa, minh bạch hóa mọi hoạt động và kết quả hoạt động của Tòa án; Tăng cường sự giám sát của xã hội đối với thực hiện quyền tư pháp, xây dựng cơ chế giám sát phù hợp với đặc thù của quyền tư pháp và thực hiện quyền tư pháp; Hoàn thiện chế định hội thẩm nhân dân để tăng tính dân chủ, tính nhân dân của hoạt động xét xử; nghiên cứu để áp dụng ở giới hạn phù hợp chế định bồi thẩm đoàn. Đặc biệt là tăng cường truyền thông về quyền tư pháp, thực hiện quyền tư pháp, hệ thống tư pháp: Xây dựng và thực hiện chiến lược truyền thông phù hợp về quyền tư pháp, thực hiện quyền tư pháp; Xây dựng cơ chế phù hợp để giảm áp lực không chính đáng, không hợp pháp từ mọi thiết chế và các chủ thể khác nhau trong xã hội đối với Tòa án và Thẩm phán.

Quốc Huy

Nguồn Công Lý: http://congly.vn/hoat-dong-toa-an/tieu-diem/tang-cuong-quyen-tu-phap-theo-huong-mo-rong-tham-quyen-cho-toa-an-304810.html