Tăng cường quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học công nghệ, đối ngoại ở khu vực biên giới

Khu vực biên giới là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Nhận thức rõ về vị trí, tầm quan trọng đặc biệt của khu vực biên giới, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách quan trọng, ưu tiên nguồn lực phát triển khu vực biên giới trên tất cả các lĩnh vực: Kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học công nghệ, củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh và đối ngoại.

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Hà Tĩnh giúp nhân dân xã Hương Vĩnh, huyện Hương Khê xây dựng nông thôn mới. Ảnh: M.T

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Hà Tĩnh giúp nhân dân xã Hương Vĩnh, huyện Hương Khê xây dựng nông thôn mới. Ảnh: M.T

Trước xu thế của thời đại, cùng với sự phát triển chung của đất nước Đảng, Nhà nước ta luôn chú trọng ưu tiên nguồn lực đầu tư, hiện đại hóa các công trình biên giới, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học công nghệ và đối ngoại ở khu vực biên giới, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia trong tình hình mới.

Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quan trọng với những chủ trương, biện pháp cụ thể, tập trung ưu tiên mọi nguồn lực xây dựng khu vực biên giới vững mạnh toàn diện như: Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22-10-2018 tại Hội nghị lần thứ tám, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị định số 164/2018/NĐ-CP ngày 21-12-2018 của Chính phủ về kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội và kinh tế - xã hội với quốc phòng; Quyết định số 647/QĐ-TTg ngày 18-5-2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án hợp tác quốc tế về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030...

Mặt khác, Nhà nước cũng đã ban hành nhiều chính sách ưu tiên đặc biệt, đặc thù phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh và đối ngoại đối với vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới, hải đảo như: Quyết định số 273/2005/QĐ-TTg ngày 31-10-2005 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 53/2001/QĐ-TTg ngày 19-4-2001 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khu kinh tế cửa khẩu biên giới; Nghị định số 14/2018/NĐ-CP ngày 23-1-2018 quy định chi tiết về hoạt động thương mại biên giới; Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội khóa XIV về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 do Chính phủ ban hành; Quyết định số 482/QĐ-TTg ngày 14-4-2010 của Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế đối ngoại vùng biên giới Việt Nam-Lào và Việt Nam-Campuchia; Quyết định số 1385/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án hỗ trợ thôn, bản, ấp của các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2018 - 2020.

Theo đó, việc tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh ở địa bàn chiến lược biên giới, biển, đảo góp phần phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng, củng cố thế trận khu vực phòng thủ trên đất liền, biển, đảo gắn với đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu như: Đầu tư nguồn lực cho các địa bàn chiến lược quan trọng; xây dựng, hiện đại hóa các công trình phòng thủ, công trình quân sự, công trình kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu; điện lưới quốc gia, viễn thông, hệ thống đường tuần tra biên giới, giao thông liên huyện, liên xã; đặc biệt là các công trình lưỡng dụng sử dụng có hiệu quả cả trong thời bình và thời chiến; kết hợp bố trí, sắp xếp, ổn định dân cư trên địa bàn theo quy hoạch phát triển vùng, lãnh thổ, các ngành, lĩnh vực và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương.

Xây dựng địa bàn khu vực biên giới vững mạnh về quốc phòng, an ninh và kinh tế - xã hội; tuyên truyền, vận động nhân dân nắm vững và thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ chính trị của địa phương; mạnh dạn áp dụng những tiến bộ của khoa học, công nghệ vào sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân; đồng thời, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn tuyên truyền, xuyên tạc, kích động chống phá của các thế lực thù địch. Sắp xếp, bố trí dân cư theo quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và mục tiêu lâu dài của quốc phòng, an ninh.

Tại các khu kinh tế - quốc phòng, nhanh chóng tiếp nhận, bố trí, sắp xếp, ổn định cuộc sống cho đồng bào tại chỗ và đồng bào di cư đến sinh sống trên địa bàn; tổ chức, bố trí dân ra làm ăn, sinh sống và định cư sát biên giới, trên các đảo, quần đảo xa bờ có vị trí chiến lược, xung yếu, trọng điểm; thực hiện mục tiêu bảo đảm quốc phòng, an ninh gắn với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương.

Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu tại địa bàn khu kinh tế - quốc phòng trên khu vực biên giới đất liền, ven biển, các hải đảo; tham gia thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, phát triển kinh tế hàng hóa, chương trình xóa đói giảm nghèo. Xây dựng, củng cố tiềm lực quốc phòng trên cơ sở hỗ trợ sản xuất, hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật, giúp dân thoát nghèo bền vững; hình thành các mô hình kinh tế thích hợp ở những vùng biển, đảo khó khăn làm cầu nối giữa đất liền với hải đảo; tổ chức các hoạt động dịch vụ trên biển để giúp dân bám biển, sản xuất dài ngày, góp phần tăng cường các hoạt động dân sự trên các vùng biển, hải đảo chiến lược.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh quan hệ hợp tác, đối ngoại với các đối tác, đối tác toàn diện, đối tác chiến lược phát triển kinh tế đất nước, củng cố quốc phòng, an ninh, nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế; đồng thời, tham gia tích cực và có trách nhiệm vào các diễn đàn thế giới, khu vực; linh hoạt, sáng tạo trong giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu.

Tăng cường hợp tác với các nước láng giềng trong quản lý, bảo vệ biên giới; phối hợp tạo điều kiện cho các hoạt động lưu thông biên giới, cửa khẩu; phòng chống các loại tội phạm; giải quyết các vấn đề về biên giới, lãnh thổ với các nước có chung đường biên giới trên cơ sở thương lượng, đàm phán hòa bình, tôn trọng tập quán và luật pháp quốc tế; giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vì lợi ích quốc gia, dân tộc; xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và cùng phát triển.

Thời gian tới, Đảng, Nhà nước tiếp tục có chính sách củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh; ưu tiên nguồn lực đầu tư, hiện đại hóa các công trình biên giới; phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ, đối ngoại ở khu vực biên giới; xây dựng khu vực biên giới vững mạnh toàn diện; thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Tiến sĩ Hà Văn Long

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/tang-cuong-quoc-phong-an-ninh-phat-trien-kinh-te-van-hoa-xa-hoi-khoa-hoc-cong-nghe-doi-ngoai-o-khu-vuc-bien-gioi-post434894.html