Tăng cường quản lý, xử lý chất thải, rác thải

Những năm gần đây, với tốc độ đô thị hóa cao, cùng với đó sự gia tăng hoạt động sản xuất của các ngành công nghiệp trở thành áp lực đối với môi trường của tỉnh. Để nâng cao chất lượng môi trường sống, tỉnh đã có nhiều giải pháp, trong đó chú trọng công tác quản lý, thu gom xử lý chất thải, rác thải.

Nhà máy xử lý nước thải tại Khu Công nghiệp Đông Mai (TX Quảng Yên) được đầu tư đáp ứng yêu cầu xử lý nước thải

Theo thống kê, lượng chất thải rắn thông thường phát sinh trên địa bàn tỉnh mỗi ngày là khoảng 1.247 tấn, trong đó chất thải sinh hoạt khu vực đô thị phát sinh 988 tấn/ngày (chiếm 79,2 tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt toàn tỉnh)…

Để nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động quản lý, xử lý chất thải, tỉnh đã triển khai thí điểm phân loại rác thải tại nguồn, thiết lập các tuyến thu gom rác thải sinh hoạt và xây dựng các điểm trung chuyển rác. Đến nay, tỉnh đã đầu tư xây dựng, đưa vào vận hành 5 khu xử lý rác thải sinh hoạt liên vùng, liên huyện. Đối với tuyến đảo, tỉnh đầu tư 2 khu xử lý rác thải (khu xử lý chất thải rắn Trường Xuân, xã Đồng Tiến, huyện Cô Tô đã hoàn thành và đưa vào vận hành); còn khu xử lý chất thải rắn cho các xã đảo: Thanh Lân, Minh Châu, Quan Lạn, Ngọc Vừng đang trong quá trình triển khai. Tỉnh cũng đầu tư trên 20 lò đốt rác, trong đó 5 lò đốt ở các xã, đảo, vùng sâu, vùng xa. Đối với các bãi chôn lấp rác không còn khả năng tiếp nhận và xử lý chất thải, hoặc các bãi chôn lấp không đảm bảo tiêu chuẩn về môi trường đều được tỉnh chỉ đạo đóng cửa và cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định.

Theo số liệu thống kê của Sở TN&MT, đến nay, 70% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt (tương đương 787 tấn/ngày) được xử lý bằng phương pháp chôn lấp; 26% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt (tương đương 295 tấn/ngày) xử lý bằng công nghệ đốt; 2-4% lượng chất thải rắn sinh hoạt (tương đương 22 tấn/ngày) xử lý bằng phương pháp tái chế thu hồi nhựa...

Một số địa phương, như: Tiên Yên, Hạ Long đã xây dựng Đề án thí điểm phân loại chất thải rắn tại nguồn, xây dựng mô hình thay đổi hành vi như “Dùng làn đi chợ”, hạn chế sử dụng túi nilon; triển khai thí điểm thực hiện mô hình quản lý tổng hợp chất thải rắn thông qua dự án nâng cao nhận thức về quản lý chất thải rắn và thực hiện thí điểm tại: Phường Thanh Sơn (TP Uông Bí), xã Lương Mông (huyện Ba Chẽ) và thị trấn Cô Tô, xã Đồng Tiến (huyện Cô Tô).

Song song với đó, việc thu gom, xử lý chất thải nguy hại, phế liệu cũng được các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh quan tâm thực hiện. Theo thống kê của Sở TN&MT, 91% tổng số lượng chất thải nguy hại phát sinh đã được các chủ nguồn thải hợp đồng với các đơn vị được cơ quan có thẩm quyền cấp phép xử lý theo quy định; còn lại 9% lượng chất thải nguy hại do mới phát sinh với khối lượng ít đều được lưu giữ tại kho chất thải nguy hại của đơn vị đó.

Bên cạnh đó, việc thu gom, vận chuyển xử lý chất thải công nghiệp thông thường phát sinh từ các cơ sở sản xuất kinh doanh được các chủ doanh nghiệp thực hiện theo các nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường được duyệt. Riêng đối với các khu kinh tế, khu công nghiệp trong tỉnh, khối lượng chất thải rắn công nghiệp thông thường phát sinh là gần 28.000 tấn/năm và tỷ lệ được thu gom đạt 100%.

Các doanh nghiệp trong tỉnh chủ động các biện pháp bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất. Trong ảnh: Công nhân Công ty CP Cơ khí ô tô Uông Bí làm chủ thiết bị trong sản xuất.

Ngoài ra, tỉnh còn tranh thủ các nguồn lực thực hiện các dự án hợp tác quốc tế về quản lý rác thải nhựa đô thị, trong đó chú trọng các dự án với các giải pháp quản lý rác thải nhựa đô thị khu vực vùng bờ vịnh Hạ Long; cải thiện quy trình thu gom, phân loại và xử lý rác thải nhựa góp phần giảm thiểu rác thải nhựa khu vực vùng bờ vịnh Hạ Long; thử nghiệm các giải pháp tích hợp để quản lý rác thải đô thị...

Bên cạnh xử lý chất thải rắn, hiện trên địa bàn tỉnh mới có TP Hạ Long đã đầu tư xây dựng, vận hành hệ thống thoát nước và xử lý nước thải đô thị tập trung với tổng công suất các nhà máy xử lý đạt 18.077m3/ngày, xử lý khoảng 40% lượng nước thải phát sinh của thành phố. Các đô thị còn lại đang triển khai công tác chỉnh trang đô thị kết hợp với việc cải tạo, nâng cấp mở rộng mạng lưới thoát nước trên các tuyến phố đô thị, triển khai đầu tư các dự án thoát nước và xử lý nước thải đô thị… Từng bước hoàn thiện hệ thống thoát nước và xử lý nước thải tập trung góp phần đảm bảo môi trường sống, chủ động trong phòng chống ngập lụt tại địa bàn dân cư.

Nguyễn Huế

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/202104/tang-cuong-quan-ly-xu-ly-chat-thai-rac-thai-2531017/