Tăng cường quản lý xe đưa đón học sinh đầu năm học mới

Công tác phối hợp, quản lý xe đưa đón học sinh thời gian qua trên địa bàn tỉnh được thực hiện quyết liệt, các phương tiện không đảm bảo điều kiện theo quy định đã bị xử lý nghiêm. Tuy nhiên, dịch vụ xe đưa đón học sinh vẫn bộc lộ nhiều bất cập, các phương tiện hoạt động lộn xộn gây bất an cho phụ huynh và học sinh.

Bên trong chiếc xe ô tô loại 16 chỗ dùng để đưa đón học sinh bị lực lượng chức năng thu giữ với thiết kế ghế xe đã thay đổi, hư hỏng và xuống cấp gây mất an toàn

Bên trong chiếc xe ô tô loại 16 chỗ dùng để đưa đón học sinh bị lực lượng chức năng thu giữ với thiết kế ghế xe đã thay đổi, hư hỏng và xuống cấp gây mất an toàn

Hiện nay, việc đưa đón học sinh bằng xe ô tô trên địa bàn Đồng Nai được tổ chức theo nhiều hình thức, theo từng cấp học khác nhau. Mỗi nơi thực hiện mỗi kiểu dễ dẫn đến tình trạng không thể quản lý hết cũng như không nắm được số lượng cụ thể phương tiện hoạt động như thế nào.

* Bát nháo dịch vụ đưa đón học sinh

Theo quy định ở bậc THPT, THCS, nhà trường sẽ đứng ra hợp đồng với nhà xe, chủ xe trong việc đưa đón học sinh. Riêng đối với cấp tiểu học, việc này nhà trường không quản lý mà chủ yếu do giáo viên, phụ huynh tự lo. Từ chỗ để cho giáo viên, phụ huynh tự đứng ra thuê xe đã bộc lộ bất cập xuất phát từ việc họ không thể nắm bắt hết các quy định về điều kiện kinh doanh vận tải.

Trong 6 tháng đầu năm 2019, Thanh tra giao thông (Sở Giao thông - vận tải) đã phối hợp với các lực lượng chức năng đã lập biên bản xử lý vi phạm hành chính gần 200 trường hợp với các lỗi như: dừng, đậu xe sai quy định, không có phù hiệu, chở quá số người quy định, không đóng cửa lên, xuống xe khi xe đang chạy… với tổng số tiền gần 180 triệu đồng. Bên cạnh đó, ngành chức năng còn tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 10 trường hợp.

Nhiều người chỉ quan tâm đến giá cả mà bỏ qua những quy định như: phương tiện chở người phải được cấp phép kinh doanh vận tải, được cấp phù hiệu, có đăng ký, đăng kiểm, lái xe phải có giấy phép phù hợp với từng loại xe… Một số giáo viên cho rằng, nhiều phụ huynh học sinh là công nhân lao động, điều kiện kinh tế khó khăn nên ai cũng mong muốn giá rẻ để giảm bớt chi phí.

Sau khi thỏa thuận giá cả giữa hai bên, giáo viên căn cứ vào số học sinh rồi thông báo số tiền chi phí đi lại. Nhiều người còn không nắm rõ các quy định đối với phương tiện đưa đón học sinh. Còn lái xe, chủ xe thì dù biết xe của mình không đảm bảo an toàn, hoạt động sai quy định nhưng vẫn phớt lờ.

Hiệu trưởng Trường THCS Long Bình (phường Long Bình, TP.Biên Hòa) Nguyễn Thị Kim Lan lý giải, nhà trường không có đủ chức năng để yêu cầu chủ xe cung cấp các thông tin về điều kiện an toàn khi tham gia đưa đón học sinh. Thậm chí, khi chủ xe đưa ra các loại giấy tờ, nhà trường cũng không thể biết thật giả như thế nào?

Nhu cầu hiện nay của phụ huynh trong việc đưa đón con đi học bằng xe ô tô rất cao. Điều này thể hiện những trường trên địa bàn TP.Biên Hòa có số lượng xe đưa đón trong năm học 2018-2019 hoạt động lớn như: Trường tiểu học Phan Chu Trinh (phường Tân Phong) 19 xe, Trường tiểu học Nguyễn Chí Thanh (phường Long Bình) 29 xe, Trường tiểu học Phan Đình Phùng (phường Long Bình) 27 xe, Trường tiểu học Trảng Dài (phường Trảng Dài) 24 xe…

Xe buýt được tận dụng chở học sinh, các em ngồi trên xe mở cửa thò đầu, đưa chân tay ra ngoài khi đang lưu thông rất nguy hiểm.

Đây đều là những trường vùng ven, khu đông công nhân lao động sinh sống; lực lượng chức năng cũng ít tuần tra, kiểm soát giao thông tại các khu vực này nên còn nhiều xe đưa đón học sinh không đủ điều kiện an toàn vẫn ngang nhiên hoạt động. Một số xe sẵn sàng thay đổi thiết kế xe, tháo các ghế ngồi riêng lẻ rồi làm thành băng ghế dài để có thể chở được nhiều học sinh hơn.

“Cô giáo đứng ra thuê xe chở học sinh từ trường về nhà ở trong hẻm với khoảng cách 1-2km nên tôi sử dụng xe cũ, không có phù hiệu hoạt động. Do chỉ chạy ở khoảng cách gần, không đi ra đường lớn nên ít khi bị phát hiện, kiểm tra” - ông V.T. (ngụ phường Long Bình, TP.Biên Hòa) lái xe đưa đón học sinh cho biết.

* Tăng cường quản lý ngay từ đầu năm học

Theo Sở Giao thông - vận tải, ngoài các trường hợp hoạt động riêng lẻ thì trên địa bàn tỉnh có 12 doanh nghiệp, hợp tác xã đứng ra kinh doanh dịch vụ vận chuyển học sinh. Riêng khu vực TP.Biên Hòa qua thống kê có 332 xe đưa đón học sinh. Trong đó, có 67 xe chưa được cấp phù hiệu, 10 xe hết hạn đăng kiểm, 6 xe hết niên hạn sử dụng, 1 trường hợp dùng xe tải thùng để tham gia đưa đón học sinh. Chất lượng các xe cũng không đồng đều, chủ yếu các xe hoạt động trên 15 năm, chiếm đến gần 47% (với khoảng 155 xe).

Nhiều trường trên địa bàn TP.Biên Hòa tổ chức đưa đón học sinh bằng xe ô tô. Tuy nhiên, một số xe ngoài tài xế thì không có nhân viên hay giáo viên để giám sát học sinh

Phó trưởng phòng GD-ĐT TP.Biên Hòa Bùi Văn Phượng cho rằng, ngoài một số trường tư thục hoạt động bài bản đứng ra hợp đồng với các doanh nghiệp vận tải, nhà xe, trên xe còn có giáo viên phối hợp với lái xe để đưa đón học sinh thì một số trường tiểu học trên địa bàn vẫn chưa quan tâm đến vấn đề này. Trong khi đó, hiện chưa có một tiêu chuẩn chung nào về xe đưa đón học sinh được đưa ra. Điều này gây khó khăn cho công tác giám sát và quản lý.

Kể từ năm học 2018-2019 đến nay, Phòng GD-ĐT TP.Biên Hòa đã làm việc với các trường học yêu cầu phải tăng cường hơn nữa công tác tổ chức, quản lý xe đưa đón học sinh nhằm đảm bảo an toàn giao thông. Trong đó, giao cho hiệu trưởng các trường đóng vai trò chính trong việc giám sát, kiểm tra. Nếu để xảy ra các sự cố, tai nạn liên quan đến xe đưa đón học sinh thì hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm.

Sau sự cố một học sinh Trường Gateway (TP.Hà Nội) tử vong trên xe đưa đón học sinh, ngày 7-8, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã có văn bản đề nghị các bộ, ngành, địa phương triển khai các giải pháp cấp bách đảm bảo an toàn với xe đưa đón học sinh. Theo đó, các cơ sở giáo dục từ mầm non đến THPT trong cả nước khi đưa đóc học sinh bằng ô tô phải chọn các đơn vị có đủ điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô theo quy định.

Ủy ban An toàn giao thông quốc gia yêu cầu các đơn vị hợp đồng vận chuyển phải ghi rõ yêu cầu, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan về an toàn giao thông, bảo vệ sức khỏe cho học sinh khi ngồi trên xe và khi lên, xuống xe. Với những trường hợp cố tình vi phạm cần chấm dứt hợp đồng và xử lý nghiêm các lái xe, chủ xe theo quy định.

Sở GD-ĐT cũng vừa ban hành văn bản yêu cầu tăng cường công tác tổ chức, quản lý xe đưa đón học sinh trên địa bàn tỉnh trước thềm năm học mới 2019-2020.

Theo đó, các phòng GD-ĐT, các trường THPT và các đơn vị trực thuộc cần khẩn trương tuyên truyền về công tác tổ chức, ký kết hợp đồng xe đưa đón học sinh đảm bảo chất lượng, xe có đăng ký, đăng kiểm còn thời hạn hiệu lực, lái xe có bằng lái phù hợp với quy định và được cấp phù hiệu hoạt động. Sở GD-ĐT còn yêu cầu các trường học phải tăng cường công tác tổ chức, quản lý xe đưa đón học sinh nhằm đảm bảo an toàn giao thông; bố trí các điểm giữ xe hoặc đậu xe phù hợp cho học sinh đưa đón con em đúng quy định.

Về vấn đề này, Phó giám đốc Sở Giao thông - vận tải Dương Văn Đông cho biết, thời gian tới, các lực lượng chức năng sẽ tiếp tục kiểm tra, theo dõi và xử lý tình trạng phương tiện đưa đón học sinh không bảo đảm các điều kiện tham gia giao thông, sử dụng phương tiện không đúng mục đích; đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan thực hiện tốt các biện pháp nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông khu vực trước cổng trường.

Ông Đặng Văn Chung, Vụ phó Vụ An toàn giao thông (Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Bộ Giao thông - vận tải): Quy định trách nhiệm của lái xe, giáo viên đưa đón

Với xe chở học sinh của các trường học đều thuộc diện xe hợp đồng chở khách theo Nghị định 86/2014/NĐCP về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, do đó phải tuân thủ các quy định đã có. Khi thực hiện đưa đón học sinh, những người có trách nhiệm liên quan từ lái xe đến giáo viên đi kèm đều được quy định trách nhiệm chặt chẽ trong việc kiểm soát số lượng học sinh lên, xuống xe.

Thiếu tá Nguyễn Hải Dương, Phó trưởng phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh: Xử lý nghiêm xe vi phạm

Lực lượng cảnh sát giao thông, công an các địa phương sẽ tăng cường kiểm tra, phối hợp xử lý các trường hợp xe đưa đón học sinh vi phạm các quy định về trật tự an toàn giao thông đường bộ.

Trong đó, tập trung xử lý những xe chưa được cấp phù hiệu, hết hạn đăng kiểm, hết niên hạn sử dụng, giải tỏa giao thông không để xảy ra ùn tắc trước cổng trường.

Bà Đặng Thị Mỹ (ngụ phường Long Bình, TP.Biên Hòa): Phải có tiêu chí về dịch vụ đưa đón học sinh

Qua tìm hiểu, tôi biết hiện không có một tiêu chuẩn cụ thể với xe đưa đón học sinh. Xe đưa đón con tôi đi học hiện tại là xe 16 chỗ đã xuống cấp, cũ kỹ, điều này khiến tôi rất lo lắng. Các bộ, ngành liên quan cần nhanh chóng phối hợp để đưa ra một quy chuẩn chung thống nhất, tránh tình trạng xe nào cũng có thể trở thành xe đưa đón học sinh.

Dương Ngọc

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/phapluat/201908/tren-tran-tuyen-an-toan-giao-thong-tang-cuong-quan-ly-xe-dua-don-hoc-sinh-dau-nam-hoc-moi-2958939/