Tăng cường quản lý thuế đối với các giao dịch liên kết

Theo lãnh đạo Tổng cục Thuế, Nghị định số 132/2020/NĐ-CPi kế thừa những nội dung đã được quy định tại Nghị định cũ và đưa ra các biện pháp tăng cường quản lý thuế đối với các giao dịch liên kết, do đó sẽ tăng số thu vào ngân sách.

 Hình ảnh tại buổi họp báo. (Ảnh: M.P)

Hình ảnh tại buổi họp báo. (Ảnh: M.P)

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 132/2020/NĐ-CP (Nghị định 132) ngày 5/11/2020 quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết thay thế Nghị định số 20/2017/NĐ-CP: Tăng cường quản lý thuế đối với các giao dịch liên kết (Nghị định 20).

Chiều 9/11 tại Hà Nội, Tổng cục Thuế tổ chức họp báo công bố những nội dung mới của Nghị định 132/2020/ NĐ – CP quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế ông Đặng Ngọc Minh cho biết, hiện số liệu doanh nghiệp có kê khai giao dịch liên kết tính đến cuối 2019 là khoảng 16.500, trong đó, số doanh nghiệp kê khai có phát sinh giao dịch liên kết khoảng 8.000. Thực tế, trong số 8000 doanh nghiệp đó, có tới 83% là các doanh nghiệp FDI, còn lại là các doanh nghiệp Việt.

Qua tiến hành thanh tra, kiểm tra, số thuế truy thu của các năm 2017 – 2019 xoay quanh con số 2.000 tỷ đồng, ngoài ra cũng giảm lỗ rất lớn, riêng năm 2019 đã giảm lỗ đến 9.000 tỷ đồng.

Năm 2020, trong 9 tháng đầu năm, cơ quan thuế đã tiến hành thanh kiểm tra 263 doanh nghiêp, truy thu, truy hoàn và phạt 525 tỷ đồng. Trong đó, có 177 doanh nghiệp FDI, số thuế truy thu các doanh nghiệp này khoảng 442 tỷ đồng.

“Năm 2020, cơ quan thuế thực hiện chủ trương Chính phủ, chỉ tập trung các lĩnh vực không chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; và chúng tôi cũng áp dụng các quy định về trần chi phí lại vay tại Nghị định 20” – ông Đặng Ngọc Minh nói.

Lãnh đạo Tổng cục Thuế cũng thông tin thêm, các quy định về quản lý thuế với các giao dịch và doanh nghiệp liên kết từ Nghị định 20, Nghị định 68 đến Nghị định 132 đều không phân biệt doanh nghiệp liên kết với nước ngoài hay trong nước.

Lãnh đạo Tổng cục Thuế khẳng định đã lắng nghe, nắm bắt các ý kiến đóng góp, nhằm tháo gỡ khó khăn doanh nghiệp trong nước.

Nhìn chung các doanh nghiệp trong nước vẫn gặp khó khăn, có không ít doanh nghiệp, vốn chủ sở hữu ít, nhưng 1 Tập đoàn có khi lập ra hàng trăm doanh nghiệp, dẫn đến tình trạng khá nhiều doanh nghiệp vốn mỏng.

“Tất nhiên, Việt Nam vẫn là một nền kinh tế đang phát triển, các doanh nghiệp đặc biệt là tư nhân cần có thời gian tích tụ vốn, tuy nhiên, nguyên tắc của WTO quản lý là phải đối xử công bằng giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Đồng thời, chính sách này không chỉ là để chống chuyển giá, mà còn thể hiện định hướng chung, quản lý thuế thực hiện tái cơ cấu, lành mạnh hóa thị trường đầu tư, hạn chế bớt những doanh nghiệp vốn mỏng, dựa nhiều vào vốn vay quá mức để mở rộng đầu tư, gây rủi ro cho hệ thống trong dài hạn”, đại diện lãnh đạo Tổng cục Thuế nhấn mạnh

Cũng theo ông Minh, ngay bản thân các doanh nghiệp trong nước cũng đã vươn ra đầu tư nước ngoài. Hay thực tế bản thân các doanh nghiệp trong nước cũng có sự chuyển giá lẫn nhau, vì đặc thù nước ta có nhiều chính sách ưu đãi thuế theo địa bàn, lĩnh vực trong khi một tập đoàn trong nước hiện nay cũng đa nghề, đa lĩnh vực. Khi có sự chênh lệch thuế giữa các lĩnh vực có quan hệ liên kết sẽ phát sinh chuyển lợi nhuận từ doanh nghiệp, pháp nhân hay địa bàn có thuế suất cao sang thuế suất thấp. Kể cả trong trường hợp không có chênh lệch lãi suất thì doanh nghiệp vẫn có hoạt động chuyển lợi nhuận từ doanh nghiệp có lãi sang doanh nghiệp lỗ.

Chưa kể, nhiều doanh nghiệp trong nước sử dụng mối liên hệ liên kết để thực hiện các khoản vay, đầu tư vào các hoạt động sản xuất kinh doanh ở lĩnh vực rủi ro. Do vậy, cần phải có sự điều chỉnh đối với các đối tượng doanh nghiệp này.

Về nghị định 132, ông Đặng Ngọc Minh nhấn mạnh, Nghị định kế thừa quy định tại Nghị định số 68/2020/NĐ-CP (Nghị định 68) ngày 24/6/2020 sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 8 Nghị định 20. Cụ thể, nâng mức khống chế chi phí lãi vay từ 20% lên 30%; cho phép khống chế chi phí lãi vay sau khi đã trừ lãi tiền gửi, tiền vay và mở rộng đối tượng được miễn áp dụng quy định khống chế. Quy định về khống chế lãi vay được trừ này đã cơ bản khắc phục những nhược điểm của Nghị định 20.

Tính toán của cơ quan soạn thảo cho thấy, quy định hồi tố năm 2017, 2018 đối với nội dung nâng ngưỡng khống chế chi phí lãi vay từ 20% lên 30% đồng thời cho bù trừ với lãi tiền gửi, tiền cho vay, dự kiến số thuế phải hoàn hoặc khấu trừ vào khoảng 4.785 tỷ đồng./.

Minh Phương

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/kinh-te/tang-cuong-quan-ly-thue-doi-voi-cac-giao-dich-lien-ket-567523.html