Tăng cường quản lý tàu cá vùng bãi ngang ven biển

Trong thời gian qua, các địa phương ven biển của tỉnh đã tích cực thực hiện các hoạt động đăng ký, đăng kiểm tàu cá; kiểm tra, quản lý phương tiện ra, vào và tàu thuyền neo đậu tại các bến bãi vùng cửa sông, cửa biển.

Tàu cá của ngư dân các xã bãi ngang thường xuyên cập bến tại đê biển xã Minh Lộc (Hậu Lộc) để tập kết hải sản sau khai thác.

Toàn tỉnh hiện có 4.881 tàu cá được phân cấp cho các địa phương quản lý. Việc phân cấp quản lý tàu cá thuận lợi và hiệu quả hơn, bởi cấp huyện, xã nắm rõ các hộ ngư dân có tàu thuyền đi khai thác hải sản trên biển. Việc kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú mỗi khi có bão cũng thuận tiện hơn. Công tác quản lý tàu cá, khai thác hải sản trên biển có chuyển biến tích cực. Số tàu cá được đăng ký, đăng kiểm được các huyện, thành phố thực hiện thường xuyên. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng một số chủ tàu, thuyền trưởng ra vào không chấp hành kiểm tra, kiểm soát; thiếu các thủ tục, giấy tờ, chứng chỉ chuyên môn; tự ý cải hoán, thay máy, đổi vỏ tàu. Ngoài ra, qua tìm hiểu thực tế, vẫn còn chủ tàu, không vào các cảng cá bốc dỡ hàng hóa, mà neo đậu ở các bến cá tự phát ở các vùng bãi ngang ven biển hoặc các bến tư nhân tự phát. Mặc dù, lực lượng của Chi cục Thủy sản xuống tận các cửa sông, cửa biển và vùng bãi ngang để vận động ngư dân làm đăng ký, đăng kiểm tàu cá hết hạn theo quy định, nhưng nhiều ngư dân vẫn từ chối thực hiện.

Theo các ngư dân thường xuyên cập bến cá tự phát ven biển xã Minh Lộc (Hậu Lộc) cho biết, tàu cá của ngư dân trong vùng chủ yếu có công suất nhỏ nên không thể cập cảng cá Hòa Lộc. Vì cầu cảng này quá cao, được thiết kế dành cho tàu công suất lớn đánh bắt xa bờ. Phần lớn tàu cá tham gia khai thác vùng lộng gần bờ, đi về trong ngày, sản lượng khai thác ít, về bến cá đưa cá lên bờ và bán được ngay, chứ qua cảng phải chờ lâu, phải trả phí.

Để công tác quản lý tàu cá ở các vùng bãi ngang ven biển ngày một tốt hơn, các địa phương cần tích cực hơn nữa trong công tác kiểm tra, quản lý phương tiện tàu cá theo quy định. Tăng cường nắm bắt tình hình và phối hợp với các đồn biên phòng tuyến biển tổ chức tuần tra trên biển để nhắc nhở ngư dân khai thác hải sản đúng vùng, đúng tuyến, đúng ngành nghề đăng ký. Tổ chức kêu gọi các chủ tàu cá làm nghề lưới kéo và lưới rê thường xuyên neo đậu ở các bãi ngang vào cảng bốc dỡ hàng hóa và khai báo xuất trình giấy tờ trước khi tham gia khai thác. Phối hợp với các sở, ngành có liên quan của tỉnh xử lý dứt điểm tình trạng xây dựng bến cá tự phát ở các vùng ven sông, ven biển. Đồng thời, phối hợp với các ngành có liên quan của tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật, những quy định mới của Luật Thủy sản; vận động ngư dân hành nghề giã cào chuyển đổi ngành nghề theo lộ trình, định hướng của Nhà nước. Hạn chế phát triển số lượng tàu cá công suất dưới 20CV nhằm tạo thuận lợi cho công tác quản lý và bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ. UBND các xã, phường ven biển tổ chức cho chủ tàu cá và ngư dân ký cam kết không vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định; hướng dẫn các chủ tàu cá thực hiện ghi nhật ký, báo cáo khai thác, lắp đặt, vận hành thiết bị giám sát hành trình theo quy định.

Bài và ảnh: Hải Đăng

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/tang-cuong-quan-ly-tau-ca-vung-bai-ngang-ven-bien/109862.htm