Tăng cường quản lý kiểm dịch, kiểm soát giết mổ lợn và các sản phẩm từ lợn
Trước tình hình dịch bệnh Dịch tả lợn Châu phi (DTLCP) đang có diễn biến phức tạp và có chiều hướng lây lan rộng khắp tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã ban hành văn bản số 2256 /SNNMT-CNTYTS gửi Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản; UBND các xã, phường; các cơ sở giết mổ lợn tập trung; các cơ sở chăn nuôi quy mô trang trại về việc tăng cường quản lý kiểm dịch, kiểm soát giết mổ lợn và các sản phẩm từ lợn.
Để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tiêu thụ, xuất bán sản phẩm chăn nuôi, đồng thời đảm bảo ATTP, ngăn ngừa dịch bệnh DTLCP lây lan rộng trên địa bàn, Sở Nông nghiệp và Môi trường yêu cầu chủ các cơ sở giết mổ lợn tập trung, cơ sở chăn nuôi quy mô trang trại thực hiện tốt một số nội dung.
Đối với các cơ sở giết mổ lợn tập trung, được phép tiếp nhận, giết mổ lợn khỏe có kết quả xét nghiệm âm tính với mầm bệnh DTLCP, kể cả từ vùng dịch, trong và ngoài tỉnh. Lợn đưa vào giết mổ phải khỏe mạnh, có giấy tờ nguồn gốc rõ ràng, bảo đảm vệ sinh thú y theo Thông tư 09/2016/TT-BNNPTNT. Trường hợp lợn bị tổn thương, kiệt sức do vận chuyển, không có khả năng phục hồi nhưng không có triệu chứng lâm sàng của bệnh truyền nhiễm được phép giết mổ trước.
Lợn phải được vận chuyển bằng phương tiện chuyên dụng, không qua điểm thu gom trung gian, theo đúng quy định tại Luật Thú y và QCVN 01-100:2012/BNNPTNT. Phương tiện phải được vệ sinh, khử trùng trước và sau khi ra vào cơ sở chăn nuôi, giết mổ. Trường hợp lợn từ tỉnh khác, ngoài yêu cầu xét nghiệm âm tính với mầm bệnh DTLCP, phải có giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển theo Thông tư 25/2016/TT-BNNPTNT.
Cán bộ Kiểm dịch Thú y kiểm tra quy trình giết mổ tại Công ty Cổ phần Nông nghiệp An Tâm, xã Sơn Lương.
Đối với các cơ sở giết mổ lợn tập trung ngoài vùng dịch, trường hợp lợn có nguồn gốc từ vùng dịch sẽ áp dụng theo quy định dành cho cơ sở giết mổ trong vùng dịch. Trường hợp lợn có nguồn gốc ngoài vùng dịch, nếu thuộc địa bàn trong tỉnh, bắt buộc phải có kết quả xét nghiệm âm tính với mầm bệnh DTLCP và giấy xác nhận nguồn gốc xuất xứ của lô lợn.
Đối với lợn từ tỉnh khác, ngoài yêu cầu xét nghiệm âm tính với mầm bệnh DTLCP, phải có giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh theo Thông tư số 25/2016/TT-BNNPTNT và thực hiện thông báo kiểm dịch cho nơi đến trước khi vận chuyển. Phiếu trả lời kết quả xét nghiệm DTLCP chỉ có giá trị đối với lô lợn đã đăng ký vận chuyển và có hiệu lực trong vòng 10 ngày kể từ ngày trả kết quả.
Đối với các cơ sở chăn nuôi quy mô trang trại, lợn xuất phát từ cơ sở không nhiễm bệnh và phải được lấy mẫu máu xét nghiệm âm tính với mầm bệnh DTLCP trước khi vận chuyển ra ngoài. Lợn được vận chuyển bằng phương tiện chuyên dụng theo quy định tại khoản 1 Điều 70 Luật thú y và QCVN 01-100:2012/BNNPTNT từ cơ sở sản xuất lợn đến trực tiếp cơ sở nuôi lợn (cơ sở tiếp nhận lợn). Phương tiện vận chuyển phải được vệ sinh, khử trùng tiêu độc trước khi ra, vào cơ sở chăn nuôi xuất bán lợn, cơ sở tiếp nhận lợn.
Lợn vận chuyển ra, vào vùng dịch trong tỉnh phải được xét nghiệm âm tính với mầm bệnh DTLCP. Trường hợp vận chuyển ra khỏi tỉnh, ngoài yêu cầu xét nghiệm âm tính, lợn phải được kiểm dịch, cấp giấy chứng nhận kiểm dịch theo Thông tư 25/2016/TT-BNNPTNT và thông báo kiểm dịch cho nơi đến trước khi vận chuyển.
Cơ sở tiếp nhận lợn nằm trong vùng dịch phải là cơ sở chăn nuôi được công nhận an toàn dịch bệnh, đã đăng ký giám sát dịch bệnh hoặc thực hiện nghiêm quy trình chăn nuôi an toàn sinh học. Trước khi tiếp nhận lợn, chủ cơ sở phải báo cáo chính quyền địa phương và cơ quan thú y để theo dõi, quản lý. Phiếu kết quả xét nghiệm DTLCP chỉ có giá trị với lô lợn đã đăng ký vận chuyển và hiệu lực trong 10 ngày kể từ ngày trả kết quả.
Sở Nông nghiệp và Môi trường yêu cầu Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tăng cường giám sát dịch bệnh tại các cơ sở giết mổ tập trung, trang trại chăn nuôi; lấy mẫu xét nghiệm khi có động vật nghi mắc bệnh truyền nhiễm; kịp thời tham mưu xử lý, không để dịch lây lan. Thực hiện nghiêm kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật, kiểm soát giết mổ; phối hợp công an, quản lý thị trường nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.
Tại các cơ sở giết mổ, cán bộ lập biên bản kiểm tra lâm sàng trước khi giết mổ, thực hiện kiểm dịch tận gốc, kiểm soát chặt dấu, tem Kiểm soát giết mổ (KSGM), trang phục đúng quy định. Xử lý nghiêm cán bộ thiếu trách nhiệm để lọt lợn nhiễm bệnh. Cơ sở không đủ điều kiện sẽ không được đóng dấu KSGM hoặc cấp giấy kiểm dịch vận chuyển theo quy định.