Tăng cường quản lý cư trú đối với người nước ngoài

Thực hiện tốt công tác quản lý cư trú, đặc biệt là quản lý người nước ngoài (NNN) đang cư trú, làm việc, hoạt động trên địa bàn không những có ý nghĩa trong việc đảm bảo tình hình ANTT nói chung mà còn phục vụ cho công tác phòng ngừa và đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm.

Thực hiện tốt công tác quản lý cư trú, đặc biệt là quản lý người nước ngoài (NNN) đang cư trú, làm việc, hoạt động trên địa bàn không những có ý nghĩa trong việc đảm bảo tình hình ANTT nói chung mà còn phục vụ cho công tác phòng ngừa và đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm.

Lực lượng Công an kiểm tra các cơ sở kinh doanh nhà cho NNN thuê trọ. (ảnh: Đức Lâm)

Lực lượng Công an kiểm tra các cơ sở kinh doanh nhà cho NNN thuê trọ. (ảnh: Đức Lâm)

Bất cập trong quản lý cư trú NNN

P. Mỹ An (Q. Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) hiện có 101 khách sạn, nhà nghỉ, 114 nhà cho NNN thuê, 700 nhà trọ bình dân với 2,5 ngàn phòng. Thống kê cho thấy, tính đến tháng 10-2018, trên địa bàn phường có hơn 305 ngàn lượt NNN đến tạm trú, trong đó chủ yếu là khách có quốc tịch Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ. Đây là tín hiệu đáng mừng góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương nói riêng và TP Đà Nẵng nói chung, tuy nhiên con số này cũng là thách thức không nhỏ trong công tác quản lý cư trú, đảm bảo ANTT tại địa bàn.

Từ thực tiễn công tác, lãnh đạo CAP Mỹ An cho rằng, công tác quản lý cư trú, nhất là NNN cư trú trên địa bàn hiện nay còn một số tồn tại, hạn chế. Cụ thể là người dân, NNN còn thiếu hiểu biết về các quy định của pháp luật về cư trú; một số còn thờ ơ, thiếu hợp tác trong việc đăng ký lưu trú, tạm trú. Tình trạng NNN sử dụng thị thực du lịch sang Việt Nam để lao động, đánh bạc còn phổ biến. Ngoài ra, một bộ phận chủ cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh lưu trú, căn hộ, nhà cho trọ còn thiếu ý thức chấp hành quy định của pháp luật; có trường hợp chủ cơ sở ở xa không thường xuyên sâu sát ở cơ sở nên việc xử lý của địa phương đôi lúc còn chậm trễ. Bên cạnh đó, tình trạng phối kết hợp trong công tác kiểm tra quản lý cư trú trên địa bàn của các cơ quan chức năng đôi lúc, đôi nơi chưa thực sự đồng bộ, chặt chẽ dẫn đến tình trạng nhiều đoàn, nhiều cơ quan kiểm tra chồng chéo, gây phiền hà cho cơ sở kinh doanh, khách lưu trú, dẫn đến hiện tượng phản cảm, không phối hợp khi có đoàn kiểm tra...

Cũng theo lãnh đạo CAP Mỹ An, công tác đăng ký, quản lý cư trú, nhất là đối với NNN của lực lượng CAP cũng gặp một số khó khăn, hạn chế. Nổi lên là tình trạng một số nhà cho thuê có chủ là người ngoại tỉnh và một số trường hợp thường xuyên đi công tác xa, công tác ngoài nước nên việc tổ chức kiểm tra đối với các trường hợp này cần thời gian lâu, khó tiếp cận. Qua thực tế kiểm tra có nhiều trường hợp không gặp được chủ nhà, chỉ gặp được người quản lý và nhân viên lễ tân nên việc kiểm tra, hướng dẫn không đạt yêu cầu. Đối với khách là NNN thường ngại tiếp xúc, va chạm với Công an Việt Nam nên việc kiểm tra thực tế số người đang ở tại đây gặp khó khăn (khách không mở cửa). Ngoài ra do bất đồng ngôn ngữ, trình độ ngoại ngữ của CBCS CAP chưa đáp ứng nên việc tiếp xúc còn nhiều hạn chế. Một nguyên nhân khác là hiện nay đã bỏ việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về ANTT đối với nhà cho NNN thuê nên số lượng người đến mua đất làm nhà cho NNN thuê đang tăng lên.

Không chỉ địa bàn P. Mỹ An, hiện trên địa bàn TP Đà Nẵng, khu vực Q. Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn là những địa bàn tập trung rất đông NNN đến tham quan du lịch, cư trú làm việc lâu dài. Tuy nhiên, công tác quản lý cư trú, nắm người nắm hộ đối với thành phần này cũng gặp không ít khó khăn, phức tạp. Đại diện lãnh đạo UBND P. Phước Mỹ (Q. Sơn Trà) cho biết, là địa phương có nhiều NNN đến đăng ký tạm trú để sinh sống và kinh doanh, và mặc dù hầu hết họ đều chăm lo làm ăn, chưa phát hiện có biểu hiện hoạt động gây mất ANTT, sự cố nào tại địa phương. Thách thức đặt ra là chính quyền địa phương khá bối rối vì họ ở trên địa bàn mình nhưng tổ dân phố thì không biết nắm rõ được họ là ai, từ đâu đến..., mà chủ yếu là bên phía công an. Tuy nhiên mỗi khi có sự việc liên quan đến công tác quản lý thì ngay cả CAQ cũng gặp khó khăn, phải cần sự hỗ trợ từ CATP và Sở Ngoại vụ. Cũng theo lãnh đạo P. Phước Mỹ, bất đồng ngôn ngữ chính là rào cản lớn nhất hiện nay, vì NNN sống và lưu trú trên địa bàn đến từ nhiều quốc gia, dân tộc khác nhau như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ, Nga...

Sớm xóa bỏ "rào cản" bất đồng ngôn ngữ

Để công tác quản lý cư trú của NNN thời gian tới có hiệu quả hơn, lãnh đạo CAP Mỹ An cho rằng, về phía cơ quan Công an, cần tiếp tục quán triệt Luật cư trú, vị trí, tầm quan trọng của công tác quản lý cư trú, nhất là với NNN đến toàn thể CBCS; chủ động tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng về Luật Cư trú và các văn bản hướng dẫn nhằm nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành của công dân và cơ quan, tổ chức; làm tốt công tác nắm người, nắm hộ, di biến động của các loại đối tượng, phục vụ hiệu quả công tác đăng ký, quản lý cư trú nói riêng và công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội nói chung. Riêng với quản lý cư trú NNN, cần tổ chức cho cán bộ làm công tác này tham gia các lớp học nâng cao trình độ ngoại ngữ để phục vụ công tác và quản lý đối với hoạt động của NNN đến thuê nhà; tổ chức mời các chủ nhà cho NNN thuê đến phổ biến các văn bản và tình hình có liên quan đến lĩnh vực này cho chủ nhà, người quản lý biết thực hiện...

Liên quan đến vấn đề này, mới đây (ngày 26-11), trong văn bản trả lời ý kiến của cử tri, ông Nguyễn Ngọc Tuấn- Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, lãnh đạo TP đã chỉ đạo CATP phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động của NNN trên địa bàn. Trong đó, tham mưu cho UBND TP xây dựng quy chế phối hợp trong công tác quản lý nhà nước về nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú và hoạt động của NNN; rà soát các cơ sở có NNN lưu trú; thường xuyên xử lý các trường hợp vi phạm.

Cũng theo ông Tuấn, một trong những giải pháp thời gian tới TP sẽ thực hiện đó là chỉ đạo CATP, các sở Du lịch, LĐ- TB & XH, Giáo dục và Đào tạo... phối hợp tổ chức công tác kiểm tra, phát hiện xử lý các trường hợp vi phạm của NNN trên các lĩnh vực, trong đó tập trung tại các địa bàn có đông NNN tạm trú và hoạt động như Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà, Hải Châu...

Thiết nghĩ, Đà Nẵng đã, đang và sẽ tiếp tục là mảnh đất thu hút mạnh mẽ NNN đến tham quan, làm ăn, sinh sống. Làm thế nào để Đà Nẵng tiếp tục là "miền đất hứa" cho NNN đến du lịch, tìm kiếm cơ hội làm ăn và sinh sống lâu dài; đồng thời công tác quản lý cư trú, hoạt động của đối tượng này đạt hiệu quả tốt là những vấn đề mà chính quyền thành phố cũng như ngành chức năng có liên quan cần tiếp tục đặt ra và tìm giải pháp phù hợp.

D.H

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/75_199602_tang-cuong-quan-ly-cu-tru-doi-voi-nguoi-nuoc-ngoai.aspx