Tăng cường quản lý cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp

Nhằm kiểm soát tốt 'đầu vào', ngành Nông nghiệp Hà Nội đang đẩy mạnh kiểm soát cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp. Tuy nhiên, phần lớn các cơ sở đều nhỏ lẻ, nằm xen kẽ trong khu dân cư; một số người dân vẫn mua bằng 'niềm tin', chưa có sự đánh giá chất lượng giữa những mặt hàng bảo đảm và trôi nổi trên thị trường nên đã gây khó khăn cho công tác quản lý.

Kiểm tra là ra vi phạm

Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, từ đầu năm đến nay, ngành Nông nghiệp đã thực hiện rà soát, thống kê lại các cơ sở thuộc thẩm quyền quản lý, qua đó, đã lập danh sách được 18.140 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Trong đó có 3.562 cơ sở vật tư nông nghiệp, 14.548 nông, lâm, thủy sản. Các đơn vị của Sở tiến hành kiểm tra xếp loại 167 lượt cơ sở, trong đó, 114 cơ sở được xếp loại A, B, chiếm tỷ lệ 68,3%; 35 cơ sở xếp loại C, chiếm tỷ lệ 27,5%; 8 cơ sở không đánh giá do không có hoạt động sản xuất, kinh doanh, không đúng địa điểm, không thuộc đối tượng quản lý...

Các ngành chức năng xử phạt một cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật kinh doanh sai quy định.

Sau khi khắc phục, 12 cơ sở trong số cơ sở xếp loại C đã được tái kiểm tra và được xếp loại B đạt 34,3%; số còn lại tạm thời dừng hoạt động để sửa chữa, khắc phục lỗi. Tuy nhiên, do số lượng cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp tương đối lớn, hoạt động nhỏ lẻ trong khu dân cư... đã gây khó khăn cho các ngành chức năng trong vấn đề kiểm tra giám sát chất lượng.

Theo ông Phạm Khắc Diến, Chánh thanh tra Sở NN&PTNT Hà Nội, từ đầu năm đến nay, các đơn vị của Sở đã phối hợp với chính quyền địa phương thanh tra, kiểm tra chất cấm, kháng sinh, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản... ở 23 cơ sở. Qua đó, phát hiện và tiêu hủy 65 lọ thuốc, 130 gói thuốc, 20 ống thuốc, 50 chai thuốc thú y bị hỏng, hết hạn, không rõ nguồn gốc. Đối với cửa hàng bán thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, đã kiểm tra 497 cơ sở, phát hiện 90 cơ sở vi phạm, lý do vi phạm điều kiện kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, hết hạn sử dụng, không có trong danh mục được phép sử dụng, thu giữ 4,5kg thuốc, xử phạt 3 trường hợp với số tiền 13,5 triệu đồng...

Bên cạnh đó, các đoàn kiểm tra của quận, huyện, thị xã kiểm tra 1.081 lượt cơ sở, phát hiện 147 trường hợp vi phạm, xử phạt 24 trường hợp với số tiền 50,5 triệu đồng. Qua kiểm tra, các vi phạm chủ yếu là: Hàng hóa chưa đăng ký lưu hành, chất lượng không phù hợp với đăng ký, sai nhãn mác hàng hóa, thiếu thông tin bảo quản, sai hoặc ghi thêm công dụng, không có kệ để sản phẩm, niêm yết giá không đầy đủ, không lưu giữ hồ sơ liên quan đến sản phẩm hàng hóa đang kinh doanh...

Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội Trần Mạnh Giang cho biết, do hệ thống cơ sở dữ liệu về thống kê, kiểm tra đánh giá các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc thẩm quyền quản lý của các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn chưa cập nhật đầy đủ, không thường xuyên và biến động.

Thậm chí có những cơ sở kinh doanh không đăng ký, nhưng tới mùa vụ thì bán hàng theo kiểu tạp hóa, gây khó khăn cho các ngành chức năng trong quá trình kiểm tra chất lượng. Một số hộ nông dân chưa nhận thức rõ về chất lượng đầu vào, ham giá rẻ nên bị những người tiếp thị mời gọi, thuyết phục. Ở các địa phương, việc thanh tra, kiểm tra mới tập trung vào các đại lý, cơ sở phân phối lớn, còn đối với những cơ sở nhỏ lẻ chưa thường xuyên.

Tăng cường kiểm tra đột xuất

Để việc quản lý vật tư nông nghiệp có hiệu quả, trong thời gian tới, các địa phương cần bố trí kinh phí thực hiện kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp; tăng cường kiểm soát chất lượng tiếp thị của những doanh nghiệp, đại lý mời chào người dân.

Trưởng phòng Kinh tế huyện Đông Anh Nguyễn Văn Thiềng thông tin, huyện định kỳ tổ chức kiểm tra, đánh giá phân loại các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm trên địa bàn để phát hiện vi phạm và xử lý nghiêm những cơ sở kinh doanh trái quy định, quảng cáo sai sự thật, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp...

Theo Phó Giám đốc Sở NN& PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, để nâng cao hiệu quả trong quản lý chất lượng các loại vật tư nông nghiệp, thời gian tới, các đơn vị của Sở tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra theo định kỳ và đột xuất đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp; xử phạt nghiêm những trường hợp vi phạm, tăng cường công tác thông tin, phối hợp lực lượng công an trong quá trình kiểm tra, kiểm soát.

Chính quyền địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức cho người dân trong việc lựa chọn vật tư nông nghiệp "đầu vào", không nên ham rẻ mà mua những sản phẩm không bảo đảm chất lượng; nên mua ở những cơ sở đã được cơ quan quản lý nhà nước công bố, chứng nhận đạt tiêu chuẩn. Đối với người dân, khi có bất kỳ thông tin phản ánh hoặc nghi ngờ các vi phạm trong việc sản xuất, buôn bán các mặt hàng vật tư nông nghiệp, thuốc thú y, thủy sản... nên báo cho cơ quan chức năng để xử lý.

Quỳnh Dung

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Kinh-te/908672/tang-cuong-quan-ly-co-so-kinh-doanh-vat-tu-nong-nghiep