Tăng cường quản lý chất lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật

Mặc dù chưa phát hiện các loại thuốc bảo vệ thực vật độc hại, nằm ngoài danh mục cho phép, nhưng tình trạng kinh doanh các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng thời gian gần đây vẫn còn diễn ra trên địa bàn tỉnh.

Tăng cường quản lý chất lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật

Mặc dù chưa phát hiện các loại thuốc bảo vệ thực vật độc hại, nằm ngoài danh mục cho phép, nhưng tình trạng kinh doanh các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng thời gian gần đây vẫn còn diễn ra trên địa bàn tỉnh.

Cửa hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tại xã Thiệu Phúc (Thiệu Hóa).

Bà Phạm Thị Thôn, ở thôn Me, xã Ngọc Thịnh (Ngọc Lặc), cho biết: “Khi mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tôi thường đến cửa hàng quen để mua. Khi sử dụng, tôi chỉ dựa trên thương hiệu và sự tư vấn của chủ cơ sở kinh doanh thuốc, phân bón. Nếu như năm nay sử dụng thấy không đạt hiệu quả, thì năm sau tôi sẽ đổi loại khác... Không chỉ người nông dân, ngay cả các chủ hiệu kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cũng gặp nhiều khó khăn trong việc nhận biết chất lượng sản phẩm. Anh Nguyễn Văn Nam, chủ cửa hàng kinh doanh phân bón, vật tư nông nghiệp tại thị trấn Ngọc Lặc, cho biết: Hiện nay, có nhiều chủng loại, thương hiệu phân bón, thuốc bảo vệ thực vật lưu thông trên thị trường mà loại nào cũng quảng cáo là tốt, hiệu quả. Kinh doanh mặt hàng này nhiều năm nay, nhưng tôi cũng gặp khó khăn trong việc thẩm định chất lượng các sản phẩm. Để cung cấp những sản phẩm chất lượng tới bà con nông dân, tôi thường chọn nhập sản phẩm của các công ty uy tín trên thị trường, chất lượng đã được khẳng định, kiên quyết không nhập hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Tôi cũng mong muốn các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát để ngăn chặn phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng lưu thông trên thị trường.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 856 cơ sở, cửa hàng buôn bán thuốc bảo vệ thực vật, trong đó có 5 đại lý cửa hàng cấp 1; 20 cơ sở sản xuất phân bón với hơn 2.000 cửa hàng bán lẻ phân phối phân bón. Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại nhiều cửa hàng, đại lý buôn bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật bày bán nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật, nhưng hàng hóa được bày bán lộn xộn, manh mún, không bảng niêm yết giá, các sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật tại các gian hàng này không được bảo quản riêng. Hạt giống rau, thuốc diệt côn trùng... phần lớn bám bụi, cũ kỹ. Phân bón và thuốc bảo vệ thực vật là yếu tố hàng đầu ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng và vấn đề an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm nông nghiệp, thế nhưng phần lớn nông dân chưa thực sự phân biệt được phân bón, thuốc bảo vệ thật, giả. Việc lựa chọn phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hầu như phụ thuộc vào các đại lý giới thiệu nên chứa đựng nhiều rủi ro, người nông dân chỉ phát hiện sản phẩm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng khi đã sử dụng trên cây trồng.

Thời gian qua, lực lượng chức năng toàn tỉnh đã có nhiều biện pháp đồng bộ trong công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; bước đầu đã phát huy hiệu quả tích cực. Qua đó phát hiện, xử lý nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm, nhất là sản xuất, kinh doanh trái phép vật tư nông nghiệp. Tuy nhiên, so với thực tế vẫn còn rất nhiều vụ việc chưa được phát hiện, xử lý, gây bức xúc trong nhân dân. Năm 2018 và 4 tháng đầu năm 2019, Sở Công Thương, các lực lượng chức năng thực hiện 526 vụ thanh, kiểm tra, xử lý 381 vụ trong sản xuất, kinh doanh phân bón; phạt tiền gần 2,5 tỷ đồng; tịch thu, tiêu hủy 50.800 kg phân bón giả...

Để tiếp tục kiểm soát có hiệu quả đối với các mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, Chi cục Bảo vệ thực vật tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra đột xuất và định kỳ các cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh, phát hiện kịp thời và kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm. Cùng với đó, tiến hành đánh giá, phân loại các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp; tăng cường thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định trong lĩnh vực phân bón và thuốc bảo vệ thực vật cho nông dân và các cơ sở kinh doanh.

Việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đúng tiêu chuẩn chất lượng, chủng loại sẽ mang lại hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, vì vậy, người dân cần nâng cao ý thức trong việc lựa chọn sản phẩm phù hợp, không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cấm sử dụng, không bảo đảm chất lượng. Bên cạnh đó, các ngành chức năng và chính quyền địa phương cần quản lý chặt chẽ về chất lượng sản phẩm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nhằm hướng đến nền nông nghiệp xanh và bền vững.

Bài và ảnh: Lương Khánh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/tang-cuong-quan-ly-chat-luong-phan-bon-thuoc-bao-ve-thuc-vat/101457.htm