Tăng cường quản lý các nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ tại nơi làm việc

Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2019 được tổ chức từ 1 đến 31/5 với chủ đề 'Tăng cường đánh giá, quản lý các nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc'. TS Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục ATLĐ (Bộ LĐ-TB&XH) đã có cuộc trao đổi cùng phóng viên báo Lao động & Xã hội về một số vấn đề liên quan.

TS Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục ATLĐ

TS Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục ATLĐ

*Theo báo cáo, năm 2018 tình hình TNLĐ trong khu vực có quan hệ lao động giảm so với năm 2017, nhưng lại tăng cao trong khu vực làm việc không có hợp đồng lao động. Ông đánh giá gì về thực trạng này?

- Theo báo cáo của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, năm 2018 toàn quốc xảy ra 7.997 vụ TNLĐ làm 8.229 người bị nạn. Trong đó, khu vực có quan hệ lao động xảy ra 578 vụ TNLĐ chết người, làm 622 người chết; khu vực người lao động làm việc không có hợp đồng lao động xảy ra 394 vụ TNLĐ chết người, làm 417 người chết. So với năm 2017, số vụ TNLĐ chết người và số người chết trong khu vực có quan hệ lao động giảm lần lượt là 10,8% và 6,6%. Còn trong khu vực người lao động làm việc không có hợp đồng lao động lại tăng tương ứng là 57,6% và 59,16%. Sở dĩ TNLĐ trong khu vực người lao động làm việc không theo hợp đồng lại tăng cao như vậy, bởi từ 1/7/2016, việc thống kê, báo cáo TNLĐ trong khu vực không có quan hệ lao động bắt đầu được triển khai theo quy định của Luật ATVSLĐ. Năm 2017, mới có 41 tỉnh thực hiện thống kê, năm 2018 con số này đã lên được 52 tỉnh. Điều này cho thấy ngày càng có nhiều địa phương quan tâm đến công tác thống kê TNLĐ. Chính vì vậy con số TNLĐ cũng sẽ tăng lên và phản ánh đúng hơn về thực trạng TNLĐ và từ đó chúng ta sẽ có những chính sách phù hợp hơn để cải thiện tình hình TNLĐ.

*Xin ông cho biết Tháng hành động VSATLĐ năm nay sẽ tập trung tuyên truyền những nội dung gì?

- Tháng hành động về ATVSLĐ năm nay diễn ra từ 1 đến 31/5. Các hoạt động trong Tháng hành động phải phong phú, thiết thực, có sự tham gia, phối hợp của các cấp, các ngành, các tổ chức, cơ quan truyền thông, doanh nghiệp, cơ sở lao động và NLĐ cả trong khu vực có hợp đồng lao động và không có hợp đồng lao động. Trong đó, tập trung vào các nhóm hoạt động, cụ thể như: Các hoạt động thanh tra, kiểm tra về ATVSLĐ, cụ thể: Bộ LĐ-TB&XH và các bộ, ngành như: Công Thương, Quốc phòng, Công an, Giao thông Vận tải, Y tế, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ tăng cường tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra trọng điểm tại một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh có nguy cơ rủi ro cao về TNLĐ, BNN. Về phía tỉnh Quảng Nam, sẽ tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành về công tác ATVSLĐ đối với 31 doanh nghiệp trên địa bàn; các hội thảo tập huấn về chăm sóc sức khỏe cho nhân viên y tế, đối thoại của Hội đồng quốc gia về ATVSLĐ với các doanh nghiệp về việc triển khai công tác ATVSLĐ, Hội thi an toàn vệ sinh viên...

Huấn luyện ATVSLĐ cho người lao động

*Để hạn chế tới mức thấp nhất TNLĐ, BNN, xin ông cho biết một số nhiệm vụ trọng tâm trong công tác ATVSLĐ những năm tới?

- Trong thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp phải tập trung làm tốt 4 nhiệm vụ trọng tâm sau:

Tiếp tục triển khai đồng bộ, thường xuyên các qui định, nhiệm vụ về ATVSLĐ. Đổi mới và triển khai sâu rộng công tác tuyên truyền, phổ biến Luật ATVSLĐ đến các đối tượng, chủ thể có liên quan; tăng cường các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn về ATVSLĐ trên các công cụ số, internet, điện thoại di dộng, mạng xã hội; mở rộng các hoạt động thông tin, tuyên truyền, tập huấn về ATVSLĐ cho NLĐ trong khu vực phi kết cấu.

Hoàn thiện hệ thống tổ chức và tăng cường hoạt động của hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước về ATVSLĐ từ Trung ương đến địa phương; phát huy vai trò và sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp và các tổ chức khác, kể cả tư nhân vào hoạt động ATVSLĐ trong khuôn khổ quy định của pháp luật; đẩy mạnh phân cấp cho địa phương; đổi mới, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong khai báo, thống kê, báo cáo TNLĐ.

Các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp cần thúc đẩy xây dựng và ban hành các chương trình, hành động cụ thể về ATVSLĐ; các doanh nghiệp tăng cường các cuộc thanh tra, kiểm tra cả trong khu vực có quan hệ lao động và không có quan hệ lao động. Người sử dụng lao động phải thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định của Luật ATVSLĐ và các chế độ, chính sách bảo hộ lao động cho NLĐ theo quy định; tăng cường công tác tự kiểm tra, rà soát, phát hiện các nguy cơ, rủi ro để chủ động kiểm soát phòng ngừa các yếu tố nguy hiểm có hại tại nơi làm việc. Đối với người lao động cần tuân thủ đúng các nội quy, quy trình làm việc; tích cực trau dồi, nâng cao kiến thức, kỹ năng trước hết là bảo vệ sức khỏe tính mạng của chính bản thân họ, đem lại hạnh phúc cho gia đình, góp phần phát triển doanh nghiệp, và xã hội.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

THIỀU VĂN LÝ (thực hiện)

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/tang-cuong-quan-ly-cac-nguy-co-rui-ro-ve-atvsld-tai-noi-lam-viec-d96421.html