Tăng cường quản lý các mặt hàng phục vụ phòng, chống dịch

Lợi dụng sự bùng phát của dịch Covid-19, các đối tượng buôn lậu đẩy mạnh hoạt động với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi. Từ đầu năm 2021 đến nay, Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội đã kiểm tra, phát hiện nhiều vụ vi phạm liên quan đến các mặt hàng phục vụ phòng, chống dịch Covid-19; đồng thời, chỉ đạo các đội quản lý thị trường chủ động bám sát địa bàn, không để các đối tượng xấu lợi dụng tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp để trục lợi, gây ảnh hưởng đến người dân.

Lực lượng quản lý thị trường thành phố Hà Nội tạm giữ 400 hộp dụng cụ xét nghiệm Covid-19 chưa xuất trình được hóa đơn, chứng từ, ngày 7-6.

Ngày 7-6 vừa qua, Đội Quản lý thị trường số 13 phối hợp với Đội Cảnh sát kinh tế (Công an quận Cầu Giấy) thực hiện khám xe ô tô mang biển kiểm soát 30G-848.08 do bà Trần Hoàng Anh điều khiển, phát hiện 400 hộp dụng cụ xét nghiệm Covid-19 Q Standard Covid-19 Ag Home Test loại 2 bộ/hộp có ghi nhãn bằng tiếng nước ngoài, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt, không xuất trình được hóa đơn, chứng từ hợp pháp kèm theo.

Trước đó, ngày 3-6, Đội Quản lý thị trường số 1 kiểm tra cơ sở kinh doanh trang thiết bị y tế thuộc Công ty cổ phần Tổng hợp Lâm Khang tại số 151 C3 Khu đô thị Đại Kim, quận Hoàng Mai, do bà Đào Hồng Thắm làm Giám đốc. Đoàn kiểm tra phát hiện 29 hộp Test thử nhanh Covid-19 nhãn “GICA Testsealabs Covid-19 Antigen Test Cassetle For IVD Use only. HANGZHOU TESTSEA BIOTECHNOLOGY CO.LTD CHINA”, không có hóa đơn, chứng từ. Qua thẩm tra xác minh, Đoàn kiểm tra xác định số hàng trên là hàng hóa nhập lậu. Lực lượng chức năng đã ra quyết định tạm giữ toàn bộ số hàng để tiếp tục xác minh làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, hoạt động buôn bán, trao đổi hàng hóa qua mạng xã hội, các kênh thương mại điện tử diễn ra phổ biến, tiềm ẩn nhiều nguy cơ buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm chất lượng hàng hóa. “Người tiêu dùng phải hết sức cẩn trọng, tốt nhất nên chọn mua hàng ở địa chỉ tin cậy”, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội Trần Việt Hùng khuyến cáo.

Cũng theo ông Trần Việt Hùng, trong 6 tháng đầu năm, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới diễn biến phức tạp. Các lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều vụ việc vi phạm, như: Kinh doanh hàng hóa nhập khẩu không có giấy phép, hàng hóa có thuế suất cao, giá trị lớn (mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, sữa, xì gà…); vận chuyển, buôn bán, tàng trữ trái phép các loại ma túy (cần sa, ma túy tổng hợp...), dưới nhiều hình thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn.

Cụ thể, Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội đã kiểm tra, xử lý 2.744 vụ; phạt hành chính trên 26,8 tỷ đồng. Trị giá tiền bán hàng, hàng tịch thu, hàng buộc tiêu hủy và chuyển đổi mục đích sử dụng trên 63,2 tỷ đồng. Riêng trong hai ngày 7 và 8-7, ngay sau khi Cục Quản lý thị trường ban hành Công văn hỏa tốc yêu cầu các đội quản lý thị trường tiếp tục tăng cường kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch Covid-19, các đội quản lý thị trường đã kiểm tra, xử lý 14 vụ vi phạm; phạt hành chính với số tiền hơn 142,7 triệu đồng. Trong đó, tạm giữ 4.300 chiếc khẩu trang; 614 sản phẩm dung dịch rửa tay, chế phẩm sát khuẩn, diệt khuẩn; 574 dụng cụ xét nghiệm Covid-19; 207.300 sản phẩm găng tay y tế không bảo đảm chất lượng…

Nhận định về tình hình thị trường trong những tháng cuối năm, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo thành phố Hà Nội về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389/TP) Chu Xuân Kiên cho biết, đây là thời điểm nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao; đặc biệt, dịp Tết Trung thu, khai giảng năm học mới, Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2022 là khoảng thời gian để các đối tượng đẩy mạnh hoạt động buôn lậu, tập kết hàng hóa, nguyên liệu phục vụ gia công sản xuất để đưa hàng hóa tiêu thụ trên thị trường...

Do vậy, Ban Chỉ đạo 389/TP chỉ đạo các đơn vị thành viên tăng cường trao đổi thông tin, phối hợp tốt với các lực lượng chức năng ở trung ương và các địa phương khác, nhất là các tỉnh biên giới trọng điểm như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai… nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hoạt động vận chuyển hàng nhập lậu từ biên giới, cửa khẩu về Hà Nội để tiêu thụ.

“Bên cạnh đó, các sở, ngành thành viên và Ban Chỉ đạo 389 các quận, huyện, thị xã cần nâng cao năng lực để nhận diện các phương thức, thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu; các đối tượng chủ mưu nhằm ngăn chặn, triệt phá hiệu quả các vụ vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra đối với tuyến, mặt hàng, lĩnh vực trọng điểm và những mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Trung thu, dịp cuối năm 2021”, ông Chu Xuân Kiên nhấn mạnh.

Thanh Hiền

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/kinh-te/1005335/tang-cuong-quan-ly-cac-mat-hang-phuc-vu-phong-chong-dich