Tăng cường quản lý an toàn thực phẩm dịp cuối năm

Nhu cầu tiêu thụ hàng hóa tăng cao dịp cuối năm là cơ hội để cho thực phẩm 'bẩn', kém chất lượng tung ra thị trường bán cho người tiêu dùng. Thời gian gần đây, các lực lượng chức năng TP Hồ Chí Minh liên tiếp phát hiện và bắt giữ nhiều trường hợp thực phẩm không bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm (VSATTP), hàng hóa kém chất lượng.

Tính từ đầu năm đến nay, các cơ quan chức năng TP Hồ Chí Minh đã thanh tra, kiểm tra gần 40 nghìn cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn thành phố, phát hiện 6.168 trường hợp vi phạm quy định về VSATTP và đã xử phạt 1.940 cơ sở với tổng số tiền hơn 13,2 tỷ đồng. Ðáng chú ý, có những trường hợp vi phạm với quy mô lớn, phạm vi ảnh hưởng rộng. Ðiều này cho thấy, vấn đề VSATTP vẫn còn diễn biến "nóng".

Chỉ tính chín tháng đầu năm 2018, các cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý 30.280 kg sản phẩm động vật không bảo đảm ATTP; 470 kg nguyên liệu phụ gia không nhãn hiệu, không rõ nguồn gốc; 2.104 thùng và 17.001 sản phẩm, thực phẩm chức năng; 214.320 viên thành phẩm và bán thành phẩm thực phẩm chức năng; 15.241 kg và 64.391 hộp/chai sản phẩm thực phẩm không bảo đảm chất lượng, không nhãn mác, không rõ nguồn gốc...

Ðiều đáng nói, việc vi phạm về VSATTP không chỉ xuất hiện ở các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ mà còn hiện diện ở các doanh nghiệp có quy mô lớn. Giữa tháng 8 năm nay, Ðoàn kiểm tra số 1, Ban Quản lý ATTP và Ðội Quản lý ATTP liên quận, huyện số 4 đã tiến hành kiểm tra Công ty TNHH Hotel Students, quận Tân Bình và chi nhánh sản xuất của công ty này tại quận 12. Tại thời điểm kiểm tra, các lực lượng chức năng đã phát hiện đơn vị này đang sản xuất thực phẩm chức năng trong điều kiện không bảo đảm ATTP và lập biên bản, ra quyết định xử phạt hành chính hơn 114 triệu đồng, buộc tiêu hủy hơn 400 kg nguyên liệu, 670 kg sản phẩm không nhãn mác, 808 kg nguyên liệu bán thành phẩm, 13 loại sản phẩm được chứa trong 220 thùng sản phẩm thành phẩm không bảo đảm an toàn...

Dư luận đặt câu hỏi, vì sao các lực lượng chức năng đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nhưng thực phẩm "bẩn" vẫn đang tiếp tục tồn tại và được lưu hành ngang nhiên trên thị trường? Trong nhiều nguyên nhân được đề cập, có ý kiến cho rằng một phần xuất phát từ thói quen tiêu dùng của người dân. Tình trạng người tiêu dùng thiếu quan tâm đến truy xuất nguồn gốc, chất lượng sản phẩm, các điều kiện bảo quản cần thiết để thực phẩm an toàn… vẫn diễn ra rất phổ biến. Dễ nhận thấy nhất là chợ tự phát hình thành rất nhiều trên địa bàn thành phố, trong đó bày bán rất nhiều loại thực phẩm không bảo đảm VSATTP. Hay, như việc bán nhiều loại thực phẩm qua mạng xã hội mà chất lượng dường như chưa được kiểm soát, kiểm định. Tuy nhiên, cần thẳng thắn nhìn nhận, việc thanh tra, kiểm tra về ATTP vẫn còn thụ động, xử lý vi phạm chưa kiên quyết. Công tác vận động, tuyên truyền, giáo dục về ATTP còn hạn chế. Hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng còn chưa được chú trọng đúng mức…

Để bảo đảm chất lượng nguồn cung ứng thực phẩm, nhất là vào dịp cao điểm Tết Nguyên đán sắp tới, các cơ quan chức năng cần tăng cường, nâng cao hiệu quả thanh tra, kiểm tra, giám sát ATTP, xử lý nghiêm những đối tượng vi phạm. Có như vậy mới có tác dụng sàng lọc, giúp những cơ sở có chất lượng tồn tại và phát triển; đồng thời buộc những cơ sở sản xuất, kinh doanh thiếu ý thức, không bảo đảm điều kiện ATTP phải dừng hoạt động.

Ðối với người tiêu dùng, nên quan tâm nhiều hơn đến chất lượng thực phẩm, cần thận trọng trong lựa chọn thực phẩm, chỉ mua sản phẩm rõ nguồn gốc, bảo đảm ATTP với phương châm vì sự an toàn cho chính bản thân và gia đình mình. Nói "không" với thực phẩm bẩn là cách mà người tiêu dùng góp phần loại bỏ những cơ sở làm ăn gian dối và tự bảo vệ sức khỏe của mình cùng gia đình.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/38494102-tang-cuong-quan-ly-an-toan-thuc-pham-dip-cuoi-nam.html