Tăng cường phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi chống đối lực lượng CSGT

Thời gian qua, đã xảy ra hàng loạt vụ việc đối tượng vi phạm luật giao thông và các đối tượng vi phạm pháp luật khác như buôn lậu, ma túy… liên tiếp tấn công vào lực lượng CSGT đang làm nhiệm vụ. Điều này thể hiện tính răn đe của pháp luật chưa nghiêm dẫn đến sự nhờn luật và không tôn trọng CSGT.

Bài cuối: Cần có chế tài đủ mạnh để xử lý vi phạm giao thông

Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục CSGT rất trăn trở bởi tai nạn giao thông dù đã giảm nhưng số người chết vẫn còn nhiều. Lực lượng CSGT nỗ lực hết mình chỉ với một mong muốn là hạn chế tối đa thiệt hại vì tai nạn giao thông, để mỗi gia đình yên ấm, hạnh phúc, không phải chịu nỗi đau mất người thân vì tai nạn giao thông, nhưng nhiều đối tượng không chấp hành quy định của pháp luật, chống đối CSGT với nhiều hình thức khác nhau như tông xe vào CSGT, dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực tấn công CSGT.

Nhiệm vụ của CSGT là đảm bảo trật tự an toàn giao thông, phòng chống tội phạm trên tuyến giao thông. Trong đó, xử lý người vi phạm là một trong những nội dung quan trọng cần phải thực thi để đảm bảo sự an toàn cần thiết cho hành lang giao thông công cộng.

CSGT kiểm tra ma túy lái xe.

CSGT kiểm tra ma túy lái xe.

Trong trường hợp một cá nhân điều khiển phương tiện chạy quá tốc độ, không tuân thủ các quy định của pháp luật sẽ đe dọa gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe của những người tham gia giao thông khác thì CSGT cần ngay lập tức ngăn chặn những hành vi này để bảo đảm an toàn cho mọi người. Xử phạt nguội có thể hiệu quả, an toàn, nhưng lại không thể ngăn cản những nguy cơ mất an toàn ngay trước mắt.

Trên mạng xã hội, ngoài những người cố tình xuyên tạc, dẫn dắt dư luận theo ý đồ của mình thì nhiều bạn đọc chia sẻ với sự gian khổ, hiểm nguy của CSGT, lên án hành vi coi thường pháp luật của các đối tượng, đồng thời đề nghị xử lý nghiêm người vi phạm.

Như tài khoản Hoàng Tùng nêu quan điểm: "Phải tuyên dương CSGT vì đã dũng cảm mạo hiểm sinh mạng của mình để ngăn chặn một đối tượng có khả năng gây nguy hại cho thường dân tham gia giao thông. Những vụ giao thông do người điểu khiển vi phạm, phóng xe vượt tốc độ cho phép, làm thường dân bị thương, thiệt mạng… xảy ra thì chắc các bạn lại là những người đầu tiên đặt câu hỏi "CSGT ở đâu, sao lại để tình trạng này xảy ra?".

Phân tích những nguyên nhân dẫn đến tình trạng gia tăng các vụ chống đối lực lượng CSGT, Đại tá Đỗ Thanh Bình cho rằng, các quy định của pháp luật về quyền hạn của CSGT khi tuần tra, kiểm soát đã có nhưng cũng cần bổ sung thêm các văn bản quy phạm pháp luật khác thể hiện tính nghiêm minh và đủ mạnh để kịp thời ngăn chặn các hành vi có thể gây hại cho người dân khi đang tham gia giao thông.

Tình trạng chống người thi hành công vụ đang có chiều hướng gia tăng và mức độ ngày càng nguy hiểm, trong khi đó, các quy định của pháp luật về xử lý tội danh của người chống người thi hành công vụ dù nghiêm minh nhưng chưa đủ sức răn đe. Đề nghị phải tăng khung xử phạt đối với hành vi chống lại CSGT để ngăn ngừa, xử lý vi phạm.

Về vấn đề này, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, việc liên tiếp xảy ra các vụ chống đối CSGT với tính chất, mức độ rất nguy hiểm phần lớn là do sự xuống cấp về mặt đạo đức, cũng như ý thức chấp hành pháp luật của một số đối tượng, dẫn đến việc sẵn sàng chống đối lại các lực lượng chức năng.

Ông Lợi cũng khẳng định nguyên nhân của tình trạng chống đối CSGT ngày càng nhiều là do khung hình phạt đối với tội danh này còn nhẹ, chưa phù hợp với sự phát triển của xã hội, chưa đủ sức răn đe, chỉ khi hành vi gây nên hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng của người thi hành công vụ mới bị xử lý hình sự, còn lại, thường chỉ bị xử lý hành chính. Phần nữa là thiếu chế tài xử lý mạnh đối với những người manh động hoặc chây lỳ, ngang bướng đôi co, chống đối với người thi hành công vụ.

Ông Bùi Sỹ Lợi đề nghị: “Trước việc gia tăng tình trạng chống người thi hành công vụ, đặc biệt là chống lại CSGT, tôi đề nghị các cơ quan liên quan cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân, để người dân nhận thức đầy đủ, rõ ràng về các hành vi vi phạm pháp luật, nhất là các hành vi chống người thi hành công vụ.

Tăng cường chỉ đạo, kiểm tra để kịp thời phát hiện các sai phạm, thiếu sót, đồng thời bồi dưỡng, nâng cao phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn của CSGT. Trang bị thiết bị kỹ thuật, vũ khí, phương tiện, công cụ hỗ trợ cho lực lượng CSGT đáp ứng yêu cầu về số lượng, chất lượng, bảo đảm ngăn chặn kịp thời các hành vi chống đối cũng như bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho chính cán bộ làm nhiệm vụ.

Đặc biệt, cần nghiên cứu, tăng nặng chế tài xử lý đối với hành vi chống người thi hành công vụ, bảo đảm thể hiện sự răn đe và tính nghiêm minh của pháp luật”.

Trong kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV vừa qua, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an kiến nghị Quốc hội cho xây dựng Luật Đảm bảo trật tự an toàn giao thông vì Luật Giao thông đường bộ hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Ông Bùi Sỹ Lợi thống nhất rất cao với Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâmvì cho rằng, Luật Giao thông đường bộ hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu đảm bảo trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là công tác đấu tranh, chống tội phạm trên các tuyến giao thông; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và ngăn chặn hiệu quả hơn tình trạng chống lại CSGT.

Để ngăn chặn một cách triệt để tình trạng chống lại người thi hành công vụ nói chung, lực lượng CSGT đang thi hành công vụ nói riêng, đề nghị các cơ quan thực thi pháp luật cần điều tra, truy tố nghiêm, xét xử công khai, lưu động các vụ án về đối tượng chống người thi hành công vụ với hình phạt nghiêm khắc để răn đe, giáo dục chung, bổ sung, sửa đổi các quy định của pháp luật về xử lý đối với hành vi chống người thi hành công vụ, tăng mức hình phạt, đảm bảo đủ sức răn đe các đối tượng vi phạm và tăng thẩm quyền cho người thi hành công vụ được sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ để bảo vệ mình trong những trường hợp, tình huống cụ thể được pháp luật quy định.

Quốc hội cần sớm đưa Dự án Luật đảm bảo trật tự an toàn giao thông vào chương trình xây dựng pháp luật. Có như vậy mới ngăn chặn được những hành vi coi thường pháp luật, coi thường tính mạng người khác của một bộ phận người tham gia giao thông.

Phương Thủy

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/phap-luat/tang-cuong-giai-phap-phong-ngua-ngan-chan-cac-hanh-vi-chong-doi-luc-luong-csgt-555537/