Tăng cường phòng ngừa để giảm thiểu tai nạn trên biển

Ngoài những trường hợp mất tích do tai nạn hàng hải và thiên tai bão tố đánh chìm tàu cá trên biển, nhiều năm qua tình trạng ngư dân mất tích do bất cẩn khi đang hành nghề đánh bắt hải sản diễn ra không ít, mặc dù các cơ quan chức trách thường xuyên cảnh báo và triển khai nhiều biện pháp phòng ngừa

Đang mùa hanh khô nhưng vài ba ngày thì Đài Thông tin duyên hải Việt Nam lại tiếp nhận và thông báo tìm kiếm ngư dân mất tích do bất cẩn. Gần đây nhất trên vùng biển phía Nam, trong ngày 20-4 đã có 2 ngư dân mất tích khi đang hành nghề đánh bắt hải sản.

Đó là Nguyễn Văn Vĩ (18 tuổi, trú ở phường Khánh Xuân, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) mất tích sau khi rơi từ tàu cá BT-97760 TS xuống biển khi cách mũi Cà Mau về phía Tây 97 hải lý và ngư dân Trần Thanh Dũng (42 tuổi) trú ở xã Vị Tân, huyện Vị Thanh (Hậu Giang) rơi xuống biển khi tàu cá KG-91512 TS đang vận hành cách mũi Cà Mau về phía Nam 67 hải lý.

Ba ngày sau, tàu cá BV-95699 TS đang hành nghề ngoài khơi, cách bờ biển Vũng Tàu về hướng Đông Nam hơn 100 hải lý thì ngư dân Lê Văn Thọ (18 tuổi) trú ở TP Vũng Tàu rơi xuống biển mất tích rạng sáng 23-4.

Khi vươn ra khơi xa, mỗi ngư dân cần chủ động mặc áo phao khi hành nghề đánh bắt hải sản để không mất tích khi bất cẩn rơi xuống biển.

Trước đó ngư dân Mai Văn Phụng (47 tuổi, trú ở xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri, Bến Tre) hành nghề trên tàu cá BT-98460 TS cũng bị mất tích vào đêm 16-4 sau khi rơi xuống biển cách đảo Thổ Chu về phía Nam Tây Nam 53 hải lý.

Tại Nam Trung bộ trong đêm 18-3, có 2 ngư dân Bình Định mất tích ở vùng biển Trường Sa. Trong lúc tàu cá BĐ-97936 TS do ông Nguyễn Văn Bé (47 tuổi, trú ở xã Hoài Thanh, huyện Hoài Nhơn) làm thuyền trưởng đang vận hành cách đảo Sinh Tồn về hướng Bắc Đông Bắc 14 hải lý, thì đồng nghiệp trên tàu phát hiện Ngô Xuân Bảo (22 tuổi) và Nguyễn Kiên (18 tuổi) cùng trú ở xã Cát Hải, huyện Phù Cát mất tích.

Một tháng sau đó, thêm hai ngư dân Bình Định mất tích ở vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa. Trong lúc tàu cá BĐ-96859 TS do ông Chế Minh Mẫn – trú ở xã Hoài Thanh, huyện Hoài Nhơn làm thuyền trưởng đang hành nghề cách đảo Tri Tôn trong quần đảo Trường Sa 20 hải lý rạng sáng 18-4 thì ngư dân trên tàu phát hiện ông Phan Văn Hoàng (36 tuổi, trú ở xã Hoài Mỹ, huyện Hoài Nhơn) mất tích.

5 ngày trước đó ngư dân Đặng Văn Đức (54 tuổi, trú ở xã Tam Quan Nam, huyện Hoài Nhơn) mất tích khi rời tàu cá BĐ-95725 TS xuống thuyền thúng đi câu mực trong đêm tối, cách quần đảo Hoàng Sa 50 hải lý.

Không có con số thống kê riêng biệt về số ngư dân mất tích do bất cẩn khi đang hành nghề đánh bắt hải sản trên biển trong cả nước, nhưng những vụ việc xảy ra trong thời gian gần đây không chỉ là nỗi đau của người thân những nạn nhân mất tích, mà còn là nỗi lo cần được quan tâm của các cơ quan chức trách…

Theo nhiều lão ngư ở làng biển Đông Tác thuộc phường Phú Đông, TP Tuy Hòa (Phú Yên), nhiều sự cố bất cẩn khiến cho ngư dân rơi xuống biển mất tích. Có người trượt chân khi đi bên lề tàu cá, đột biến về sức khỏe, té ngã do vướng vấp ngư cụ hay khi sóng gió xô đập khiến tàu cá chao lắc mạnh… Ngoài ra nhiều ngư dân rời tàu xuống thuyền thúng trong đêm tối để câu mực bị sóng gió xô úp đến mất tích.

Trung úy Phạm Văn Huân– Trưởng trạm kiểm soát biên phòng Đà Rằng thuộc Bộ đội Biên phòng Phú Yên cho biết, bất kỳ tàu cá nào cũng được Bộ đội Biên phòng kiểm tra đủ điều kiện an toàn mới được ra khơi. Theo đó, ngoài phao cứu sinh trên tàu thì mỗi ngư dân phải có áo phao cá nhân, nhưng nhiều ngư dân chủ quan không mặc áo phao trong lúc hành nghề, đến khi rơi xuống biển không đủ sức bơi lội trước sóng gió dẫn đến mất tích.

Thực tế đã có trường hợp nhờ mặc áo phao nên thoát chết sau nhiều ngày đêm trôi dạt trên biển. Mới đây nhất vào sáng 15-4, tàu vận tải biển Altair Trader – quốc tịch Isle Sle Of Man trong hải trình đến Nhật Bản đã cứu nạn một ngư dân trôi dạt cách bờ biển Nha Trang về phía Đông Nam 299 hải lý.

Nạn nhân là Danh Khuol, dân tộc Khmer (27 tuổi, trú ở xã Đông Yên, huyện An Biên, Kiên Giang) rời tàu cá xuống thuyền thúng để câu mực trong đêm và đã bị sóng lớn xô lật thuyền thúng. Nhờ mặc áo phao nên gần 2 ngày đêm trôi lênh đênh, nạn nhân may mắn được tàu Altair Trader cứu nạn.

Theo ông Nguyễn Xuân Bình, Giám đốc Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 4 tại Nha Trang, nhiều ngư dân rơi xuống biển mất tích do chủ quan không mặc áo phao khi hành nghề, trong khi thuyền trưởng thiếu kiểm tra, đến khi phát hiện thì nạn nhân bị sóng gió xô đẩy quá xa nhưng đồng nghiệp vẫn tự tìm kiếm mà không khẩn báo kịp thời cho các cơ quan chức trách.

Để phòng ngừa, giảm thiểu ngư dân mất tích do bất cẩn, những người hành nghề đánh bắt hải sản trên biển cần phải chủ động mặc áo phao, không nên chèo thuyền thúng rời xa tàu cá trong đêm tối, thời tiết biến động bất thường; thuyền trưởng tàu cá cần phải thường xuyên kiểm tra ngư dân trên tàu không để ngư dân đi một mình bên lề tàu cá vào ban đêm; kịp thời phát hiện ngư dân mất tích và sớm khẩn báo cho các cơ quan tìm kiếm cứu nạn…

Hữu Toàn

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/doi-song/tang-cuong-phong-ngua-de-giam-thieu-tai-nan-tren-bien-488909/