Tăng cường phòng, chống dịch ở các khu, cụm công nghiệp

Hưng Yên đang phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại. Hiện trên địa bàn có hơn 2.000 dự án đầu tư trong nước và nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 150 nghìn tỷ đồng và gần 5 tỷ USD, thu hút hàng trăm nghìn lao động làm việc.

Đoàn công tác liên ngành của Bộ Y tế kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại Công ty TNHH ToTo Việt Nam chi nhánh Hưng Yên.

Đoàn công tác liên ngành của Bộ Y tế kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại Công ty TNHH ToTo Việt Nam chi nhánh Hưng Yên.

Hưng Yên đang phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại. Hiện trên địa bàn có hơn 2.000 dự án đầu tư trong nước và nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 150 nghìn tỷ đồng và gần 5 tỷ USD, thu hút hàng trăm nghìn lao động làm việc.

Do vậy, công tác phòng, chống dịch tại các khu, cụm công nghiệp và doanh nghiệp là vấn đề cấp thiết trong nhiệm vụ kép, vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế của địa phương.

Ngày 19-2, Bộ Y tế công bố ca dương tính với SARS-CoV-2 ghi nhận tại Hải Dương, là người bệnh 2.334 có dịch tễ liên quan đến Công ty Fuji Bakelite Việt Nam (ở Khu công nghiệp Thăng Long II, tỉnh Hưng Yên). Ngay lập tức, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Hưng Yên triển khai các biện pháp chống dịch; Công ty Fuji Bakelite Việt Nam phải ngừng sản xuất để phòng, chống dịch, làm hoạt động sản xuất của đơn vị bị gián đoạn nhiều ngày.

Mới đây, đoàn công tác liên ngành do Bộ Y tế dẫn đầu đã tiến hành kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Công ty TNHH TOTO Việt Nam và Công ty TNHH Regina Miracle International đóng trên địa bàn tỉnh Hưng Yên. Ông T.Hi-rô-du-ki, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH TOTO Việt Nam cho biết: Công ty TNHH TOTO Việt Nam có khoảng 1.700 công nhân viên đang làm việc tại cơ sở Hưng Yên. Sản phẩm của công ty 50% cung ứng cho thị trường trong nước, 50% xuất khẩu; nếu công ty không phòng dịch tốt, chỉ cần một người bị mắc Covid-19, công ty phải đóng cửa, sẽ ảnh hưởng đến cả chuỗi cung ứng. Do vậy, công ty thực hiện phòng dịch nghiêm ngặt, cao hơn một bước để bảo đảm an toàn, ổn định trong hoạt động sản xuất của nhà máy.

Theo Sở Y tế tỉnh Hưng Yên, công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn đã triển khai quyết liệt, luôn kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh, đặc biệt trong đợt dịch thứ ba này. Ngay sau khi nhận được thông tin về ca lây nhiễm cộng đồng tại Hải Dương, Quảng Ninh, tỉnh Hưng Yên ngay lập tức khởi động toàn bộ hệ thống bộ máy phòng, chống dịch từ tỉnh đến cơ sở, ban hành Công điện yêu cầu nâng cao công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh cao hơn một bước so với tình hình chung. UBND tỉnh Hưng Yên chỉ đạo, và triển khai bổ sung các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch sau kỳ nghỉ Tết Tân Sửu, trọng tâm là kiểm soát chặt và tổ chức xét nghiệm cho lao động tỉnh ngoài vào tỉnh làm việc. Ðến nay, có 180 doanh nghiệp, với 32.391 người được xét nghiệm…

Tuy nhiên thực tế công tác phòng, chống dịch ở Hưng Yên có một số hạn chế, khó khăn về tập huấn biện pháp phòng, chống dịch cho nhân viên y tế trong các cơ quan, đơn vị, xây dựng phương án phòng, chống dịch trong các khu, cụm công nghiệp… Nhiều đơn vị thiếu phương tiện, thiết bị, vật tư, hóa chất phục vụ công tác xét nghiệm; một số loại vật tư, quần áo chống dịch, găng tay, tăm bông lấy mẫu, hóa chất xét nghiệm… phải đi vay, mượn đơn vị khác; trong khi đó, việc triển khai việc mua thiết bị, vật tư, hóa chất rất chậm trễ, bởi những thủ tục và cách làm còn rườm rà, chưa quyết liệt, nhanh chóng, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch (có tiền vẫn chưa mua được vật tư, trang thiết bị theo yêu cầu).

Qua kiểm tra tình hình thực tế tại các cơ sở sản xuất, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) Nguyễn Thị Liên Hương đã chỉ ra những bất cập, hạn chế trong công tác phòng, chống dịch của những đơn vị này. Theo đó, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 chưa bảo đảm đủ cơ cấu, thành phần; nhân viên y tế chưa được tập huấn phòng, chống dịch, việc kiểm tra thân nhiệt chưa đúng quy định… Ðồng thời, đề nghị doanh nghiệp cần thực hiện nghiêm túc Quyết định 2194/QÐ-BCÐQG về Hướng dẫn phòng, chống và đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 tại nơi làm việc và ký túc xá cho người lao động.

Trong đó, bổ sung thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch có sự tham gia của nhân viên y tế; đại diện của công đoàn. Cần tăng cường vai trò của y tế, công đoàn, hướng dẫn phổ biến cập nhật thông tin về phòng, chống dịch Covid-19 tại nơi làm việc; cần chỉnh sửa, bổ sung kế hoạch ứng phó dịch Covid-19 cho phù hợp với thực tế, khi có trường hợp nghi ngờ thì cách ly ngay và tiến hành truy vết, tránh trường hợp khi có ca nghi mắc Covid-19 sẽ lúng túng, bị động…

Phạm Hà

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/tang-cuong-phong-chong-dich-o-cac-khu-cum-cong-nghiep--637640/