Tăng cường phòng, chống dịch bệnh tay - chân - miệng dịp khai trường

Mùa tựu trường năm nay cũng là thời điểm thời tiết thay đổi, giao mùa, đây cũng là giai đoạn bệnh tay- chân- miệng dễ bùng phát. Trước thực trạng trên, UBND tỉnh đã có công văn yêu cầu các đơn vị triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh tay- chân- miệng trong dịp khai trường.

Tăng cường phòng, chống dịch bệnh tay- chân- miệng trong dịp khai trường

Theo báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, từ đầu năm 2019 đến nay, số cas mắc bệnh tay- chân- miệng tăng 0,7% so cùng kỳ năm 2018, ghi nhận chủ yếu tại các tỉnh khu vực miền Nam và một số tỉnh khu vực miền Trung như: Đồng Nai, Đồng Tháp, Cà Mau, Bình Dương, Bạc Liêu, TP. Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Quảng Ngãi. Thời gian tới, tình hình dịch bệnh tay - chân - miệng vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gia tăng số cas mắc tại các địa phương do trẻ em, học sinh tập trung trở lại vào năm học mới, vấn đề vệ sinh cá nhân, vệ sinh nơi học tập, vui chơi của trẻ chưa được đảm bảo, đặc biệt tại các trường mầm non, cơ sở giáo dục và đào tạo (GD&ĐT). Để tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tay- chân- miệng, kiên quyết không để dịch bùng phát, lan rộng và kéo dài gây ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống của người dân, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình đã ban hành Công văn số 875/UBND-KGVX, yêu cầu các đơn vị khẩn trương thực hiện tốt trọng tâm để phòng, chống dịch bệnh tay- chân- miệng dịp khai trường

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Y tế chủ trì, phối hợp chặt chẽ với ngành GD&ĐT tổ chức các hoạt động truyền thông, giáo dục, nâng cao nhận thức về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tay- chân- miệng tại các trường học, đặc biệt tại các trường mầm non, nhóm trẻ gia đình. Chỉ đạo ngành y tế phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan kịp thời cung cấp thông tin, các nội dung tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh tay - chân- miệng. Tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh tay- chân- miệng, kịp thời phát hiện sớm các ổ dịch mới phát sinh, xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện. Tổ chức tốt việc thu dung điều trị bệnh nhân; thực hiện tốt phòng, tránh lây nhiễm chéo tại các cơ sở khám, chữa bệnh. Theo dõi và tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo kịp thời và báo cáo theo quy định. Sẵn sàng cơ số thuốc, vật tư, hóa chất, phương tiện hỗ trợ cho việc chẩn đoán, thu dung, điều trị bệnh nhân và xử lý ổ dịch. Tổ chức các đoàn kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh tại nơi ghi nhận trường hợp mắc bệnh và khu vực có ổ dịch cũ.

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình còn chỉ đạo Sở GD&ĐT phối hợp các đơn vị y tế tuyến tỉnh, huyện tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh tay- chân- miệng tại trường mầm non, cơ sở giáo dục, nhóm trẻ gia đình, kịp thời phát hiện sớm cas bệnh thông tin đến cơ sở y tế để xử lý kịp thời; yêu cầu các cơ sở giáo dục có đủ các phương tiện rửa tay, xà phòng, nước sạch và có vị trí thuận tiện tạo điều kiện thuận lợi cho người chăm sóc trẻ và trẻ em rửa tay thường xuyên bằng xà phòng ngay từ đầu năm học mới; tổ chức thực hiện vệ sinh lớp học, làm sạch bề mặt và đồ chơi bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Đồng thời, yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm quán triệt, xây dựng văn bản thực hiện cụ thể, phù hợp tình hình thực tế của địa phương về công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm nói chung và phòng, chống dịch bệnh tay- chân- miệng nói riêng tại địa phương. Tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khỏe với phương châm truyền thông đi trước một bước, lấy phòng bệnh là chính; triển khai tích cực các hoạt động vệ sinh nâng cao sức khỏe nhân dân; thực hiện ăn chín, uống chín, ở sạch, bàn tay sạch và sử dụng đồ chơi sạch, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; tuyên truyền các biện pháp phòng, chống lây nhiễm bệnh tay- chân- miệng bằng nhiều hình thức và theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

ĐÌNH ĐỨC

Nguồn An Giang: http://baoangiang.com.vn/tang-cuong-phong-chong-dich-benh-tay-chan-mieng-dip-khai-truong-a253969.html