Tăng cường phòng, chống dịch bệnh sau lũ lụt

Trong đợt lũ lụt lớn vừa qua ở tỉnh Quảng Ngãi đã làm hàng chục nghìn nhà dân cùng nhiều giếng nước sinh hoạt bị ngập sâu trong nước, gây ô nhiễm nặng. Sau khi nước rút, ngành y tế Quảng Ngãi kịp thời triển khai khử khuẩn giếng nước, xử lý môi trường, phòng chống dịch bệnh phát sinh sau lũ.

Cán bộ y tế khử trùng nước giếng tại xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi).

Cán bộ y tế khử trùng nước giếng tại xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi).

Theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi, trong đợt lũ lụt vừa qua, toàn tỉnh đã có hơn 13.921 nhà dân, 1.016 giếng nước và 8.637 nhà tiêu bị ngập, hư hỏng. Với phương châm “nước rút đến đâu, xử lý môi trường đến đó”, hiện nay các đơn vị y tế đã đều tiến hành xử lý gia súc, gia cầm chết và nguồn nước uống tạm thời cho người dân.

Giám đốc Sở Y tế Quảng Ngãi Nguyễn Tấn Đức cho hay, Sở đã triển khai kịp thời phương án phòng, chống dịch bệnh sau lũ lụt. Đồng thời, chỉ đạo cán bộ y tế thôn, xã theo dõi bám sát các hộ dân ở vùng trũng, hướng dẫn người dân xử lý nước sinh hoạt. Hiện nay, hệ thống y tế dự phòng đã phối hợp các địa phương tiến hành phun thuốc xử lý, không để dịch bệnh đau mắt đỏ, bệnh về da, tiêu hóa bùng phát.

Ngay khi nước rút, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh phối hợp Trung tâm Y tế dự phòng huyện Bình Sơn khẩn trương xuống các xã bị ngập lụt nặng tiến hành xử lý môi trường.

Đi cùng đoàn công tác của Sở Y tế Quảng Ngãi sáng nay (15-11), phóng viên Nhân Dân điện tử ghi nhận tại xã Bình Chánh, nơi đợt lũ vừa qua gây ngập toàn bộ nhà và giếng nước của người dân. Những ngày qua, cán bộ Y tế xã, huyện đã trực tiếp hướng dẫn người dân cách pha Cloramin B khử trùng nước sinh hoạt và đun sôi để uống, dọn dẹp vệ sinh môi trường chung quanh nhà ở để phòng các dịch bệnh bùng phát.

Bác sĩ Hồ Minh Nên, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Quảng Ngãi cho biết hiện nay, hệ thống y tế tích cực phối hợp cùng chính quyền địa phương xuống các vùng bị ngập lụt xử lý rác, xác súc vật chết sau khi bị nước lũ cuốn trôi, tập trung thu gom và xử lý gọn để tránh dịch bệnh xảy ra. Đồng thời, cử cán bộ y tế thôn xuống tận nhà người dân cấp phát Cloramin B và hướng dẫn đồng bào cách khử trùng nguồn nước để có nước sạch dùng, nước đã qua xử lý khử trùng khuyên người dân nên đun sôi mới dùng để phòng, chống dịch bệnh.

“Mùa mưa lũ, nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng, nếu tắm rửa, nhất là rửa mặt bằng nguồn nước này thì nguy cơ mắc bệnh đau mắt đỏ rất cao. Đây là bệnh lành tính, nhưng lây lan rất nhanh. Đối với bệnh đau mắt đỏ, phòng bệnh rất quan trọng và cần tuân thủ tuyệt đối không lau rửa hoặc tắm giặt bằng nước bẩn, không để trẻ chơi đùa với nước bẩn...”, bác sĩ Hồ Minh Nên nhấn mạnh.

Nhiều ngày qua, ngôi nhà bà Nguyễn Thị Liền, ở xóm 5, thôn Ngọc Trì, xã Bình Chương, huyện Bình Sơn, bị ngập sâu trong nước lũ, khiến sinh hoạt gia đình bị đảo lộn hoàn toàn. Điều bà Liền lo lắng hơn cả là nguồn nước sạch sử dụng sinh hoạt, cả giếng khơi và giếng đóng đều bị nước lũ tràn vào. Vì thế, dù lũ đã rút, nhưng nước sinh hoạt của gia đình bà Liền vẫn đục ngầu…

Không riêng gia đình bà Liền, nguồn nước sử dụng sinh hoạt là nỗi lo chung của hàng trăm hộ dân có giếng nước bị ngập ở thôn Ngọc Trì. Nhiều gia đình phải đi xa mới xin được nước uống từ những hộ ở nơi cao ráo, không bị ngập nước.

Để hỗ trợ người dân nguồn nước uống, cán bộ y tế huyện phối hợp y tế thôn, xã đến từng nhà dân hướng dẫn xử lý môi trường bằng hóa chất Cloramin B, xử lý nguồn nước sinh hoạt bằng thuốc viên Aquatabs; đồng thời, tổ chức tuyên truyền khuyến cáo người dân chủ động phòng tránh các bệnh truyền nhiễm thường xảy ra sau lũ lụt, như tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp cấp, cảm cúm…

Tại xã Nghĩa Hiệp, huyện Tư Nghĩa có hàng trăm hộ dân bị ngập nặng, hàng trăm con gia súc, gia cầm chết trôi, gây ô nhiễm môi trường. Với diện tích bị ngập úng rộng, nên ngay khi nước rút, cán bộ y tế xã, thôn tại các địa phương triển khai việc súc rửa, khử trùng giếng nước, xử lý nhà tiêu bị ngập, hỏng; tổng vệ sinh môi trường, khơi thông cống rãnh, thu gom, xử lý rác thải, xác súc vật chết tại các khu vực bị ngập úng.

Bà con ở xã Nghĩa Hiệp cho biết, nước sạch sinh hoạt và công tác vệ sinh môi trường phòng tránh dịch bệnh đang là vấn đề người dân vùng lũ rất quan tâm. Do ngập sâu trong nước nhiều ngày, nhiều giếng nước của người dân bị ô nhiễm, không thể sử dụng ngay được mà phải chờ xử lý. Hiện, ngành y tế huyện Tư Nghĩa đang thực hiện các biện pháp khử trùng, làm sạch nguồn nước cho bà con và kịp thời xử lý vệ sinh môi trường.

Trạm Y tế xã Hành Tín Đông, huyện Nghĩa Hành, những ngày qua, khá nhiều người dân địa phương đến khám các bệnh ngoài da, bệnh đường hô hấp và đau mắt đỏ. Mỗi ngày trạm tiếp nhận khoảng 30 người đến khám. Trưởng Trạm Y tế xã Hành Tín Đông, bác sĩ Nguyễn Văn Hải, cho biết, người dân đến trạm khám bệnh, xin thuốc đa số là những bệnh thường gặp sau lũ. Nhiều nhất là bệnh ngoài da, do người bệnh tiếp xúc với nước lũ nhiều ngày, nên bị nước ăn chân, ghẻ lở...

Ngoài tích cực xử lý môi trường, tuyên truyền kiến thức về phòng chống bệnh, cấp thuốc điều trị cho người dân, cán bộ y tế cũng triển khai xuống một số thôn để cấp phát thuốc điều trị cho người dân mắc các bệnh ngoài da, đường tiêu hóa. Cùng với đó, trạm tăng cường tuyên truyền trên đài truyền thanh xã và phát tờ rơi phòng bệnh sau lũ, nâng cao kiến thức phòng, chống dịch bệnh trong cộng đồng, hạn chế nguy cơ phát sinh bệnh sau lũ.

Theo bác sĩ Hồ Minh Nên, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Quảng Ngãi, hiện nay, bệnh sốt xuất huyết có dấu hiệu gia tăng. Đây cũng là mùa cao điểm của bệnh sốt xuất huyết, bởi sau lũ, mật độ muỗi phát sinh cao, người dân vùng ẩm thấp cần phát quang, vệ sinh môi trường, loại bỏ những nơi đọng nước để ngăn ngừa muỗi sinh sản.

Theo thống kê của ngành y tế, hiện toàn tỉnh ghi nhận 1.196 ca bệnh sốt xuất huyết, tăng 24% so cùng kỳ; bệnh tay chân miệng cũng tăng gấp ba lần so cùng kỳ, với 665 trường hợp mắc bệnh.

Sau lũ, nhóm bệnh hay gặp nhất là tiêu chảy, nguy hiểm nhất là tiêu chảy do vi khuẩn tả, vì chúng có khả năng lây lan nhanh chóng. Hoặc bệnh tiêu chảy gây ra do virut, thường gặp nhất trong mùa mưa lũ là Rotavirus. Ở trẻ em, nguy cơ mắc bệnh tiêu chảy do Rotavirus rất lớn và khả năng lây lan mạnh, nhất là dùng nước ăn, uống không hợp vệ sinh sau mưa, lũ lụt.

Thời điểm này cũng phát sinh nhiều trường hợp mắc các bệnh đường hô hấp. Đối tượng thường gặp nhất là người cao tuổi, trẻ em và người có các bệnh mạn tính về đường hô hấp, như viêm họng, cảm cúm. Những bệnh này nếu không được điều trị dứt điểm và có chế độ chăm sóc dinh dưỡng tốt, có thể gây biến chứng sang viêm phế quản, viêm phổi, gây khó khăn trong điều trị.

Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh khuyến cáo, người dân cần ăn chín, uống sôi, bảo đảm an toàn thực phẩm, thường xuyên rửa tay với xà phòng. Thay rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước bằng cách dùng những hóa chất khử trùng nước.

Ngoài chủ động vệ sinh môi trường, hướng dẫn người dân phòng bệnh sau lũ, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cũng vừa tiếp nhận thêm hơn 300 lít hóa chất diệt côn trùng từ Cục Y tế dự phòng và Viện Paster Nha Trang, cùng hơn 500kg hóa chất Chloramin B cấp cho các địa phương vùng lũ lụt. Trước đó, Trung tâm cũng đã cấp gần 200 cơ số thuốc điều trị đối với các bệnh ngoài da, tiêu hóa, đau mắt đỏ... để các trạm y tế kịp thời cấp phát cho người dân phòng, chống dịch bệnh sau lũ lụt.

Bài, ảnh: MINH TRÍ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/suckhoe/item/34717002-tang-cuong-phong-chong-dich-benh-sau-lu-lut.html