Tăng cường phòng, chống cháy rừng

Hơn 2 tháng nay, nhiều đợt nắng nóng gay gắt kéo dài trên diện rộng, dẫn đến nguy cơ cháy nổ, hỏa hoạn và cháy rừng ở mức độ cao. Để kịp thời phòng ngừa, các ngành chức năng và địa phương của tỉnh đang tăng cường các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR).

Hiện tổng diện tích quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 712/QĐ-UBND ngày 3/3/2020 của UBND tỉnh là trên 422.798ha (chiếm gần 70% diện tích đất tự nhiên của toàn tỉnh). Trong đó, trên 122.656ha rừng tự nhiên, trên 215.946ha diện tích rừng trồng, chủ yếu là cây thông, keo, quế, hồi, bạch đàn. Những loại cây này có đặc tính dễ bắt lửa, tốc độ cháy lan nhanh, gây khó khăn trong chữa cháy nếu cháy xảy ra trên diện rộng, nhất là khi thời tiết hanh khô và kèm gió lớn.

Rừng tại địa bàn xã Húc Động, huyện Bình Liêu.

Rừng tại địa bàn xã Húc Động, huyện Bình Liêu.

Để bảo vệ và phát triển bền vững rừng, bám sát chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh, thời gian qua các ngành chức năng, địa phương trong tỉnh đã chủ động triển khai nhiều giải pháp. Đặc biệt, trước thực trạng thời tiết nắng nóng kéo dài, các cơ quan chức năng của tỉnh đã ban hành nhiều văn bản, chỉ đạo quyết liệt các giải pháp PCCCR với phương châm "phòng là chính". Trong đó, duy trì hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn từ cấp tỉnh, cấp xã đến các tổ bảo vệ rừng và PCCCR tại các thôn, bản với trên 6.800 thành viên. Bộ CHQS tỉnh, Công an, Chi cục Kiểm lâm Vùng 1, Chi cục Kiểm lâm tỉnh và các tỉnh lân cận cũng phối hợp chặt chẽ trong công tác này, nên đã ngăn chặn kịp thời và hạn chế điểm “nóng” trong công tác bảo vệ, quản lý lâm sản. Đặc biệt, lực lượng Kiểm lâm và các địa phương trong tỉnh luôn chủ động phối hợp tuyên truyền, hướng dẫn người dân có rừng và sinh sống gần khu vực có rừng nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác bảo vệ, phát triển rừng.

Song song với đó, các ngành chức năng của tỉnh cũng chủ động cập nhật số liệu thời tiết hằng ngày tại 7 trạm quan trắc khí tượng (Móng Cái, Hải Hà, Tiên Yên, Cô Tô, Uông Bí, Cẩm Phả và Hạ Long) để theo dõi các yếu tố lượng mưa, độ ẩm, nhiệt độ ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng dẫn đến nguy cơ cháy rừng và cảnh báo các khu vực rừng có nguy cơ cháy cao. Đồng thời, phát sóng thông báo cấp cảnh báo cháy rừng khi có nguy cơ cháy rừng từ cấp độ 3 đến cấp nguy hiểm trở lên trên kênh QTV1 của Trung tâm Truyền thông tỉnh... Qua đó, đã kịp thời cung cấp thông tin cảnh báo, phòng ngừa và hạn chế thấp nhất cháy rừng có thể xảy ra.

Mặc dù các cấp, ngành, đơn vị trong tỉnh đã triển khai tích cực nhiều giải pháp, tuy nhiên trước diễn biến thời tiết nắng nóng kéo dài, độ ẩm thấp khiến cho nguồn vật liệu cháy trong rừng bị khô, nguy cơ cháy rừng với quy mô lớn rất cao. Từ đầu năm 2020 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 21 vụ, điểm cháy rừng với diện tích cháy 56,164ha tại 7 huyện, thị xã, thành phố. Gần đây nhất tại TP Hạ Long, ngày 23/6 đã xảy ra 1 vụ cháy tại phường Hùng Thắng với diện tích 4,255ha; ngày 25/6 tại thôn Đá Trắng, xã Thống Nhất xảy ra cháy rừng với 2,51ha. Các cơ quan chức năng, địa phương đang phối hợp điều tra, xác minh làm rõ nguyên nhân... Đặc biệt, sau khi xảy ra các vụ cháy rừng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã chỉ đạo các hạt kiểm lâm thường xuyên theo dõi, xác định lại diện tích rừng bị chết, rừng không có khả năng phục hồi để có giải pháp khắc phục.

Nhiều diện tích rừng trồng keo tại xã Đồng Tâm, huyện Bình Liêu đã được thu hoạch.

Theo đồng chí Nguyễn Thanh Khương, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh, công tác bảo vệ, quản lý và PCCCR luôn được tỉnh chỉ đạo quyết liệt. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một số khó khăn nhất định, trong đó có việc thiếu cơ chế, chính sách để tạo đột phá trong sản xuất lâm nghiệp, nhất là trong lĩnh vực trồng mới, chuyển rừng sản xuất sang rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng trồng gỗ nhỏ thành rừng trồng gỗ lớn gắn với chế biến, phát triển cây dược liệu. Bên cạnh đó, việc giao đất, giao rừng ở nhiều nơi còn chậm; áp lực từ phát triển kinh tế - xã hội cũng tác động đến công tác quản lý, bảo vệ rừng. Cùng với đó, nhận thức, ý thức trong công tác quản lý, bảo vệ rừng của một số đơn vị, cá nhân được giao rừng chưa cao...

Xác định công tác quản lý, bảo vệ và đặc biệt là PCCCR là nhiệm vụ quan trọng nhất là khi tỉnh đẩy mạnh đổi mới phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” nên Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã có nhiều giải pháp trong công tác quản lý bảo vệ rừng. Cụ thể, hiện Chi cục đang chủ trì xây dựng Dự án Xây dựng và vận hành hệ thống phát hiện sớm cháy rừng tỉnh Quảng Ninh với việc ứng dụng hệ thống quản lý chuyên dụng với ảnh vệ tinh, giúp cung cấp, phân tích thông tin, cảnh báo, phát hiện sớm và kịp thời xử lý sự cố cháy rừng. Mới đây, Chi cục Kiểm lâm tỉnh cũng tham mưu tỉnh để ban hành Quy định về PCCCR trên địa bàn, trong đó nêu cụ thể nhiệm vụ, yêu cầu trong công tác PCCCR đối với từng tổ chức, cá nhân liên quan… UBND tỉnh cũng đang trình HĐND tỉnh để có nghị quyết về ban hành một số chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững...

Liên Hương

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/202007/tang-cuong-phong-chong-chay-rung-2490623/