Tăng cường phòng, chống bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò

Xuất hiện từ giữa tháng 10-2020, bệnh viêm da nổi cục (VDNC) đã lây lan ra nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Tại Thanh Hóa, đến ngày 17-3-2021 bệnh VDNC đã xảy ra tại 196 hộ chăn nuôi tại 38 thôn, 12 xã, phường của các huyện Yên Định, Vĩnh Lộc, Hoằng Hóa và thị xã Nghi Sơn. Tổng số có 274 con bò mắc bệnh, trong đó, buộc phải tiêu hủy 3 con.

Người chăn nuôi phải ký cam kết với chính quyền địa phương về việc không mổ thịt, không bán chạy, không vứt xác gia súc chết, gia súc bệnh ra môi trường, thực hiện nuôi nhốt toàn bộ trâu, bò trong vùng dịch. (Ảnh minh họa)

Theo đó, tại huyện Yên Định, từ ngày 4 đến ngày 17-3, bệnh VDNC đã xảy ra tại 155 hộ chăn nuôi tại 32 thôn của 9 xã; tổng số có 213 con bò mắc bệnh, tiêu hủy 3 con.

Tại huyện Vĩnh Lộc, từ ngày 14 đến ngày 17-3, bệnh VDNC đã xảy ra tại 1 hộ chăn nuôi tại thôn Yên Lặc, xã Ninh Khang làm 1 con bò mắc bệnh.

Huyện Hoằng Hóa từ ngày 14 đến ngày 16-3, bệnh đã xảy ra tại 2 hộ chăn nuôi tại 2 thôn xã Hoằng Đạo làm 2 con bò mắc bệnh.

Tại thị xã Nghi Sơn, từ ngày 3 đến ngày 5-3, bệnh VDNC đã xảy ra tại 38 hộ chăn nuôi ở 3 tổ dân phố làm 58 con bò mắc bệnh, trong đó có 56 con đã khỏi về mặt triệu chứng lâm sàng. Tính đến ngày 17-3, dịch bệnh tại Thị xã Nghi Sơn đã qua 40 ngày không phát sinh thêm trâu, bò mắc bệnh.

Ngay sau khi có thông tin dịch bệnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị các huyện, thị xã có dịch thành lập tổ công tác phòng, chống dịch để điều tra tổng đàn, nắm bắt tình hình dịch bệnh. Tổ cức tuyên truyền để người chăn nuôi hiểu rõ mức độ nguy hiểm và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo đúng quy định.

Bên cạnh đó, thực hiện ký cam kết giữa người chăn nuôi với chính quyền địa phương về việc không mổ thịt, không bán chạy, không vứt xác gia súc chết, gia súc bệnh ra môi trường, thực hiện nuôi nhốt toàn bộ trâu, bò trong vùng dịch. Tổ chức tiêm phòng vắc- xin viêm da nổi cục trâu, bò cho đàn trâu, bò tại vùng đệm, vùng bị dịch uy hiếp và vùng bị dịch.

Nghiêm cấm việc mua bán, giết thịt trâu, bò trong vùng dịch, trong thời gian có dịch, lập các chốt kiểm dịch hoạt động 24/24 giờ không cho mang trâu, bò, các sản phẩm từ trâu, bò ra khỏi vùng dịch.

Đồng thời, tổ chức phun tiêu độc khử trùng, sát trùng khu vực chăn nuôi, chuồng trại, đường làng, bãi chăn thả tại các vùng có dịch và nghi bị nhiễm bệnh.

Đến nay, tổng số hóa chất đã được sử dụng là 2.720 lít, 3 tấn vôi bột, 50 lít thuốc diệt côn trùng, ve, mòng,…

L.N

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/tang-cuong-phong-chong-benh-viem-da-noi-cuc-tren-trau-bo/133305.htm