Tăng cường phối hợp trong thực hiện BHYT học sinh sinh viên

Chiếm số lượng lớn trong dân số cả nước, sự gia tăng tỷ lệ học sinh sinh viên tham gia BHYT có ý nghĩa quan trọng đối với việc hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân. Đặc biệt, với vai trò là nguồn nhân lực, các chủ nhân tương lai của đất nước, ý thức của nhóm học sinh sinh viên (HSSV) về trách nhiệm tham gia BHYT còn thể hiện sự thượng tôn pháp luật, tuân thủ nghiêm túc các chính sách an sinh xã hội mà Đảng và Nhà nước đang xây dựng.

Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu. Ảnh: TL

Nhân dịp năm học mới 2018- 2019, PV đã có cuộc trao đổi với Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu về việc thực hiện BHYT đối với nhóm đối tượng này.

Phóng viên (PV): Đến nay, định hướng chỉ đạo cũng như các văn bản pháp lý liên quan đến BHYT HSSV đã được Đảng, Nhà nước ban hành đầy đủ, thể hiện sự nhất quán trong chủ trương thực hiện BHYT HSSV. Ông có thể cho biết, kết quả thực hiện BHYT HSSV hiện nay đã đạt được như kỳ vọng của các nhà hoạch định chính sách cũng như mục tiêu mà BHXH Việt Nam đặt ra?

Phó Tổng giám đốc Trần Đình Liệu: Có thể nói, về mặt chủ trương, chúng ta đang có nhiều thuận lợi để mục tiêu 100% HSSV tham gia BHYT trở thành hiện thực. Việc thực hiện BHYT HSSV đã được quy định, luật hóa một cách thống nhất, nằm trong chủ trương thực hiện BHYT toàn dân và mang tính bắt buộc là bước đi quan trọng trong hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân ở nước ta.

Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012- 2020 đã nêu rõ quan điểm chỉ đạo về phát triển BHYT HSSV: cần mở rộng chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với một số nhóm tham gia các loại hình BHXH, BHYT, trong đó có HSSV. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT (có hiệu lực từ 1/1/2015) quy định cụ thể nhiệm vụ phát triển BHYT HSSV cho cả ngành GD-ĐT, chính quyền các cấp...

Trong Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 2/4/2015 về tăng cường thực hiện chính sách BHXH và BHYT, Chính phủ cũng chỉ rõ Bộ GD-ĐT chủ trì phối hợp Bộ Y tế, BHXH Việt Nam tổ chức thực hiện mở rộng BHYT HSSV, đảm bảo đạt 100% HSSV tham gia BHYT. Quyết định số 1167/QĐ-TTg ngày 28/6/2016 về việc điều chỉnh giao chỉ tiêu thực hiện BHYT giai đoạn 2016- 2020, Thủ tướng Chính phủ quán triệt phải đẩy mạnh thực hiện BHYT HSSV. Theo đó, giao Bộ GD-ĐT, Bộ LĐ-TB&XH chỉ đạo xây dựng kế hoạch thực hiện BHYT cho HSSV, đảm bảo đến năm 2017 có 100% HSSV tham gia BHYT.

Trong những năm vừa qua, ngành BHXH đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là Bộ GD-ĐT trong việc triển khai BHYT HSSV. Theo thống kê của BHXH Việt Nam, số lượng HSSV tham gia BHYT tăng đáng kể qua các năm. Năm học 2013- 2014 số HSSV tham gia BHYT đạt khoảng 85%, đến năm học 2017-2018 số HSSV tham gia BHYT đạt khoảng 93,5%, tương đương 16,5 triệu em, trong đó 12,3 triệu em tham gia tại nhà trường và 4,2 triệu em tham gia theo các nhóm đối tượng khác.

PV: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT 2014 đã bổ sung trách nhiệm của Bộ GD-ĐT về chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện việc xác định, quản lý đối tượng do Bộ quản lý, trong đó có đối tượng HSSV. Theo ông, việc phát huy trách nhiệm của ngành GD-ĐT đã mang lại hiệu quả như thế nào đối với công tác BHYT HSSV?

Phó Tổng giám đốc Trần Đình Liệu: Với quan điểm công tác chăm lo sức khỏe nhân dân là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội, bên cạnh quy định BHYT là hình thức bắt buộc, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT đã quy định cụ thể trách nhiệm của từng cấp, từng ngành trong triển khai BHYT, trong đó có trách nhiệm của Bộ GD-ĐT với nhóm HSSV.

Thực tế cho thấy, sự gia tăng tỷ lệ HSSV tham gia BHYT khá bền vững qua các năm, và hiện tại tiệm cận với mục tiêu 100% là kết quả từ sự nỗ lực cố gắng và phối hợp của các ngành: BHXH, GD-ĐT, LĐ-TB&XH và Y tế. Đặc biệt là sự vào cuộc trực tiếp của Ban Giám hiệu và đội ngũ giáo viên, cán bộ y tế trong các trường học trên khắp cả nước. Bộ GD-ĐT kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo như Công văn 4460/BGDĐT-CTHSSV ngày 10/9/2015 về thực hiện BHYT cho HSSV; Công văn 4108/BGDĐT-GDTC ngày 7/9/2017 về hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục thể chất, hoạt động thể thao và YTTH năm học 2017-2018.

Luật BHYT năm 2014 quy định các cơ sở GD có trách nhiệm lập danh sách HS, SV tham gia BHYT. Thông tư liên tịch 41/2014/TTLT-BYT-BTC ngày 24/11/2014 của liên Bộ Y tế- Tài chính hướng dẫn thực hiện BHYT cũng quy định cơ sở GD thu tiền đóng phần thuộc trách nhiệm phải đóng của HSSV nộp vào Quỹ BHYT. Bên cạnh đó, các nhà trường còn có trách nhiệm bảo đảm sử dụng đúng quy định phần kinh phí được trích lại cho công tác YTTH.

Do đó, theo sự chỉ đạo của BHXH Việt Nam và Bộ GD-ĐT, hằng năm BHXH cấp tỉnh và cấp huyện đều chủ động tiến hành ký kết chương trình phối hợp với Ngành GD cùng cấp, ban hành kế hoạch phối hợp, thành lập ban chỉ đạo, ban hành công văn liên ngành hướng dẫn tổ chức thực hiện, xây dựng và giao chỉ tiêu phấn đấu cụ thể tới các trường học trên địa bàn, tổ chức sơ kết, đánh giá đề ra những giải pháp thực hiện trong thời gian tới.

PV: Từ chính sách đến thực tiễn luôn có những khó khăn nhất định. Thực tế, dù nhóm HSSV đã được quy định là nhóm bắt buộc tham gia BHYT từ 1/1/2010 (theo quy định tại Luật BHYT 2008), nhưng đến nay vẫn chưa đạt được tỷ lệ 100%. Theo ông đâu là những vấn đề còn vướng mắc trong thực hiện BHYT HSSV hiện nay?

Phó Tổng giám đốc Trần Đình Liệu: Chủ trương phát triển BHYT HSSV là nhất quán, tuy nhiên, ngay trong các quy định, văn bản hướng dẫn thực hiện pháp luật về BHYT HSSV, chúng ta vẫn có không ít vướng mắc cần phải được tháo gỡ.

Mặc dù đã có quy định “bắt buộc” tham gia BHYT, nhưng các cơ sở GD vẫn chưa có biện pháp ràng buộc HSSV tham gia BHYT, dẫn đến tỷ lệ tham gia BHYT còn chưa đồng đều tại một số địa phương; đối tượng SV, đặc biệt là SV từ năm thứ 2 trở đi tham gia BHYT chưa cao (chiếm tỷ lệ khoảng 70%- 80%). Ngoài ra, theo quy định đối tượng HS cuối cấp có thời hạn sử dụng thẻ BHYT đến hết tháng 6 của năm học đó. Do đó, hằng năm có khoảng 900.000 em HS lớp 12 bị gián đoạn thời gian tham gia BHYT từ tháng 7 đến khi nhập học tại các cơ sở GD ĐH, CĐ.

Một số địa phương chưa thực hiện tốt công tác phối hợp giữa ngành BHXH và GD-ĐT trong việc triển khai BHYT HSSV. Một số Sở GD-ĐT, Phòng GD-ĐT chưa nêu cao trách nhiệm chỉ đạo triển khai BHYT HS tại các nhà trường.

Năm học 2018-2019, mức phí BHYT của nhóm HSSV tiếp tục có sự điều chỉnh do tính theo mức lương cơ sở, tăng từ 40.950 đồng/tháng lên 43.785 đồng/tháng (do mức lương cơ sở từ ngày 1/7/2018 điều chỉnh tăng từ 1.300.000 đồng lên 1.390.000 đồng/tháng). Mức tăng không nhiều, nhưng vẫn là tăng thêm khó khăn cho công tác này. Đặc biệt, khi công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về BHYT HSSV ở một số nhà trường còn hạn chế, chưa được quan tâm đúng mức, một bộ phận HSSV chưa hiểu rõ trách nhiệm, quyền lợi và ý nghĩa của việc tham gia BHYT. Một số cơ sở GD chỉ liệt kê số tiền đóng BHYT HSSV vào các khoản thu đầu năm học mà thiếu đi công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật BHYT cho HSSV…

Tăng cường phối hợp trong thực hiện BHYT học sinh sinh viên. Ảnh: TL

PV: Vậy theo ông, chúng ta cần có những điều kiện gì để thực hiện tốt BHYT HSSV, đảm bảo phát triển cả số lượng cũng như tính bền vững qua các năm?

Phó Tổng giám đốc Trần Đình Liệu: Để thực hiện mục tiêu 100% HSSV tham gia BHYT, ngoài nỗ lực của ngành BHXH, chúng ta cần sự vào cuộc mạnh mẽ và trách nhiệm hơn nữa của các cơ quan liên quan.

Trong thời gian tới, BHXH Việt Nam sẽ chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tiếp tục phối hợp chặt chẽ với ngành GD-ĐT từ Trung ương đến địa phương thực hiện một số nội dung: Giao chỉ tiêu tỷ lệ tham gia BHYT của HS đối với từng cơ sở GD; đưa tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ và việc chấp hành pháp luật của HSSV đảm bảo năm 2018 đạt 100% HSSV tham gia BHYT. Thực hiện thu BHYT HSSV theo đúng quy định; đối với SV mới nhập học, HS chuyển cấp, mới vào lớp 1 thực hiện thu BHYT HSSV của những tháng còn lại năm 2018. Đối với HSSV đã thực hiện thu theo năm tài chính thì tiếp tục thực hiện thu vào cuối năm 2018; cơ sở GD thu tiền đóng của HSSV theo phương thức linh hoạt 3 tháng, hoặc 6 tháng, hoặc một năm một lần nộp vào quỹ BHYT. Chỉ thực hiện thu BHYT một lần năm 2019 nếu HSSV có nguyện vọng và tự nguyện đóng. Kịp thời xét duyệt và trích, chuyển kinh phí thù lao thu BHYT HSSV, xác định và chuyển kinh phí CSSKBĐ cho các cơ sở GD đủ điều kiện theo quy định.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật BHYT đến HSSV và các bậc phụ huynh thông qua Đoàn Thanh niên, Hội SV, Đội Thiếu niên tiền phong. Đặc biệt nhấn mạnh thực hiện BHYT không chỉ là quyền lợi và trách nhiệm công dân của mỗi HSSV mà còn thể hiện ý thức chấp hành pháp luật của những chủ nhân tương lai của đất nước, khẳng định vai trò của BHYT trong bối cảnh viện phí điều chỉnh theo hướng tính đúng, tính đủ.

Cơ quan BHXH cũng cần tăng cường tham mưu để cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, tăng cường chỉ đạo việc thực hiện công tác BHXH, BHYT nói chung và BHYT HSSV nói riêng trên địa bàn. Kiên quyết không khen thưởng đối với các nhà trường nếu chưa hoàn thành tỷ lệ HSSV tham gia BHYT. Cân đối thêm nguồn kinh phí thuộc ngân sách địa phương hỗ trợ HSSV tham gia BHYT ngoài phần kinh phí đã được ngân sách Trung ương hỗ trợ.

Về trách nhiệm của mình, ngành BHXH tiếp tục thực hiện cải cách hành chính theo hướng đơn giản, thuận tiện cho HSSV tham gia BHYT. Cụ thể:

Đối với HSSV đã có mã số BHXH, khi tham gia BHYT không phải lập Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT mà chỉ nộp tiền theo quy định; cơ quan BHXH thực hiện việc ghi giá trị sử dụng thẻ BHYT tương ứng với số tiền đóng vào cơ sở dữ liệu và không thực hiện cấp lại thẻ BHYT. Với HSSV chưa có mã số BHXH, cơ quan BHXH sẽ cập nhật thông tin vào cơ sở dữ liệu và cấp thẻ BHYT theo quy định.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Theo Báo BHXH

Nguồn Người Làm Báo: http://nguoilambao.vn/tang-cuong-phoi-hop-trong-thuc-hien-bhyt-hoc-sinh-sinh-vien-n10640.html