Tăng cường phối hợp trợ giúp pháp lý cho người yếu thế

Từ ngày 5 đến 14-7, Hội đồng Phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý (TGPL) trong hoạt động tố tụng của tỉnh đã lập đoàn kiểm tra công tác phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng năm 2022 tại 6 địa phương: Định Quán, Trảng Bom, Thống Nhất, Xuân Lộc, Long Thành và Long Khánh.

Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh tư vấn về quyền được trợ giúp pháp lý miễn phí cho người dân ở TP.Biên Hòa. Ảnh: T.Nhân

Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh tư vấn về quyền được trợ giúp pháp lý miễn phí cho người dân ở TP.Biên Hòa. Ảnh: T.Nhân

Mục đích của việc kiểm tra nhằm tăng cường công tác phối hợp về TGPL giữa các cơ quan tố tụng, người tiến hành tố tụng, trại tạm giam, nhà tạm giữ với Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh (thuộc Sở Tư pháp) và các chi nhánh của trung tâm; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng Phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng.

* Phối hợp tốt, hiệu quả cao

Thượng tá Nguyễn Văn Tiệp, Trưởng Công an H.Định Quán cho biết lãnh đạo Công an huyện thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ thực hiện nghiêm túc quy định về phối hợp thực hiện TGPL trong hoạt động tố tụng. Theo đó, đã giải thích cho người đang bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo và các đương sự khác trong vụ án hình sự biết về quyền được TGPL.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an H.Định Quán đã yêu cầu trợ giúp viên pháp lý hoặc luật sư là cộng tác viên của Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh tham gia TGPL cho 8 trường hợp. “Việc có trợ giúp viên pháp lý hoặc luật sư là cộng tác viên của Trung tâm TGPL tham gia trong hoạt động tố tụng hình sự sẽ đảm bảo sự khách quan của vụ án, hạn chế thấp nhất tình trạng oan sai, bỏ lọt tội phạm. Đồng thời, thông qua việc thực hiện các vụ việc cụ thể đã giúp đối tượng yếu thế bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình, nâng cao hiểu biết và ý thức pháp luật” - Thượng tá Nguyễn Văn Tiệp chia sẻ.

Thượng tá Ngô Như Hà, Phó trưởng Công an H.Thống Nhất cũng cho biết, công tác phối hợp liên ngành trong hoạt động tố tụng trên địa bàn huyện thời gian qua tiếp tục được duy trì nhịp nhàng, hiệu quả. Các cơ quan tiến hành tố tụng đã phối hợp tốt với Trung tâm TGPL trong giải thích quyền và nghĩa vụ của người được TGPL.

TGPL là một chính sách pháp luật mang tính nhân văn sâu sắc, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ta trong việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân, có ý nghĩa hỗ trợ quan trọng cho những đối tượng có hoàn cảnh khó khăn trong việc bảo vệ quyền lợi của mình. Do đó, việc không ngừng hoàn thiện, nâng cao hiệu quả của công tác TGPL là nhiệm vụ thường xuyên phải được các cấp, các ngành quan tâm, chú trọng.

Bên cạnh đó, việc tiếp nhận, cấp giấy chứng nhận người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp được đảm bảo trong các giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử kịp thời, đúng quy định của pháp luật. Trong 6 tháng đầu năm 2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an H.Thống Nhất và Viện KSND huyện đã phối hợp với trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh thực hiện TGPL 6 vụ, 18 người trong lĩnh vực hình sự.

Phó chánh án TAND H.Thống Nhất Đặng Quang Phúc cho hay, ngoài thực hiện đúng các hoạt động phối hợp về TGPL trong các giai đoạn tố tụng giữa các cơ quan tố tụng, người tiến hành tố tụng với Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh, tòa án còn phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi cho trợ giúp viên pháp lý, luật sư là cộng tác viên của trung tâm tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật.

Trong 6 tháng đầu năm, TAND H.Thống Nhất đã thụ lý giải quyết các vụ án có đối tượng được hưởng TGPL, các vụ việc đối tượng được tư vấn giới thiệu đến Trung tâm TGPL để được hưởng chính sách TGPL của Nhà nước là 6 vụ, 6 người. “Tuy số lượng các vụ án, các đối tượng được TGPL không nhiều nhưng chất lượng giải quyết vụ việc ngày càng được nâng cao nhờ công tác phối hợp tốt. Trong đó, vai trò của trợ giúp viên pháp lý khi tham gia tranh tụng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được TGPL ngày càng được nâng cao” - ông Phúc cho hay.

Trao đổi về hiệu quả của công tác phối hợp, giám đốc Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Lê Quang Vinh cho biết, việc Hội đồng Phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng của tỉnh thành lập đoàn đi kiểm tra hằng năm nhằm kịp thời nhận xét, đánh giá những kết quả đạt được cũng như khó khăn, vướng mắc để làm cơ sở triển khai công việc tiếp theo.

Qua kiểm tra đợt này cho thấy, công tác phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng với Trung tâm TGPL, trợ giúp viên pháp lý và luật sư là cộng tác viên của trung tâm ngày càng chặt chẽ, hiệu quả. Đặc biệt, đội ngũ trợ giúp viên pháp lý của trung tâm ngày càng hoàn thiện và trở thành những người có năng lực, kỹ năng nghiệp vụ, trình độ chuyên môn tốt. Họ nhiệt tình trong công tác, không ngại khó, không ngại khổ trong thực thi nhiệm vụ, thể hiện được đầy đủ vai trò, vị trí của người bào chữa, bảo vệ, đại diện trong các vụ án hình sự, dân sự. Nhờ đó, họ được xã hội, người dân ngày càng tin tưởng và tìm đến để tư vấn pháp luật, TGPL đông hơn.

“Đây là một tín hiệu vui cho hoạt động TGPL đang được nhiều người dân biết đến. Mong rằng, đội ngũ trợ giúp viên pháp lý tiếp tục phát huy năng lực để làm tốt nhiệm vụ được giao” - ông Vinh chia sẻ.

* Vì quyền lợi của người yếu thế

Theo đại diện các cơ quan tiến hành tố tụng, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác phối hợp về TGPL còn gặp những khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, số lượng vụ việc có đối tượng thuộc diện được TGPL còn thấp so với số vụ việc thụ lý. Việc hướng dẫn quyền được TGPL cho đương sự còn hạn chế, phần lớn mới chú trọng đối với các vụ án hình sự.

Bên cạnh đó, đối tượng yếu thế ít được tiếp cận với các thông tin về TGPL nên nhiều người chưa biết về quyền được TGPL của mình. Cũng có những trường hợp nhận thức của bà con đối với công tác TGPL chưa cao, thậm chí nhiều người không quan tâm, đến khi xảy ra sự việc và được các cơ quan tiến hành tố tụng giải thích thì họ mới biết quyền được TGPL của mình.

Đối với những trường hợp là hộ nghèo, hiện còn gây nhiều tranh luận do chuẩn nghèo thường xuyên thay đổi, danh sách hộ nghèo cũng thay đổi, việc cấp giấy chứng nhận hộ nghèo ở một số địa phương thực hiện chưa kịp thời nên ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền được TGPL của đương sự. Ngoài ra, trong vụ án hình sự, khi trẻ em là bị hại thì thuộc diện được TGPL đối với trường hợp từ 16 tuổi trở xuống; còn đối với các trẻ em trên 16 tuổi phải kèm theo điều kiện khó khăn về tài chính mới được TGPL. Việc này cũng gây khó khăn trong việc bảo vệ quyền TGPL cho các đối tượng chưa thành niên là người bị hại...

Về những vấn đề trên, Giám đốc Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Lê Quang Vinh cho biết, đoàn ghi nhận tất cả ý kiến, đề xuất của các cơ quan tiến hành tố tụng và sẽ tiếp tục nghiên cứu để có những giải pháp phù hợp nhằm triển khai trong thời gian tới. “Chúng tôi cũng mong các ngành, các cấp, chính quyền địa phương tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để công tác TGPL thực hiện tốt chính sách của Nhà nước đối với các đối tượng được TGPL” - ông Vinh chia sẻ.

Thành Nhân

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/phapluat/202207/tang-cuong-phoi-hop-tro-giup-phap-ly-cho-nguoi-yeu-the-3125641/