Tăng cường phối hợp triển khai quy hoạch báo chí

Nhằm đảm bảo thực hiện đúng mục tiêu, phương án và lộ trình quy hoạch theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các quy định của Luật Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có công văn về việc phối hợp triển khai quy hoạch báo chí.

Cụ thể, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ quan chủ quản có cơ quan báo chí thuộc diện sắp xếp, quy hoạch thực hiện theo văn bản số 355/BTTTT-CBC ngày 10-2-2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông, khẩn trương gửi hồ sơ về Bộ Thông tin và Truyền thông để tiến hành các thủ tục cấp phép, thu hồi giấy phép, chuyển cơ quan chủ quản theo quy định.

Thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông nhận được nhiều phản ánh về tình trạng phóng viên được Tổng biên tập hoặc người được giao quyền ký giấy giới thiệu đến các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân để tác nghiệp, đăng tải tin, bài về các vấn đề không phù hợp với tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, trái với quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của người đứng đầu cơ quan báo chí được quy định trong Luật Báo chí. Việc nhiều nhà báo, phóng viên tác nghiệp không đúng với tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí đang công tác đã ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của các cơ quan báo chí, đội ngũ nhà báo, phóng viên hoạt động đúng pháp luật; gây bức xúc trong dư luận xã hội; ảnh hưởng đến hoạt động hợp pháp của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

Tôn chỉ, mục đích của các cơ quan báo chí đã được đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông tại địa chỉ https://mic.gov.vn/Pages/TinTuc/142418/Ton-chi-muc-dich-cac-co-quan-bao-chi.html. Vì vậy, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị các cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình xem xét, cân nhắc việc cung cấp thông tin khi nhận được yêu cầu cung cấp thông tin từ cơ quan báo chí, nhà báo, phóng viên, bảo đảm quyền được thông tin của cơ quan báo chí, bảo đảm các cơ quan báo chí hoạt động đúng pháp luật, đúng tôn chỉ, mục đích.

Mặt khác, khi tiếp xúc, cung cấp thông tin, các cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm có quyền yêu cầu nhà báo, phóng viên xuất trình thẻ nhà báo hoặc giấy giới thiệu còn thời hạn và ghi rõ làm việc với cơ quan, tổ chức nào, nội dung gì, thời gian cụ thể.

Trong trường hợp phát hiện dấu hiệu lợi dụng danh nghĩa báo chí để hoạt động trái pháp luật hoặc có hiện tượng sách nhiễu, đề nghị các cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm lưu lại bằng chứng, kịp thời phản ánh và cung cấp về Đường dây nóng của Cục Báo chí (Số điện thoại: 0865.28.28.28; Email: duongdaynongbaochi@mic.gov.vn) hoặc Đường dây nóng của Sở Thông tin và Truyền thông địa phương mình để cơ quan nhà nước có thẩm quyền có biện pháp ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm.

Đề nghị các cơ quan chủ quản báo chí nâng cao trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ theo quy định của Luật Báo chí, kiểm tra, rà soát, chỉ đạo sâu sát, bảo đảm các cơ quan báo chí thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích từ quá trình tác nghiệp của phóng viên cho đến nội dung tin, bài được đăng tải trên các sản phẩm báo chí.

BĐT

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/tang-cuong-phoi-hop-trien-khai-quy-hoach-bao-chi/121595.htm