Tăng cường phối hợp tiêu thụ nông sản giữa Hà Nội với các tỉnh

Nhằm cung cấp những mặt hàng thực phẩm sạch cho người tiêu dùng Thủ đô, ngành Nông nghiệp Hà Nội đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại trong lĩnh vực nông nghiệp. Qua đó, giúp người sản xuất và doanh nghiệp ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm.

Hiện nay, với khoảng 10,3 triệu dân đang sinh sống, học tập trên địa bàn Thủ đô, trung bình mỗi tháng, Hà Nội tiêu thụ khoảng 92.970 tấn gạo; 18.594 tấn thịt lợn hơi; 5.230 tấn thịt bò; 6.198 tấn thịt gà, vịt; 84.100 tấn rau, củ; 124 triệu quả trứng gia cầm...

Trong khi đó, hiện sản xuất nông nghiệp Hà Nội mới đáp ứng được 65,6% nhu cầu gạo; 65,1% rau, củ tươi; 19,3% thịt bò, trâu; 94,2% trứng gia cầm…; số còn lại nhập từ các tỉnh, thành phố khác. Đặc biệt, bệnh Dịch tả lợn châu Phi xảy ra năm 2019, Hà Nội đã phải tiêu hủy 543.878 con, hiện chỉ còn 1,2 triệu con, gây thiếu hụt nguồn cung thịt lợn cho thị trường. Phần còn thiếu, Hà Nội nhập từ các tỉnh, thành phố về cung cấp cho người tiêu dùng Thủ đô.

Để tìm nguồn nông sản, thực phẩm sạch cho người tiêu dùng Thủ đô, Sở NN&PTNT Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với 21 tỉnh, thành phố trong Ban Điều phối chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn cho thành phố Hà Nội, đưa nông sản, thực phẩm an toàn về thành phố thông qua các hội chợ, hội nghị ký kết giữa hai bên. Vì vậy, trung bình mỗi năm, tỉnh Hòa Bình cung cấp cho Hà Nội khoảng 200 tấn rau hữu cơ, 120 tấn quả có múi các loại, 2.500 tấn thịt lợn, 1.000 tấn thịt gà, 500 tấn thịt bò, 1.500 tấn cá. Tỉnh Hà Nam cung ứng cho thị trường Hà Nội khoảng 15.000 tấn nông sản, thủy sản (trong đó có 2.200 tấn thịt lợn, 1.200 tấn thịt gia cầm…). Tỉnh Tuyên Quang cung cấp 1.649 tấn thịt, rau, quả...

Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hằng, ngoài các doanh nghiệp nằm trong Ban Điều phối chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn cho thành phố Hà Nội, hiện nay còn có thêm 200 nhà cung cấp mới của các địa phương đã kết nối sản phẩm tiêu thụ tại các kênh phân phối trên địa bàn Hà Nội. Cụ thể, hệ thống siêu thị VinMart kết nối lượng hàng hóa các tỉnh ước đạt 19.000 tấn nông sản/năm; siêu thị Big C Thăng Long kết nối lượng hàng hóa các tỉnh ước đạt 4.600 tấn/năm; siêu thị Saigon Co.op Hà Nội kết nối lượng hàng hóa các tỉnh ước đạt 1.800 tấn/năm...

Nhờ tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại nên việc kết nối tiêu thụ nông sản giữa doanh nghiệp và người dân được thuận lợi. Theo Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Hoàng Hải Tân Lập (huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La) Nguyễn Văn Hải, mỗi năm hợp tác xã cung cấp 500 tấn rau các loại cho người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh Sơn La và Hà Nội.

Bên cạnh những thuận lợi, việc phối hợp cung cấp nông sản giữa Hà Nội với các tỉnh còn khó khăn do sản xuất nông nghiệp của các tỉnh quy mô còn nhỏ lẻ, chưa có nhiều sản phẩm được dán tem, truy xuất nguồn gốc xuất xứ. Ngoài ra, kế hoạch sản xuất chưa gắn với nhu cầu của thị trường dẫn đến một số sản phẩm hàng hóa sản xuất cung vượt cầu, ảnh hưởng đến giá cả, gây khó khăn cho công tác tiêu thụ.

Để tháo gỡ khó khăn về công tác phối hợp, đưa nông sản ở các tỉnh về Hà Nội tiêu thụ, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hằng cho biết: Từ nay đến cuối năm, Chi cục tiếp tục tổ chức các hội nghị, hội chợ để kết nối doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội với doanh nghiệp các địa phương bạn để ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Hà Nội cũng đề nghị các địa phương khi đưa sản phẩm tham gia hội chợ phải lựa chọn doanh nghiệp có các mặt hàng phù hợp, đặc trưng vùng, miền để nâng cao tính cạnh tranh. Các địa phương bạn đẩy mạnh quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn để tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, tạo ra những sản phẩm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, rõ nguồn gốc cung cấp cho thị trường Hà Nội.

Ngọc Quỳnh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/nong-nghiep/965806/tang-cuong-phoi-hop-tieu-thu-nong-san-giua-ha-noi-voi-cac-tinh