Tăng cường phối hợp giữa Trung ương và địa phương để 'làm sạch' thị trường

Tiếp tục chương trình kiểm tra công tác quản lý thị trường (QLTT) trong đợt cao điểm trước, trong và sau Tết nguyên đán Kỷ Hợi 2019, ngày 2/2, đoàn công tác của Bộ Công Thương do Bộ trưởng Trần Tuấn Anh dẫn đầu đã làm việc với Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các cơ quan, đơn vị liên quan và đi kiểm tra thực tế trên địa bàn tỉnh Hải Dương

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với tỉnh Hải Dương trong công tác của ngành nói chung, công tác quàn lý thị trường nói riêng

Báo cáo Bộ trưởng và đoàn công tác, ông Nguyễn Thanh Hải – Quyền Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Hải Dương – đi thẳng vào những kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường trước, trong và sau Tết nguyên đán Kỷ Hợi, theo đó, Cục đã chỉ đạo tổ chức 5 Đội kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra tại nhiều địa bàn trọng điểm, tập trung vào các doanh nghiệp, các cơ sở và cá nhân sản xuất, kinh doanh, cung ứng các mặt hàng phục vụ Tết.

“Đến nay, các Đội đã xử lý 105 vụ, thu phạt vi phạm hành chính gần 80 triệu đồng, tịch thu nhiều hàng hóa vi phạm là hàng cấm, hàng giả, hàng quá hạn sử dụng…” – ông Hải báo cáo và cho biết thêm, lực lượng chức năng cũng đã phát hiện, xử lý 2 vụ việc đóng gói hàng hóa là bột ngọt vi phạm về nhãn hiệu hàng hóa, đã xử phạt hành chính gần 50 triệu đồng, buộc loại bỏ yếu tố vi phạm và tiêu hủy gần 19 nghìn gói muối, bột canh các loại và buộc tiêu hủy gần 39 nghìn vỏ bao bì vi phạm.

Về nhiệm vụ trong và sau Tết, Quyền cục trưởng Cục QLTT tỉnh Hải Dương cho biết, bám sát chỉ đạo của Bộ Công Thương, Tổng cục QLTT và chỉ đạo của địa phương, toàn lực lượng sẽ thực hiện ứng trực 24/24 giờ với phương tiện, nhân lực tối đa, phối hợp cùng các lực lượng chức năng trên địa bàn đảm bảo kiểm soát tốt nhất thị trường để người dân vui Xuân, đón Tết.

Cũng tại buổi làm việc, ông Nguyễn Thanh Hải báo cáo, thực hiện Quyết định số 34/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đến nay, QLTT Hải Dương đã thực hiện bố trí, sắp xếp lại bộ máy, thực hiện giảm 3 Đội và 1 phòng tham mưu.

Bộ trưởng vui mừng nhận thấy hầu hết các hộ kinh doanh đã nhận thức đầy đủ việc tuân thủ các quy định của pháp luật trong sản xuất - kinh doanh

“Hiện Cục QLTT Hải Dương có 5 Đội phụ trách địa bàn 12 huyện, thị xã, thành phố và 1 Đội cơ động chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả” – ông Hải nói và cho biết, tương tự như QLTT nhiều địa phương, khi thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý cũng gặp phải một số khó khăn, như: định biên biên chế quá ít làm ảnh hưởng đến hiệu quả công tác; thiếu kinh phí, phương tiện hoạt động; công tác đạo tạo, tập huấn nghiệp vụ còn hạn chế… và đề nghị Tổng Cục QLTT và Bộ Công Thương xem xét, tháo gỡ trong thời gian sớm nhất.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Anh Cương – Phó chủ tịch UBND, Trưởng Ban chỉ đạo 389 tỉnh Hải Dương - cho biết, kết thúc năm 2018, kinh tế của tỉnh Hải Dương tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực và toàn diện, trong đó, giá trị sản xuất các ngành dịch vụ đạt 36.270 tỷ đồng, tăng 7,6% so với năm trước; Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2018 đạt 52.773 tỷ đồng (đạt 103% kế hoạch năm, tăng 11,5%); các hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển mạnh và khá đồng đều. Tuy nhiên theo ông Cương, việc phát triển này cùng tiềm ẩn nhiều nguy cơ về hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng lậu... Vì vậy, địa phương mong muốn Bộ Công Thương, trực tiếp là Tổng cục QLTT quan tâm phối hợp, chỉ đạo QLTT Hải Dương phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền và các cơ quan chức năng của địa phương thực hiện hiệu quả hơn chỉ đạo của Ban chỉ đạo 398 quốc gia và Ban chỉ đạo 389 tỉnh.

Bộ trưởng lưu ý lực lượng QLTT địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền

Cho rằng dù có thay đổi mô hình quản lý, dù lãnh đạo Cục QLTT địa phương do Bộ Công Thương, Tổng cục QLTT bổ nhiệm, miễn nhiệm, song Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương – ông Nguyễn Mạnh Hiển nhấn mạnh, lực lượng QLTT vẫn phải thực hiện nghiêm túc chức năng, nhiệm vụ được giao, trong đó, việc phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng trên địa bàn tổ chức triển khai các nhiệm vụ được cấp ủy, chính quyền địa phương giao phó là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.

Trên tinh thần đó, ông Hiển đề nghị Bộ Công Thương, Tổng cục QLTT quan tâm chỉ đạo sát sao công tác kiện toàn bộ máy và hoạt động chuyên môn của QLTT địa phương, đồng thời, xây dựng, hoàn thiện và ban hành cơ chế phối hợp giữa trung ương và địa phương để nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong hoạt động chuyên môn của lực lượng QLTT trong thời gian tới.

Về phần mình, Bộ trưởng Trấn Tuấn Anh ghi nhận và cảm ơn sự quan tâm phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các cơ quan, đơn vị của tỉnh Hải Dương với Bộ Công Thương, trong đó có lực lượng QLTT trong thời gian qua. Cho rằng kết quả có được của ngành Công Thương nói chung, lực lượng QLTT nói riêng trong năm 2018 có đóng góp quan trọng của các địa phương, trong đó có tỉnh Hải Dương, Bộ trưởng mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, phối hợp công tác trong thời gian tới.

Trước những ý kiến của lãnh đạo địa phương, nhất là ý kiến liên quan đến công tác QLTT, Bộ trưởng tán thành quan điểm dù có thay đổi mô hình tổ chức thì chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của lực lượng QLTT chỉ có tăng lên chứ không thể giảm đi. Từ quan điểm này, Bộ trưởng cho rằng, để hoàn thành nhiệm vụ được giao, ngoài nỗ lực của lực lượng QLTT địa phương thì rất cần có sự quan tâm chỉ đạo, phối hợp của địa phương sở tại. Vì vậy, cùng với việc sớm kiện toàn bộ máy tổ chức, xây dựng và ban hành và nghiêm túc tổ chức thực hiện quy chế phối hợp giữa trung ương và địa phương để công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường ngày càng hiệu quả hơn, Bộ trưởng cũng đề nghị địa phương dành sự quan tâm thỏa đáng đến công tác QLTT và lực lượng QLTT.

Thay mặt lãnh đạo Bộ Công Thương, Bộ trưởng tặng quà, chúc Tết lực lượng QLTT Hải Dương

Ngay sau buổi làm việc, Bộ trưởng và đoàn công tác đã kiểm tra thực tế tại chợ Thanh Bình tại trung tâm thành phố Hải Dương. Trực tiếp trao đổi với các tiểu thương đang kinh doanh tại đây, Bộ trưởng vui mừng nhận thấy hầu hết các hộ kinh doanh đã nhận thức đầy đủ việc tuân thủ các quy định của pháp luật trong kinh doanh, nhất là những quy định liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc hàng hóa, tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong chế biến, kinh doanh hàng hóa…

Tuy nhiên tại hiện trường, Bộ trưởng cũng lưu ý lực lượng QLTT địa phương, bên cạnh công tác kiểm tra, kiểm soát và xử phạt nghiêm minh các trường hợp vị phạm thì cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật để việc hiểu và tuân thủ các quy định pháp luật trong sản xuất, kinh doanh trở thành nhu cầu nội tại của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân sản xuất, kinh doanh thì mới có thể nâng cao hiệu quả công tác QLTT.

“Không chỉ quan tâm kiểm tra, kiểm soát và tuyên truyền tại các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ trong tâm mà cần quan tâm hơn nữa đến các chợ nông thôn, những vùng còn khó khăn, kinh tế chưa phát triển” – Bộ trưởng yêu cầu.

Hoàng Châu - Cấn Dũng

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tang-cuong-phoi-hop-giua-trung-uong-va-dia-phuong-de-lam-sach-thi-truong-115559.html