Tăng cường phát triển đảng trong đội ngũ nhà giáo

5 năm qua, kể từ khi thực hiện quy chế phối hợp giữa Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) với các quận, huyện ủy trong lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng giáo dục, xây dựng Đảng, đoàn thể chính trị - xã hội trong nhà trường…, nhiều điển hình trong môi trường sư phạm đã thật sự tỏa sáng; tỷ lệ đảng viên trong giáo viên và học sinh ngày một tăng cao.

Theo đại diện Sở GD-ĐT, từ khi thực hiện quy chế phối hợp, nhờ sự quan tâm của các quận, huyện, công tác đầu tư xây mới trường lớp rất thuận lợi, từ 800 phòng học mới/năm, tăng lên 1.300 phòng/năm, đáp ứng quy mô tăng cơ học trong học sinh (trung bình tăng 50.000 em/năm). Theo đó, hệ thống trường ngoài công lập, tăng từ gần 100 trường tăng lên 667 trường, với nguồn kinh phí xã hội hóa từ 800 tỷ đồng (năm 2012) lên 1.465 tỷ đồng (năm 2016). Đồng thời, công tác đào tạo, bồi dưỡng cho giáo viên về lý luận chính trị cũng được chú trọng và tăng lên rõ rệt thông qua các phong trào, hoạt động cụ thể, nhất là việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Điển hình như Hiệu trưởng Trường tiểu học Hưng Phú (quận 8) Đặng Thị Huê luôn phát huy tinh thần trách nhiệm với công việc lãnh đạo đơn vị, phát huy tính tự giác trong đội ngũ giáo viên để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của trường và lãnh đạo chi bộ đạt trong sạch, vững mạnh tiêu biểu nhiều năm liền. Gương sáng của giáo viên Nguyễn Thị Hồng Vân, Trường THPT Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh), luôn quan tâm hỗ trợ, tận tình giúp đỡ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn cùng vươn lên học tốt. Biết một học sinh thuộc diện hộ nghèo vừa có người thân duy nhất qua đời, cô Vân đã đùm bọc, chăm sóc và động viên tinh thần để học sinh này vượt qua khủng hoảng tâm lý, phấn đấu học tập.

Bí thư Đảng ủy Sở GD-ĐT Lê Hồng Sơn cho biết, quy chế phối hợp đã góp phần tích cực trong việc thực hiện nhiệm vụ quan trọng là công tác xóa mù chữ và phổ cập giáo dục; đạt tỷ lệ lần lượt là 99,89% và 96,36%. Bên cạnh đó, nhờ có quy chế mà các trung tâm học tập cộng đồng được xây dựng và hình thành rộng khắp, đến nay có 320 trong số 322 phường, xã có trung tâm học tập cộng đồng, đạt tỷ lệ 99,7%. Đặc thù của công tác phổ cập, xóa mù chữ gắn với địa bàn khu dân cư, khu phố, xóm, ấp cho nên sự phối hợp mang lại hiệu quả thiết thực. Hoàn thành phổ cập đã khó thì việc duy trì các lớp phổ cập càng khó hơn, đòi hỏi sự cố gắng của cán bộ từ quận, huyện đến phường, xã, tổ dân phố và các giáo viên làm công tác giảng dạy phổ cập. Do đó, Sở đã đề xuất UBND thành phố hỗ trợ thêm kinh phí cho giáo viên, cán bộ làm công tác phổ cập ở các địa phương. Theo nhận xét xủa Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Hữu Hiệp, các Quận ủy, Huyện ủy ngày càng quan tâm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, xây dựng các đoàn thể chính trị tại các trường, các trung tâm. Số lượng đảng viên là cán bộ quản lý, giáo viên đã tăng lên đáng kể so với năm năm trước, với 2.547 trong số 10.719 giáo viên; 260 trong số 277 cán bộ ban giám hiệu (tỷ lệ 93,9%).

Thống kê cho thấy, trước khi có quy chế phối hợp, tỷ lệ phát triển đảng viên trong giáo viên đạt 20%, và hiện nay tỷ lệ phát triển đảng viên trong giáo viên là 28% (chỉ tiêu Nghị quyết đại hội là 25%). Lãnh đạo một số phòng GD-ĐT quận, huyện cũng nhận được sự chỉ đạo từ các Quận ủy, Huyện ủy về yêu cầu tỷ lệ này phải vượt chỉ tiêu 25%, thậm chí có nơi đặt yêu cầu tỷ lệ từ 30% đến 32%. Có quận, huyện chú trọng nâng cao trình độ lý luận chính trị trong đội ngũ, gắn với phong trào thi đua nhằm phát hiện nhân tố tích cực giới thiệu tạo nguồn cho công tác phát triển Đảng. Ngoài ra, ngành GD-ĐT cũng phối hợp quận, huyện trong phát triển đảng viên là học sinh. Số học sinh phát triển đảng những năm gần đây tăng; số trường có học sinh kết nạp được nâng lên. Cụ thể, từ năm 2013 đến nay, có 25 em được kết nạp Đảng trong trường học. Một số khó khăn trở ngại liên quan đến phát triển đảng trong học sinh đã được tháo gỡ. Ban Tổ chức Thành ủy có công văn hướng dẫn về xác định thời điểm tốt nghiệp THPT nhằm xác định thẩm quyền kết nạp Đảng đối với học sinh tốt nghiệp THPT, giúp các trường tiếp tục theo dõi, giúp đỡ học sinh, sinh viên trong diện phát triển Đảng trong giai đoạn hè để khi các em về đơn vị mới thì chuyển hồ sơ để đơn vị mới phát triển Đảng.

Từ những kết quả đạt được, Phó Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Võ Thị Dung yêu cầu: Thời gian tới, Sở GD-ĐT cần tăng cường phương pháp phối hợp, chủ động, linh hoạt để nâng cao chất lượng giáo dục; xây dựng các tổ chức đảng, đoàn thể cũng như lực lượng chính trị ở các trường ngoài công lập, trường dân lập nhằm tháo gỡ những khó khăn trong công tác phát triển đảng viên trong nhà trường. Bên cạnh nâng cao chất lượng giáo dục, phải quan tâm công tác đào tạo, giáo dục truyền thống, lý tưởng cho đội ngũ giáo viên, học sinh, nhất là các trường ở khu vực ngoại thành. Trong phối hợp quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng tổ chức đảng và đoàn thể, nhiều quận, huyện phải chủ động tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, nhằm tạo điều kiện phát triển đảng viên trong đội ngũ cán bộ quản lý ngành giáo dục, giáo viên và học sinh, sinh viên.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/34766202-tang-cuong-phat-trien-dang-trong-doi-ngu-nha-giao.html