Tăng cường phát hiện, phối hợp điều trị lao tiềm ẩn

Để đạt được chỉ tiêu kế hoạch năm 2020 và hướng đến mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Viết Nhung nhấn mạnh: 'Trong 6 tháng cuối năm 2020, các địa phương cần tăng cường phát hiện chủ động, sử dụng tối đa xe X-quang kỹ thuật số, phối hợp điều trị lao tiềm ẩn'.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Viết Nhung - Chủ nhiệm Chương trình chống lao quốc gia, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, cho biết: Việt Nam vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, đứng thứ 11 trong 30 nước có số người bệnh lao cao nhất trên toàn cầu, đồng thời đứng thứ 11 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới (báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới - WHO 2019).

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình chống lao quốc gia phát biểu tại buổi giao ban.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình chống lao quốc gia phát biểu tại buổi giao ban.

Thời gian qua, tác động của dịch Covid-19 lên toàn cầu và cả nước, ảnh hưởng tới tất cả các mặt của đời sống xã hội. Trong đó, ngành y tế nói chung và ngành lao nói riêng đều chịu các tác động không nhỏ, ảnh hưởng nặng nề đến công tác thường quy và các kế hoạch hoạt động trong năm 2020.

Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2020 việc tầm soát quản lí lao kháng đa thuốc (PMDT) với tổng số người được xét nghiệm Xpert MTB-Rif là 71.048, số bệnh nhân thu dung là 1.516, chỉ đạt 64,8% so với chỉ tiêu. Tỷ lệ bỏ điều trị tiếp tục ở mức cao (15,3%) và luôn ở mức cao trong các năm gần đây.

Tỷ lệ điều trị khỏi bệnh nhân lao phổi có bằng chứng vi khuẩn học mới và tái phát được duy trì ở mức cao (85,1%), đạt chỉ tiêu của Tổ chức y tế thế giới, tuy nhiên chưa đạt được mục tiêu Chương trình chống lao Quốc gia đã đề ra là hơn 90%.

Công tác chống lao trong trại giam còn nhiều khó khăn như: Thiếu nguồn nhân lực có chất lượng; chưa sử dụng hiệu quả trang thiết bị chẩn đoán và điều trị lao. Trong khi đó, tỷ lệ bệnh lao, lao kháng đa thuốc, HIV trong trại giam cao, công tác phát hiện còn thấp...

Theo Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng trong 6 tháng đầu năm 2020, hệ thống của Chương trình phòng chống lao quốc gia được áp dụng nhiều biện pháp để ứng phó với Covid-19 đồng thời tăng phát hiện bệnh lao. Đặc biệt bệnh viện có nhiều lớp tập huấn để các bác sĩ trong bệnh viện có thể “bảo vệ” bệnh viện an toàn. Hầu hết các bệnh viện phổi, chuyên khoa trên phạm vi toàn quốc chưa bị “thủng lưới” vì Covid-19.

Điều trị cho bệnh nhân lao tại Bệnh viện Phổi Trung ương.

“Rất may, chúng ta đã nhận diện được Covid-19 với bệnh lao. Bệnh lao và Covid-19 có rất nhiều điểm tương đồng như chung căn nguyên, sinh bệnh học, biểu hiện lâm sàng, hậu quả, đặc biệt là đường lây. Chính vì vậy, ngay từ đầu năm, Chương trình phòng chống lao Quốc gia đã đưa ra chủ đề: “Biến hiểm họa Covid-19 thành cơ hội để Việt Nam chấm dứt bệnh lao vào năm 2030”, Phó Giáo sư Nguyễn Viết Nhung cho biết thêm.

Đồng thời, các tỉnh thành cũng đã rất nỗ lực triển khai các hoạt động khi chấm dứt giai đoạn cách ly xã hội, với việc đạt 44,3% chỉ tiêu kế hoạch phát hiện cả năm (62,72/100.000 dân) và tỷ lệ phát hiện tất cả các bệnh nhân mới và tái phát 6 tháng đầu năm đạt 45,2% chỉ tiêu kế hoạch, đều là những con số rất đáng khích lệ đối với chương trinh.

Để đạt được chỉ tiêu kế hoạch năm 2020 và hướng đến mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030, Phó Giáo sư Nguyễn Viết Nhung nhấn mạnh, trong 6 tháng cuối năm 2020, các địa phương cần tăng cường phát hiện chủ động, sử dụng tối đa xe X-quang kỹ thuật số, phối hợp điều trị lao tiềm ẩn.

Chương trình tiếp tục duy trì triển khai các hoạt động thường quy và các lĩnh vực chuyên môn ưu tiên như lao kháng thuốc, lao trẻ em, lao/HIV, đẩy mạnh triển khai các can thiệp tích cực như phát hiện chủ động bệnh nhân lao cho các nhóm nguy cơ, cộng đồng dân cư tại các khu vực khó tiếp cận, tăng cường sàng lọc chẩn đoán, điều trị lao tiềm ẩn cho người tiếp xúc và các đối tượng nguy cơ, mở rộng triển khai kiểm soát lây nhiễm lao.

Ngoài ra, chương trình vẫn không ngừng nghiên cứu áp dụng các công nghệ mới, thuốc mới, tiếp cận mới trong phòng chống lao tại Việt Nam.

Minh Khuê - Hà My

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/tang-cuong-phat-hien-phoi-hop-dieu-tri-lao-tiem-an-111785.html