Tăng cường nhận thức của cộng đồng quốc tế về sóng thần

Sóng thần hiếm khi xảy ra, song những tàn phá mà thảm họa thiên nhiên này gây ra vô cùng to lớn. Các cộng đồng dân cư sinh sống ven biển là những thành phần dễ bị tổn thương nhất.

(Ảnh: UNESCO)

Hiện tượng sóng thần không có “biên giới”, nó có thể xảy ra bất kỳ nơi đâu. Đó là lý do vì sao hợp tác quốc tế là chìa khóa thiết yếu trong việc phòng, chống và ứng phó hiện tượng thiên nhiên cực đoan này, cũng như giảm thiểu các rủi ro liên quan cho các vùng ven biển.

Trong một cuộc họp tháng 12-2015, Đại hội đồng Liên hợp quốc lựa chọn ngày 5-11 là “Ngày Thế giới nhận thức về sóng thần”, nhằm thúc đẩy sự hiểu biết của cộng đồng quốc tế về sóng thần.

Mục tiêu của Ngày Thế giới nhận thức về sóng thần lần thứ ba là “giảm thiểu những tổn thất kinh tế do sóng thần gây ra từ nay cho đến năm 2030 theo các chỉ số GDP”, hướng tới các mục tiêu của Khung hành động toàn cầu Sendai về giảm thiểu rủi ro thiên tai.

Ủy ban Hải dương học Liên chính phủ (IOC) được thành lập hướng tới bốn mục tiêu lớn. Đó là nghiên cứu, phát triển các khung chỉ số về tình hình của đại dương (các chỉ số này có thể đánh giá khả năng phục hồi của hệ sinh thái, cũng như dự đoán hoặc phát hiện sớm bất kỳ thay đổi lớn nào như axit hóa, khử oxy hóa, mất đa dạng sinh học, ô nhiễm nhựa,…); cảnh báo kịp thời nhằm giảm thiểu các nguy cơ gây ra bởi sóng thần và các hiện tượng cực đoan liên quan đến mực nước biển; tăng cường khả năng chống chịu và ứng phó sóng thần thông qua trao đổi dữ liệu hải dương học và thông tin trên quy mô quốc tế; và nâng cao hiểu biết của cộng đồng trong công tác ứng phó với sóng thần.

Cơ quan liên chính phủ này phối hợp các cơ quan của mỗi quốc gia và khu vực, cảnh báo sớm các nguy cơ sóng thần và nâng cao nhận thức của cộng động về các chính sách và biện pháp hữu hiệu để giảm thiểu các tổn thất không đáng có về người và của tại mỗi địa phương. Các hệ thống cảnh báo rủi ro thiên tai này được triển khai tại các vùng biển ở Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương, Caribe, đông bắc Đại Tây Dương, Địa Trung Hải và các vùng biển lân cận, nhằm phát triển một mạng lưới thống nhất cung cấp thông tin và trao đổi dữ liệu về mặt vật lý, hóa học và sinh học của đại dương.

Hơn nữa, Ủy ban hướng tới mục đích nâng cao năng lực quản lý và quyết sách của các quốc gia thành viên trong các vấn đề liên quan tài nguyên biển và biến đổi khí hậu. Nó cũng nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững của môi trường biển, đặc biệt chú ý đến các nước đang phát triển. IOC cũng hỗ trợ các nước thành viên thông qua các chương trình giáo dục và các đợt tập huấn, sơ tán thường xuyên, nhắm cải thiện sự phối hợp, công tác chuẩn chuẩn bị và kiến thức hiểu biết về sóng thần cho các nhóm cộng đồng dân cư trên toàn thế giới.

Ngày 5-12-2017, Liên hợp quốc đã tuyên bố Thập kỷ về Khoa học biển vì sự phát triển bền vững (sau đây gọi tắt là Thập kỷ) là giai đoạn 2021-2030 nhằm huy động cộng đồng khoa học, các nhà hoạch định chính sách, giới kinh doanh tham gia một chương trình phối hợp nghiên cứu và đổi mới công nghệ, thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững 14 liên quan tới đại dương. Theo yêu cầu của Đại hội đồng Liên hợp quốc, IOC sẽ điều phối giai đoạn chuẩn bị của chương trình Thập kỷ này.

MINH DUYTheo: Unesco.org

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/tin-tuc/item/38167402-tang-cuong-nhan-thuc-cua-cong-dong-quoc-te-ve-song-than.html