Tăng cường nguồn nhân lực cho hợp tác xã nông nghiệp

Những năm qua, TP Hồ Chí Minh có nhiều giải pháp, ưu đãi thiết thực, nhưng đến nay các Hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) vẫn chưa thu hút được nguồn nhân lực chất lượng nhằm ổn định và đẩy mạnh loại hình kinh tế hợp tác phát triển như mong muốn.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), đến đầu tháng 10 năm nay, TP Hồ Chí Minh chỉ có 45 HTXNN đang hoạt động, với tổng diện tích đất sản xuất là 550 ha, bình quân mỗi HTXNN có khoảng 12,2 ha, với số vốn khoảng 5 tỷ đồng. Trong đó, có 21 HTXNN trực tiếp sản xuất, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản…, các HTX còn lại chỉ tổ chức thu mua, tiêu thụ sản phẩm của các thành viên và các hộ vệ tinh. Điều đáng chú ý, nguồn nhân lực có trình độ trong các HTXNN còn khá khiêm tốn. Trong tổng số 245 thành viên, có 101 lao động quản lý và 144 lao động chuyên môn, bình quân mỗi HTXNN có năm lao động. Số lao động đã qua đào tạo là 122 người, trong đó 59 người có trình độ đại học, 23 người cao đẳng và 40 người có trình độ trung cấp, chiếm gần 50% tổng số lao động đã qua đào tạo. Thu nhập của các cán bộ trong các HTXNN còn thấp, trung bình khoảng 3,5 - 5 triệu đồng/tháng, lợi nhuận khoảng hơn 400 triệu đồng/năm/HTX.

Theo Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Trần Ngọc Hổ, số HTXNN thành công rất ít. Chỉ vài HTX có bề dày kinh nghiệm, cơ sở vật chất và nguồn vốn như: HTX Chăn nuôi bò sữa Tân Thông Hội, HTX Tiên Phong chăn nuôi heo (Củ Chi), HTXNN Phước An (Bình Chánh) trồng rau sạch theo chuẩn VietGAP… là có chỗ đứng ổn định trên thị trường và thu hút được nguồn nhân lực khá tốt, còn lại vẫn đang mày mò định hướng và tìm lối ra cho sản phẩm của mình. Từ thực tế này cho thấy, hiệu quả kinh tế - xã hội mang lại từ các HTXNN là chưa rõ rệt và chưa xứng tầm với sự phát triển chung của nền kinh tế TP Hồ Chí Minh. Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế đã nhận định, hạn chế trên là do thiếu nguồn nhân lực cả về số lượng và chất lượng trong các HTXNN.

Để bù đắp khoảng trống này, ngay từ năm 2007, HĐND thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Nghị quyết số 07, về chính sách đầu tư hạ tầng nông nghiệp - nông thôn phục vụ chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp trên địa bàn, trong đó quy định hỗ trợ cán bộ có trình độ đại học về làm việc tại HTX là tám trăm nghìn đồng/tháng/người (mỗi HTX hai người). Đến tháng 8-2013, UBND thành phố Hồ Chí Minh lại ra Quyết định số 28, trong đó quy định hỗ trợ cán bộ có trình độ đại học về làm việc tại HTX là 1,2 triệu đồng/tháng và cao đẳng là tám trăm nghìn đồng/tháng/người… Trước đó, tháng 10-2012, UBND thành phố Hồ Chí Minh còn ra Quyết định số 5259, về hỗ trợ cơ sở vật chất ban đầu cho các HTXNN mới thành lập là 30 triệu đồng/tháng, sau đó từ năm 2015 lại điều chỉnh tăng lên 100 triệu đồng/HTX… Đồng thời, thành phố cũng đưa ra nhiều chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp kể cả ưu đãi về lãi suất đối với tổ chức, cá nhân vay vốn đầu tư thực hiện chương trình này. Tuy nhiên, sau nhiều năm thực hiện các chính sách nói trên, tình hình các HTXNN vẫn chưa thật sự khởi sắc, thậm chí có chiều hướng đi xuống, nhiều HTX phải sáp nhập vào các HTX lớn hơn để tồn tại. Nói về thu hút nguồn nhân lực, Chủ tịch Liên minh HTX thành phố Hồ Chí Minh Lê Thị Hoàng Yến thẳng thắn nhìn nhận, hầu hết những người “đứng mũi chịu sào” ở các HTXNN hiện nay đều là nông dân và đã trên 50 tuổi. Trong số này, chỉ khoảng 20% được đào tạo chuyên môn hoặc có trình độ đại học, cao đẳng, còn lại đều là “tay ngang”, tức đi lên bằng kinh nghiệm, đó là chưa nói nguồn vốn ít ỏi, sản phẩm làm ra lại không chen chân được vào thị trường, dẫn đến HTXNN vốn đã yếu, lại càng yếu hơn.

Đại diện HTXNN Phước An chia sẻ, khi mới thành lập, đơn vị chỉ có bảy người, với số vốn hơn 11 triệu đồng để trồng rau sạch theo chuẩn VietGAP trên 4,5 ha đất. Đến nay, HTX đã phát triển lên 62 thành viên, với 25,3 ha đất trồng rau sạch, mỗi ngày cung cấp khoảng sáu tấn rau, củ cho các siêu thị trong thành phố. “Sự phát triển kinh tế của HTX đã thấy rõ, nhưng tìm người có trình độ đại học, cao đẳng để cùng đảm đương quản lý phát triển HTX còn vất vả hơn cả tìm đầu ra cho mớ rau, con cá” - một cán bộ HTX này nói. Chia sẻ với chúng tôi, lãnh đạo HTX Bò sữa Tân Thông Hội cũng khẳng định dù có nhiều chính sách ưu đãi và mức lương từ 6 đến 7 triệu đồng/tháng, nhưng nhiều năm qua chỉ thu hút được vài lao động có trình độ đại học, cao đẳng. Nhiều chủ nhiệm HTX, rất tha thiết mời lao động trẻ, có trình độ chuyên môn, nhưng kết quả rất thấp, vì ngay cả con em xã viên cũng chọn làm việc trong các khu công nghiệp.

Để củng cố nguồn nhân lực cho các HTXNN, Liên minh HTX thành phố Hồ Chí Minh cho biết, tới đây công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực sẽ đi vào trọng tâm, tăng cường theo từng chuyên ngành các HTX, bảo đảm quản lý, điều hành hoạt động của HTX đúng hướng, có hiệu quả. Phó Chi cục Trưởng Phát triển nông thôn Hoàng Thị Mai (Sở NN-PTNT) cho rằng, để thu hút nguồn nhân lực trẻ, có trình độ trong các HTXNN, thành phố cần có chính sách đồng bộ, trước hết là tăng mức hỗ trợ lên ba triệu đồng, đối với người có trình độ đại học và hai triệu đồng đối với người có trình độ cao đẳng. Về lâu dài, các HTXNN cần chủ động, linh hoạt hơn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong đó đội ngũ cán bộ quản lý phải có trình độ, năng lực phù hợp, đáp ứng sự phát triển một cách ổn định, bền vững góp phần tạo công ăn việc làm, đầu ra cho nông sản của nông dân và tích cực trong việc xây dựng nông thôn mới.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/tphcm/tin-chung/item/31234302-tang-cuong-nguon-nhan-luc-cho-hop-tac-xa-nong-nghiep.html