Tăng cường ngăn chặn người nhập cảnh trái phép làm lây dịch COVID-19

Làm thế nào để chúng ta giữ vững thành quả chống dịch, bảo vệ phiên dậu của đất nước, để Việt Nam đón một cái Tết an lành, phóng viên Báo CAND đã có cuộc trò chuyện với đồng chí Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế xung quanh vấn đề này.

Một tháng qua, Việt Nam không có ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng, song nguy cơ lây dịch là rất đáng lo ngại khi còn có người nhập cảnh trái phép vào trong nước. Đại dịch COVID-19 đang cực kỳ phức tạp và khó lường trên thế giới, Việt Nam đã xuất hiện biến chủng mới của virus SARS-CoV từ Anh làm tăng tốc độ lây truyền lên 70%, Tết Nguyên đán đang đến gần, nhu cầu đi lại, thăm thân tăng cao, mối lo dịch trở lại rất hiện hữu.

Làm thế nào để chúng ta giữ vững thành quả chống dịch, bảo vệ phiên dậu của đất nước, để Việt Nam đón một cái Tết an lành, phóng viên Báo CAND đã có cuộc trò chuyện với đồng chí Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế xung quanh vấn đề này.

Phóng viên: Thưa đồng chí Thứ trưởng, ông đánh giá thế nào về nguy cơ lây dịch COVID-19 từ 9 người nhập cảnh trái phép từ Myanmar về vừa qua?

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên. Ảnh: VGP.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên. Ảnh: VGP.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên: Đây đều là các trường hợp nhập cảnh trái phép về Việt Nam qua đường mòn, lối mở. Khi phát hiện trường hợp nhập cảnh đầu tiên vào Vĩnh Long dương tính với SARS-CoV-2, ngành Y tế đã tiến hành ngay công tác truy vết, khoanh vùng để cách ly các F1, F2.

Tuy lời khai ban đầu của bệnh nhân (BN1440 –PV) có thay đổi, song lực lượng Công an cùng với ngành Y tế đã nhanh chóng truy vết và điều tra được các đối tượng đi cùng, mở rộng ra các địa bàn Đồng Tháp, TP Hồ Chí Minh, bước đầu xác định được 6 người nhập cảnh trái phép, đến nay đã có 4 người dương tính. Đến ngày 31-12-2020, tiếp tục xác định thêm 3 người đi cùng nhóm nhập cảnh trái phép này nữa, đã tìm được 1 phụ nữ ở TP Hồ Chí Minh và người này xét nghiệm âm tính lần 1.

Lực lượng CDC của các địa phương có liên quan đến số người này đã điều tra, xác định được các F1, F2, tiến hành cách ly và lấy mẫu xét nghiệm. Đến nay các mẫu đều âm tính, tạm thời chưa phát hiện thêm trường hợp nào nhiễm bệnh.

Tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn không thể chủ quan vì nguy cơ lây nhiễm từ nhóm người này vẫn còn khi các F1, F2 chưa hết 14 ngày cách ly, hoặc các địa điểm mà 9 người này đã từng di chuyển chúng ta chưa tìm thấy hết người tiếp xúc, vẫn tiếp tục truy vết. Vậy nên, người dân không được lơ là phòng dịch, đặc biệt người dân ở các địa phương mà nhóm người này đi đến, hãy thực hiện theo Thông điệp 5K của Bộ Y tế, đó là: Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách - Không thập trung – Khai báo y tế.

Phóng viên: Tình hình dịch COVID-19 đang rất phức tạp, nếu vẫn tiếp tục có người nhập cảnh trái phép như các trường hợp trên mà không kịp thời được phát hiện, thì nguy cơ sẽ ra sao, thưa Thứ trưởng? Ông có những cảnh báo gì khi Tết đang cận kề?

Công an tỉnh An Giang phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với lực lượng Biên phòng tuần tra, kiểm soát ngăn chặn tình trạng nhập cảnh trái phép. (Ảnh Trần Lĩnh)

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên: Tuy hiện nay chúng ta không có ca mắc trong cộng đồng, nhưng ngành Y tế luôn xác định, nguy cơ dịch xâm nhập dịch từ bên ngoài vào rất lớn, cả từ người nhập cảnh hợp pháp và người nhập cảnh trái phép. Với người nhập cảnh hợp pháp, nếu họ không tuân thủ đúng quy định cách ly, dịch sẽ lây nhiễm chéo trong khu cách ly, hoặc lọt ra cộng đồng. Đặc biệt là những người cách ly tại nhà, tại khách sạn, nếu không được giám sát chặt chẽ, người cách ly không tuân thủ thì rất dễ lây bệnh cho người xung quanh. Còn người nhập cảnh trái phép, chỉ cần 1 người mang mầm bệnh vào cộng đồng mà chúng ta không biết thì rất nguy hiểm.

Người mang mầm bệnh tiếp xúc với nhiều người, rất dễ lây lan theo cấp số nhân, cuối cùng là dịch bùng phát. Đến lúc đó, hệ thống y tế phải chạy theo để điều tra dịch tễ, truy vết rất vất vả, công tác khoanh vùng cũng rất khó khăn. Đây là hậu quả khôn lường nếu mầm bệnh lây lan vào cơ sở y tế, nơi có nhiều bệnh nhân nặng điều trị.

Nhóm người nhập cảnh trái phép vào nước ta vừa qua là một cảnh báo sâu sắc để chúng ta phải tăng cường phát hiện, ngăn chặn và kiểm soát người nhập cảnh trái phép lên cấp độ cao hơn. Hệ thống y tế, chính quyền địa phương, Ban Chỉ đạo chống dịch của nhiều tỉnh, thành trong những ngày qua phải huy động nhân lực, tiền của vào truy vết, chống dịch, chưa kể còn liên lụy đến bao nhiêu người trong cộng đồng phải cách ly.

Công an tỉnh Vĩnh Long đã khởi tố vụ án “Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” liên quan đến bệnh nhân 1440. Thế nên, chúng ta phải tăng cường tuyên truyền để người có ý định nhập cảnh trái phép cần nhận thức rõ hậu quả và trách nhiệm của mình, để từ bỏ ý định về nước bằng con đường bất hợp pháp.

Phóng viên: Nhu cầu đi lại, thăm thân của người dân từ nay đến Tết rất cao, đặc biệt người Việt ở nước ngoài muốn về quê ăn Tết, sẽ làm gia tăng tình hình phức tạp về nhập cảnh trái phép, gây nguy cơ lây dịch COVID-19. Xin Thứ trưởng cho biết, làm thế nào để chúng ta ngăn chặn tình trạng này?

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên: Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 ngày 31/12/2020, Thường trực Ban Chỉ đạo đã phân tích và nhận định, có hai loại đối tượng nhập cảnh trái phép. Thứ nhất là người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam thường theo các đường dây có tổ chức. Thứ hai là người Việt Nam nhập cảnh trái phép nhưng do sợ cách ly, chưa nhận thức hết được sự nguy hiểm của dịch bệnh. Vì vậy, nếu để lọt người nhập cảnh mang mầm bệnh vào trong nước là hết sức quan ngại trong tình hình hiện nay.

Để ngăn chặn tình trạng xuất nhập cảnh trái phép, trước tiên là lực lượng chốt chặn ở tuyến biên giới. Từ đầu năm 2020, Bộ đội Biên phòng đã triển khai 1.600 tổ chốt ở các tuyến biên giới, vào trong nội địa có lực lượng Công an kiểm soát. Vì vậy, từ nay đến Tết, các lực lượng này cần tiếp tục duy trì và bố trí thêm lực lượng tuần tra kiểm soát ở tuyến biên giới, đặc biệt là đường mòn, lối mở của biên giới phía Bắc, Tây Nam để kịp thời phát hiện, ngăn chặn người nhập cảnh trái phép, hoặc các đường dây, ổ nhóm đưa người xuất nhập cảnh trái phép.

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các địa phương có tuyến biên giới đường bộ, tuyến đường biển cũng phải tăng cường trách nhiệm lên cao hơn nữa, tuyên truyền đến mọi gia đình có những người thân ở nước ngoài, nếu có nhu cầu về nước phải theo con đường chính thống, hợp pháp, thực hiện nghiêm các biện pháp cách ly, không thể vì ngại cách ly mà gây nguy hiểm cho cộng đồng.

Việc tuyên truyền, vận động từ trong nước là rất quan trọng, để người ở nước ngoài đang có ý định về nước bằng con đường trái phép nhận thức được rõ hậu quả và trách nhiệm của mình khi làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng. Biện pháp này sẽ góp phần hiệu quả vào ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập, đồng thời nếu người dân không phối hợp sẽ gián tiếp gây ảnh hưởng không tốt tới công tác phòng chống dịch của chúng ta.

Phóng viên: Thưa Thứ trưởng, ngành Y tế đã triển khai đợt cao điểm phòng chống dịch với mục tiêu không để lây lan COVID-19 ra cộng đồng, đảm bảo cho người dân đón Tết an lành. Vậy, đến nay đã triển khai ra sao và ông có những khuyến cáo gì cho người dân lúc này?

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên: Bắt đầu từ ngày 23/12/2020, Bộ Y tế triển khai đợt cao điểm phòng chống dịch COVID-19 để đảm bảo cho người dân được đón Tết an toàn. Toàn ngành Y tế đặt công tác chống dịch lên cao nhất, đảm bảo giữ được thành quả, với mục tiêu không để lây COVID-19 trong cộng đồng. Không chỉ ngành Y tế mà từ nay đến Tết Nguyên đán, các địa phương, các lực lượng tuyến đầu cũng tăng cường đảm bảo phòng chống dịch lên mức cao nhất.

Ngành Y tế đã chuẩn bị kịch bản ứng phó với tất cả các tình huống, đặc biệt là tình huống xấu, bất ngờ. Bộ Y tế chỉ đạo Sở Y tế các địa phương luôn chuẩn bị cho tình huống xấu vì không biết COVID-19 xuất hiện ở đâu, lúc nào, trong lúc này phải tăng cường chuẩn bị, tập huấn cho nhân viên y tế lấy mẫu trên diện rộng. Việc lấy mẫu nhanh thì mới đẩy nhanh công suất xét nghiệm, sớm sàng lọc phát hiện ca bệnh, cách ly và điều trị.

Thứ hai là phải đảm bảo cơ sở điều trị trong trường hợp có COVID-19. Trong cuộc họp trực tuyến với Sở Y tế 63 tỉnh, thành mới đây, lãnh đạo Bộ Y tế đã đề nghị các địa phương phải có kịch bản khoanh vùng, cách ly nếu phát hiện trường hợp COVID-19 trong cơ sở y tế. Nếu không chuẩn bị kịch bản kỹ lưỡng, khi dịch xảy ra sẽ bị cuống. Đặc biệt, với những tỉnh chỉ có 1 đến 2 bệnh viện, phải chuẩn bị sẵn sàng phương án chuyển bệnh nhân đi đâu điều trị nếu bệnh viện bị phong tỏa. Chúng ta chuẩn bị tốt kịch bản, khi có dịch sẽ ứng phó được, bởi nếu dịch xảy ra cùng lúc tại nhiều địa phương, Bộ Y tế không đủ người để chi viện cho từng địa phương được.

Bộ Y tế xác định, nguy cơ ca COVID-19 đầu tiên sẽ phát hiện trong bệnh viện, vì vậy Bộ luôn quan tâm đến việc đầu tư, tăng cường năng lực xét nghiệm các trường hợp có biểu hiện nghi ngờ tại các cơ sở y tế. Thời điểm này nhiều bệnh lây qua đường hô hấp, có triệu chứng giống COVID-19, nên Bộ chỉ đạo tất cả những trường hợp này vào viện phải xét nghiệm, trường hợp nào được BHYT chi trả thì bệnh viện vận dụng để có lợi cho người dân. Chúng tôi xác định, cơ sở y tế phải coi đây là ưu tiên trọng tâm từ nay tới cuối năm, đặt công tác phòng, chống dịch lên một mức cao nhất.

Thứ ba, chúng ta tiếp tục huy động sự vào cuộc của cộng đồng, tăng cường giáo dục, khuyến cáo người dân thực hiện Thông điệp 5K. Lúc này, phòng dịch là quan trọng nhất, nên người dân không được lơ là, chủ quan. Các địa phương phải hết sức chú ý và tuân thủ hướng dẫn tạm thời giám sát người nhập cảnh và hướng dẫn cách ly tập trung, tại nhà, nơi lưu trú của Bộ Y tế.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí.

Trần Hằng (thực hiện)

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/van-de-hom-nay-thoi-su/tang-cuong-ngan-chan-nguoi-nhap-canh-trai-phep-lam-lay-dich-covid-19-626058/