Tăng cường năng lực thương mại điện tử cho doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong ASEAN

Ngày 26 - 27/9, trong khuôn khổ hợp tác ASEAN - Hàn Quốc, Bộ Công Thương đã tổ chức 'Hội thảo xây dựng năng lực ASEAN về phát triển doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) do phụ nữ làm chủ thông qua thương mại điện tử'.

Hiện nay, ASEAN đã xây dựng một kế hoạch dành riêng cho các MSMEs nhằm thúc đẩy ứng dụng công nghệ đột phá và nắm lấy các cơ hội để tiến tới một ASEAN số thông qua các hoạt động hợp tác. Trong đó nhấn mạnh tiềm năng của các doanh nghiệp ở Đông Nam Á với tư cách là động lực chính của nền kinh tế ASEAN bằng cách tận dụng sự đổi mới và công nghệ. Điều này phù hợp với chủ đề của năm ASEAN 2019 “Đẩy mạnh quan hệ đối tác vì sự bền vững” và với một trong ba động lực chiến lược quan trọng “ASEAN sẵn sàng cho cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ tư”.

Các quốc gia ASEAN đang ở các mức độ sẵn sàng khác nhau để chuẩn bị cho nền kinh tế số và Công nghiệp 4.0. Xây dựng hệ sinh thái MSMEs trong ASEAN đòi hỏi phải tái đầu tư liên tục để tối đa hóa tiềm năng số, nhằm thúc đẩy thương mại và tăng trưởng nội khối. Từ đó cho phép ASEAN cạnh tranh toàn cầu hiệu quả hơn như một khối kinh tế hội nhập thống nhất. MSMEs số hóa sẽ thúc đẩy cơ hội bình đẳng cho các nhóm dễ bị tổn thương như phụ nữ, doanh nhân trẻ và cộng đồng nghèo.

Theo thống kê, các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong ASEAN đóng góp rất lớn cho an sinh xã hội, cộng đồng và các nền kinh tế khu vực bởi chúng chiếm tới 99% số cơ sở kinh doanh, đóng góp hơn 50% GDP của ASEAN và sử dụng hơn 80% lực lượng lao động. Như vậy MSMEs đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp việc làm và ổn định xã hội trong khu vực.

Trong kỷ nguyên số, quy mô của một doanh nghiệp không phải là yếu tố chính quyết định thành công, các doanh nghiệp siêu nhỏ có thể vươn lên để nắm bắt các cơ hội tương tự như các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nếu không muốn nói là cao hơn.

Tuy nhiên, trong khi các MSMEs xem hội nhập số là một cơ hội để phát triển, họ cũng phải đối mặt với nhiều rào cản khi ứng dụng công nghệ. Các rào cản được xác định bao gồm quyền tiếp cận hạn chế vào Internet và các công cụ số giá cả phải chăng, các tùy chọn thanh toán xuyên biên giới, quy trình thương mại xuyên biên giới phức tạp, thiếu các kỹ năng số và khó khăn trong việc điều hướng các quy định kỹ thuật số và khởi nghiệp kinh doanh.

Chính vì thế, trong khuôn khổ hợp tác ASEAN - Hàn Quốc, Vụ Thương mại Đa biên, Bộ Công Thương đã tổ chức “Hội thảo xây dựng năng lực ASEAN về Phát triển MSMEs do phụ nữ làm chủ thông qua thương mại điện tử”.

Mục tiêu của hội thảo nhằm trang bị kiến thức cho các MSMEs do phụ nữ làm chủ về sử dụng thương mại điện tử để phát triển thành công doanh nghiệp của mình và tham gia trong chuỗi giá trị khu vực bằng việc: chia sẻ kinh nghiệm và thực tiễn tốt của Hàn Quốc và các thành viên ASEAN trong sử dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử để tham gia chuỗi giá trị khu vực. Từ đó, kết nối MSMEs do phụ nữ làm chủ, chuyên gia từ các hiệp hội trong khu vực và các tổ chức hỗ trợ hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Thu Hà

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tang-cuong-nang-luc-thuong-mai-dien-tu-cho-doanh-nghiep-sieu-nho-nho-va-vua-trong-asean-125788.html