Tăng cường miễn dịch cộng đồng, ngăn Covid-19

Tổng thống Indonesia Joko Widodo vừa tuyên bố quốc gia Đông Nam Á này đang bước vào giai đoạn chuyển tiếp từ đại dịch Covid-19 sang bệnh đặc hữu.

Phát biểu tại cuộc họp quốc gia về chuyển tiếp xử lý dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế, Tổng thống Joko Widodo kêu gọi các quan chức nhà nước đặc biệt lưu ý đến việc ban hành các chính sách liên quan đến kinh tế, đồng thời thông báo rằng tăng trưởng kinh tế đã đạt 5,72% trong quý 4 và 5,3% trong cả năm 2022. Những tháng gần đây, Chính phủ Indonesia đã nỗ lực tăng cường miễn dịch cộng đồng và giảm thiểu rủi ro cho những người bị phơi nhiễm thông qua việc đẩy mạnh chương trình tiêm chủng vaccine Covid-19.

Hơn thế nữa, với tình hình phòng chống dịch Covid-19 tiếp tục được cải thiện, Bộ trưởng Bộ Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin cho biết sẽ tham khảo ý kiến của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về khả năng dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng của nước này. Theo Jakarta Post, ông Budi thông báo sẽ tổ chức một cuộc họp với lãnh đạo WHO vào tháng 3 để thảo luận về vấn đề này. Theo ông Budi, có những quốc gia đang ở trong tình trạng tệ hơn Indonesia, nhưng nhiều quốc gia khác đã quyết định rằng đại dịch đã được kiểm soát. Vì vậy, Indonesia sẽ đi từng bước trước khi tuyên bố Covid-19 là bệnh đặc hữu.

Vào tháng 10-2022, Tổng thống Joko Widodo đã ra lệnh cho ông Budi bắt đầu quá trình tham vấn với WHO. Tổng thống đã yêu cầu Indonesia thực hiện các bước để giảm bớt một số hạn chế về dịch Covid-19 dựa trên các hướng dẫn do WHO cung cấp. Indonesia từng là một trong các điểm nóng ở châu Á về dịch Covid-19.

Cho đến nay, WHO vẫn chưa tuyên bố chấm dứt Tình trạng khẩn cấp y tế công cộng quốc tế (PHEIC) do Covid-19 gây ra. PHEIC do Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus ban hành ngày 30-1-2020. Các ủy ban chuyên môn của WHO đang đánh giá về diễn tiến và dự báo tình hình Covid-19 sắp tới để WHO có thể quyết định về PHEIC. Tuy nhiên, theo phát biểu của ông Tedros hôm 24-1, hiện chưa phải là thời điểm chấm dứt PHEIC, vì số người chết do Covid-19 vẫn gia tăng trên toàn cầu.

Còn ở Nhật Bản, ngày 27-1, Hội đồng chuyên gia của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW) đã nhất trí hạ cấp dịch Covid-19 xuống ngang với dịch cúm mùa. Quyết định này sẽ có hiệu lực từ ngày 8-5, tức là ngay sau kỳ nghỉ “Tuần lễ vàng” ở nước này. Tại Nhật Bản, các bệnh truyền nhiễm được phân thành 5 nhóm, trong đó các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất như dịch hạch và Ebola được xếp vào nhóm 1.

Các nhóm sau đó có mức độ nguy hiểm giảm dần, chẳng hạn nhóm 2 có bệnh lao, nhóm 3 có dịch tả, nhóm 4 có sốt vàng da và nhóm 5 có bệnh cúm mùa. Riêng dịch Covid-19 thuộc danh mục “cúm mới và các bệnh khác” nằm ngoài 5 nhóm trên. Nếu dịch Covid-19 được đưa vào nhóm 5, tương đương với cúm mùa, đây sẽ là một thay đổi mang tính bước ngoặt hướng tới việc bình thường hóa các hoạt động kinh tế - xã hội ở Nhật Bản.

QUỐC LÊ

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/tang-cuong-mien-dich-cong-dong-ngan-covid-19-post676852.html