Tăng cường liên kết, thúc đẩy phát triển bền vững ngành lúa gạo Việt Nam

Chiều 2-11, tại TP Cần Thơ, Thời báo Kinh tế Việt Nam phối hợp Hiệp hội Lương thực Việt Nam tổ chức hội thảo 'Sản xuất và xuất khẩu gạo Việt Nam trong giai đoạn mới'. Hội thảo nhằm giúp các đơn vị, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước, nhất là các địa phương vùng ĐBSCL nhận diện những thuận lợi, khó khăn, thách thức và có giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất, tiêu thụ lúa gạo thời gian tới.

Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thành Thống tham gia phát biểu tại hội thảo.

Dự và phát biểu tại hội thảo, ông Võ Thành Thống, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, nhấn mạnh, thành phố đang tập trung xây dựng vùng lúa chất lượng cao, liên kết theo cánh đồng lớn. Phấn đấu đến năm 2020, diện tích đất lúa là 81.688ha, trong đó đất chuyên trồng lúa, cần được bảo vệ nghiêm ngặt là 76.230ha và mở rộng diện tích lúa liên kết theo cánh đồng lớn đạt bình quân 40.000ha/vụ. Thành phố đẩy mạnh ứng dụng chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân, xây dựng nhân rộng mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP, đưa diện tích sử dụng giống lúa chất lượng cao đạt trên 95% vào năm 2020. Nông dân tham gia cánh đồng lớn được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn thị trường, góp phần tăng thêm lợi nhuận, phát triển sản xuất gắn bảo vệ môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu.

Các đại biểu tham dự hội thảo.

Đại biểu tham gia phát biểu, đặt câu hỏi thảo luận tại hội thảo.

Xuất khẩu gạo của nước ta trong những năm gần đây đã đạt được kết quả rất tích cực cả về lượng và giá xuất khẩu, cũng như cơ cấu chủng loại xuất khẩu được đa dạng và tăng được tỷ lệ xuất khẩu các loại gạo nếp, gạo trắng cao cấp và gạo thơm. Hằng năm, lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam chiếm khoảng 15% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn thế giới và gạo Việt Nam đã có mặt tại hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có nhiều thị trường khó tính. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia và diễn giả tại hội thảo, cơ hội để Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu và nâng cao giá trị gia tăng cho hạt gạo là rất lớn khi nhiều thị trường mới được mở và nhu cầu nhập khẩu gạo tại nhiều nước trên thế giới cũng tăng, nhất là thị trường Trung Quốc. Song song đó, thể chế, chính sách xuất khẩu gạo cũng được quan tâm cải cách theo hướng tự do hóa, phù hợp với quy định của quốc tế.

Các diễn giả tham gia thảo luận tại phiên thảo thuận thứ 1 của hội thảo, với chủ đề xu hướng chuyển động của thị trường tiêu thụ lúa gạo.

Các diễn giả tham gia thảo luận tại phiên thảo thuận thứ 2 của hội thảo, với chủ đề sản xuất lúa gạo theo hướng bền vững.

Tuy nhiên, xuất khẩu gạo của nước ta cũng được dự báo sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do sự cạnh tranh ngày càng cao và các nước gia tăng rào cản để hạn chế nhập khẩu gạo, tăng năng lực sản xuất gạo trong nước. Bên cạnh đó là ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thiên tai và nhiều loại dịch hại diễn biến phức tạp… Để thúc đẩy sản xuất và phát triển xuất khẩu lúa gạo bền vững, nhiều chuyên gia cho rằng, cần tăng cường liên kết giữa các bên liên quan trong chuỗi giá trị ngành gạo để phát triển sản xuất lúa gạo theo quy mô hàng hóa lớn, đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm đáp ứng các yêu cầu của thị trường và đảm bảo ký được các hợp đồng xuất khẩu giá cao. Đặc biệt, nông dân phải liên kết với nhau và với doanh nghiệp mới khắc phục được trình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, gây khó cho việc đẩy mạnh cơ giới hóa và ứng dụng đồng bộ tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để giảm giá thành, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm…

Tin, ảnh: Khánh Trung

Nguồn Cần Thơ: http://baocantho.com.vn/tang-cuong-lien-ket-thuc-day-phat-trien-ben-vung-nganh-lua-gao-viet-nam-a103378.html