Tăng cường kiểm tra trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm

Ngày 23/4, Đoàn kiểm tra liên ngành Trung ương số 4 do Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), Bộ Công Thương chủ trì đã kiểm tra một số đơn vị sản xuất kinh doanh thực phẩm trên địa bàn Hà Nội và có buổi làm việc với Ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) TP. Hà Nội.

Nhiều hoạt động kiểm soát thị trường trong tháng VSATTP

Tại buổi làm việc, ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP. Hà Nội đã báo cáo kết quả mà Hà Nội đạt được trong công tác đảm bảo ATTP trong 4 tháng đầu năm và đặc biệt trong Tháng hành động vì ATTP.

Đoàn kiểm tra liên ngành Trung ương số 4 do Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT- ông Trần Hữu Linh - làm việc với Ban chỉ đạo liên ngành VSATTP Hà Nội

Đoàn kiểm tra liên ngành Trung ương số 4 do Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT- ông Trần Hữu Linh - làm việc với Ban chỉ đạo liên ngành VSATTP Hà Nội

Thực hiện Kế hoạch số 210 /KH-BCĐTƯVSATTP ngày 4/3/2019 của Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về VSATTP trong công tác triển khai “Tháng hành động vì ATTP” năm 2019, UBND TP. Hà Nội đã khẩn trương chỉ đạo các sở ngành đoàn thể thành phố và UBND các quận, huyện thị xã triển khai các hoạt động với chủ đề “Nói không với thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”.

Theo đó, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 88/KH-UBND ngày 8/4/2019 về triển khai “Tháng hành động vì ATTP” năm 2019; thành lập Đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành công tác ATTP trong đó Công Thương chủ trì 01 đoàn, Cục QLTT 01 đoàn; Y tế chủ trì: 01 đoàn; Nông nghiệp: 01 đoàn và thành lập các đoàn kiểm tra chuyên ngành về ATTP theo chức năng nhiệm vụ của từng ngành.

Đến nay, các đoàn đã kiểm tra 3.218 cơ sở, trong đó số cơ sở đạt 2.651 cơ sở chiếm tỷ lệ 82,4%. Tổng số cơ sở vi phạm: 567 cơ sở, trong đó có 50 cơ sở bị xử lý vi phạm hành chính với số tiền phạt là 660.892.625 đồng.

Riêng đoàn thanh tra, kiểm tra chuyên ngành của Chi cục ATVSTP và thanh tra Sở Y tế đã thanh, kiểm tra: 21 cơ sở, kiểm tra 15 cơ sở sản xuất nước uống đóng chai, nước đá dùng liền. Thanh tra 6 bếp ăn tập thể các trường THCS. Kết quả cho thấy, 5/21 cơ sở không đạt, cụ thể: 2/15 cơ sở nước uống đóng chai không đạt, 3/6 bếp ăn tập thể không đạt.

Đối với tuyến quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn: 30/30 quận, huyện, thị xã và 584/584 xã, phường, thị trấn đã xây dựng và tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch "Tháng hành động vì ATTP" trên địa bàn, thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành ATTP tuyến quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn.

Theo đó các đoàn liên ngành quận, huyện, thị xã cũng đã kiểm tra được 3.186 cơ sở, trong đó số cơ sở đạt 2.673, chiếm tỷ lệ 83,9%. Số cơ sở vi phạm là 513 cơ sở và 375 cơ sở vi phạm hành chính, phạt tiền 1.540.216.000 đồng. Số cơ sở bị tiêu hủy sản phẩm là 82 cơ sở, số sản phẩm bị tiêu hủy: Gia cầm lông: 9 con (21kg), 5kg sản phẩm gia cẩm; 20 con gà; 23 lọ sốt cà chua; 10kg giò; 44kg cá đông lạnh; 8kg thịt bò Mỹ đông lạnh; 20kg thịt lợn, số cơ sở bị đóng cửa là: 11 cơ sở, nhắc nhở 657 cơ sở.

Trong quá trình thanh kiểm tra, các đoàn đã xét nghiệm nhanh: 6.292 mẫu, trong đó số mẫu đạt: 5.415 mẫu đạt (tỉ lệ 86,7%).

Song song với công tác kiểm tra, công tác tuyên truyền cũng được đảm bảo đẩy mạnh. Sở Công Thương Hà Nội đã tổ chức 1 lớp tập huấn phổ biến kiến thức ATTP tại huyện Gia Lâm (ngày 2/5/2018); 1 lớp tập huấn cho các cơ sở kinh doanh thực phẩm (ngày 11/5/2018); Tổ chức hội nghị triển khai thực hiện Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ (ngày 17/5/2018) cho cán bộ các phòng chuyên môn có liên quan thuộc sở, cán bộ phòng kinh tế các quận/huyện/thị xã, cán bộ công chức các đội quản lý thị trường, các doanh nghiệp sản xuất/kinh doanh thực phẩm trên địa bàn.

Đoàn kiểm tra làm việc với UBND huyện Mê Linh, Hà Nội

Sở NN&PTNT tổ chức 1 lớp tập huấn cho người sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản về các quy định, điều kiện, thực hành đảm bảo ATTP, áp dụng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến GMP, HACCP…

Ngoài ra, các đơn vị cũng phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tổ chức chiến dịch truyền thông đưa các tin hoạt động về ATTP trong Tháng hành động.

Ghi nhận những kết quả đạt được, ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục QTTL đánh giá cao những hoạt động công tác mà Ban chỉ đạo liên ngành về VSATTP Hà Nội đã triển khai, đồng bộ, đầy đủ trên nhiều phương diện trong Tháng hành động và trong 4 tháng đầu năm nay.

Những kiến nghị từ thực tế

Ông Trần Hữu Linh nhấn mạnh, năm 2019, lực lượng QLTT tập trung vào 2 lĩnh vực thanh kiểm tra chính: hàng giả hàng nhái, hàng kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ và an toàn thực phẩm. Lực lượng QLTT định hướng triển khai nhiệm vụ ATTP là công tác QLTT phải tham gia sâu, đặc biệt theo tuyến, Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương, địa phương, Ban chỉ đạo 389 các tỉnh thành phố… Chính vì thế, Tổng cục trưởng cũng mong muốn địa phương có nhiều ý kiến chia sẻ, đóng góp, kiến nghị những khó khăn vướng mắc trong công tác kiểm tra kiểm soát thực hiện.

Đồng chí Lê Đắc Lộc, Phó Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội cho biết, hiện nay, chỉ riêng đối với Cục QLTT Hà Nội, mỗi đội phải kiểm tra 2 vụ việc ATTP trong tuần, 30 đội là 60 vụ mỗi tuần. Công tác kiểm tra này được lực lượng thực hiện liên tục cùng với Sở Công Thương và các cơ quan chức năng có liên quan, không chỉ riêng trong tháng cao điểm. Nhờ đó, những năm gần đây, hoạt động sản xuất kinh doanh thực phẩm đã có chiều hướng đi vào nề nếp, sản phẩm cơ bản đã đạt được quy chuẩn, chất lượng nâng cao. Chính vì thế, theo ông Lộc, hiện nay “để đảm bảo ATTP nhiệm vụ chính vẫn là phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát, nhưng trong đó phải đặc biệt đẩy mạnh công tác tuyên truyền từ doanh nghiệp sản xuất đến người tiêu dùng”.

Tuy nhiên, cần có các giải pháp khác biệt trong từng năm như, đơn cử năm nay, chủ đề của Tháng ATTP là “Nói không với thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng" thì bảo vệ người tiêu dùng chính là một kênh để từ đó tuyên truyền, xử lý.

Trên thực tế hiện nay, người tiêu dùng vẫn thường có tâm lý "ngại" báo cáo sự việc hành vi vi phạm thực phẩm bẩn, không an toàn, hoặc có khi báo cáo không đủ hồ sơ chứng cứ, hoặc báo cáo chưa chính xác… nên cần một kênh tuyên truyền xác minh thông tin, và phải có một tiêu chuẩn để khi nhận được thông tin thì lực lượng chức năng quay trở lại làm việc kiểm tra có hiệu quả hơn. “Phải hướng dẫn người dân nhận biết, tuyên truyền, phản ánh đúng đủ. Chỉ riêng Hà Nội với xấp xỉ 10 triệu người tiêu dùng sẽ là một kênh nhận diện và tuyên truyền vô cùng hữu ích cho công tác đảm bảo VSATTP” - ông Lộc khẳng định.

Ngoài ra, ông Tạ Văn Tường cũng kiến nghị Tổng cục QLTT tham mưu với Ban chỉ đạo Trung ương về các quy định vướng mắc trong việc hậu kiểm theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết Luật ATTP. Mặc dù đã có những quy định tạo điều kiện thuận lợi cho người sản xuất - kinh doanh, giảm bớt thủ tục hành chính, doanh nghiệp tự công bố sản phẩm và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật... Tuy nhiên, trong quá trình triển khai Nghị định 15, còn một số vướng mắc. Đơn cử, như tại Điều 37, 38, 39 quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm của các bộ, theo đó, Bộ Y tế là cơ quan quy định về mức giới hạn an toàn đối với nhóm sản phẩm; Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương chỉ là cơ quan xây dựng mức giới hạn an toàn thực phẩm. Thực tế, công tác kiểm tra, đặc biệt là kiểm tra sơ chế kinh doanh thủy sản cho thấy việc sử dụng chất bảo quản đưa tạp chất vào thủy sản có diễn biến phức tạp. Nhiều chất kháng sinh cấm sử dụng trong chăn nuôi thủy, hải sản được quy định tại một số thông tư của Bộ NN&PTNT song không có trong văn bản của Bộ Y tế... Điều này gây khó khăn khi xử lý vi phạm.

Bên cạnh đó, ông Tường cũng cho rằng, với quy trình tự sản xuất, tự công bố, rất cần các kênh thông tin phản ánh từ chính người dân. Bởi nếu các đơn vị kiểm tra doanh nghiệp 1- 2 lần thì khó có thể đảm bảo triệt để được ATTP.

Đại diện lực lượng Cảnh sát môi trường, Công an TP. Hà Nội cho biết, thời gian qua, lực lượng cảnh sát môi trường cùng các phòng ban liên quan liên tục yêu cầu các quận huyện có báo cáo về công tác đấu tranh phòng ngừa về ATTP, báo cáo hàng tuần, hàng tháng. Đặc biệt, riêng địa bàn Hà Nội, lực lượng cảnh sát môi trường yêu cầu có báo cáo của từng quận huyện về các hộ kinh doanh ăn uống đường phố - một trong những điểm nóng về ATTP. Từ đó, thường xuyên tăng cường giám sát, xử phạt những hành vi vi phạm.

Công tác phối hợp với lực lượng chức năng như Cảnh sát kinh tế, Chi cục Thú y (Sở NN&PTNT), QLTT... kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh và bắt giữ hàng hóa nhập lậu vận chuyển từ các tỉnh biên giới về địa bàn Hà Nội. Như mới đây nhất, đội 6 phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an thành phố phối hợp đội Cảnh sát giao thông số 15 và đội QLTT số 17, Cục QLTT Hà Nội đã phát hiện vụ vận chuyển hơn 3,5 tấn bánh kẹo và 2 tấn đồ chơi trẻ em không rõ nguồn gốc.

Nhưng phần lớn các lực lượng chức năng cũng đều đang vướng mắc trong vấn đề thiếu kho bãi lưu trữ và đặc biệt là kinh phí để giám định các sản phẩm thực phẩm. Trong khi đó, theo điểm mới của Nghị định 15, doanh nghiệp tự công bố các quy chuẩn kỹ thuật, vì thế khi hậu kiểm để xác định được các chỉ tiêu kiểm nghiệm là rất khó, lực lượng chức năng thiếu một quy chuẩn chung nhất định để áp dụng. Như vậy, dù quy định mở nhưng vẫn gây kẽ hở cho công tác quản lý.

Trước những kiến nghị của Ban chỉ đạo liên ngành về VSATTP Hà Nội, Tổng cục QLTT đã ghi nhận và sẽ có những ý kiến tham mưu, trao đổi với Chính phủ và các Bộ ngành có liên quan.

Thời gian tới, Tổng cục mong muốn Ban chỉ đạo thành phố sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra và ngăn chặn tình trạng nhập lậu, vận chuyển thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục vào nội địa; nhập lậu hoặc tạm nhập nhưng không tái xuất sản phẩm động vật không đảm bảo an toàn để đưa vào tiêu thụ trên thị trường Hà Nội. Đặc biệt, tập trung kiểm tra các điểm giết mổ tập trung; tăng cường hoạt động thanh kiểm tra việc kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, kinh doanh, giết mổ gia cầm sống trong nội thành để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm... đặc biệt là trong giai đoạn dịch tả lợn châu Phi vẫn còn trên địa bàn.

Đoàn kiểm tra thực tế tại Nhà máy bia Hà Nội - Mê Linh

Cùng ngày, đoàn kiểm tra liên ngành đã trực tiếp trao đổi với UBND huyện Mê Linh về vấn đề ATTP; kiểm tra Nhà máy bia Hà Nội - Mê Linh trên 2 phương diện: hồ sơ thủ tục hành chính và điều kiện sản xuất thực tế. Cả 2 phương diện kiểm tra, đơn vị đều đảm bảo theo đúng quy trình thủ tục và quy định về ATTP.

Đoàn kiểm tra hồ sơ thủ tục hành chính tại Nhà máy bia Mê Linh

Thu Hà - Vũ Cương

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tang-cuong-kiem-tra-trong-thang-hanh-dong-vi-an-toan-thuc-pham-118749.html