Tăng cường kiểm tra các cơ sở nuôi động vật hoang dã

Để đảm bảo việc quản lý động vật hoang dã, nhất là đối với hoạt động gây nuôi động vật hoang dã tại các cơ sở theo Chỉ thị 29 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ, từ giữa tháng 9 này, hạt kiểm lâm các địa phương sẽ tiến hành kiểm tra, giám sát chặt chẽ các cơ sở nuôi động vật hoang dã trên địa bàn.

Đã thoái trào

Phong trào gây nuôi động vật hoang dã đã từng rộ lên tại nhiều địa phương trong tỉnh, thậm chí các cơ sở nuôi nhím, heo rừng, rắn… từng được đánh giá là mô hình thoát nghèo bền vững cho các hộ. Tuy nhiên, phong trào này chỉ rộ lên trong một thời gian ngắn, hiện nay đã thoái trào. Đơn cử như tại huyện miền núi Khánh Vĩnh, trước năm 2015, có hàng chục cơ sở nuôi thương phẩm động vật rừng thông thường thì đến nay chỉ còn duy nhất Công viên du lịch Yang Bay nuôi cá sấu và một số loài động vật rừng khác phục vụ du lịch. Hay tại địa bàn thị xã Ninh Hòa, trước đây cũng có rất nhiều cơ sở nuôi thương phẩm động vật hoang dã nhưng đến đến nay chỉ còn 12 cơ sở với tổng đàn gần 15.000 con, trong số này riêng cá sấu nước ngọt của Công ty Kinh doanh đà điểu, cá sấu Khatoco đã hơn 14.730 con.

Đầu ra khó khăn đã khiến cho nhiều người nuôi không còn mặn mà với động vật hoang dã. Ảnh: BKH

Đầu ra khó khăn đã khiến cho nhiều người nuôi không còn mặn mà với động vật hoang dã. Ảnh: BKH

Ông Lê Trí - Phó Hạt trưởng phụ trách Hạt Kiểm lâm Diên Khánh cho biết: “Do đầu ra khó khăn, giá cả bấp bênh nên các cơ sở nuôi động vật hoang dã trên địa bàn huyện đã thu hẹp quy mô, nhiều cơ sở đóng cửa. Hiện nay, trên địa bàn chỉ còn 9 cơ sở nuôi động vật hoang dã, với 134 cá thể (92 cá thể động vật rừng thông thường và 42 cá thể động vật hoang dã quý hiếm nhóm IB và IIB). Thời gian qua, hạt kiểm lâm địa phương đã kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở thực hiện nghiêm quy định về quản lý động vật hoang dã. Qua kiểm tra, các cơ sở đều đảm bảo quy định về nguồn gốc động vật nuôi, điều kiện nuôi nhốt…”.

Đến thời điểm này, toàn tỉnh chỉ có 46 cơ sở nuôi động vật rừng với tổng đàn 20.533 con, chủ yếu là cá sấu, nhím, heo rừng, cầy vòi hương, chim trĩ, các loại rắn, hươu, nai…; số lượng cơ sở giảm hơn 60% so với năm 2015; đa phần các cơ sở nuôi hiện nay phục vụ hoạt động du lịch. Qua kiểm tra hàng năm của cơ quan chức năng, các cơ sở nuôi đều đảm bảo quy định về nuôi động vật hoang dã, nhất là về nguồn gốc động vật nuôi.

Tăng cường Kiểm tra các cơ sở nuôi

Một thực tế đặt ra hiện nay, ở một số địa phương trong nước đã xuất hiện tình trạng nhập lậu động vật hoang dã từ tự nhiên, sau đó hợp thức hóa hồ sơ, thủ tục tại các cơ sở gây nuôi và đưa đi tiêu thụ. Trong khi đó, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam) ghi nhận hàng chục tấn động vật hoang dã được gắn mác hợp pháp để đưa đi tiêu thụ; việc tiêu thụ lậu các loài động vật hoang dã từ tự nhiên chưa qua kiểm dịch nhiều khả năng sẽ mang mầm bệnh vào các cơ sở nuôi; việc vận chuyển động vật hoang dã đến các địa điểm khác nhau trên cả nước khiến nguy cơ lây lan dịch bệnh từ động vật hoang dã sẽ tăng cao.

Ông Trần Minh Thu - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm cho biết: “Để thực thi nghiêm các quy định của pháp luật về quản lý động vật hoang dã, tháng 7 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 29 về một số giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã. Thực hiện Chỉ thị này, Chi cục Kiểm lâm đã chỉ đạo các hạt kiểm lâm địa phương: Tăng cường kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi khai thác, săn, bắt, giết mổ, vận chuyển, tàng trữ, chế biến, buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã trái pháp luật. Chi cục đã chỉ đạo các hạt kiểm lâm có kế hoạch kiểm tra giám sát, quản lý chặt chẽ các cơ sở nuôi động vật hoang dã trên địa bàn”.

Lãnh đạo hạt kiểm lâm các địa phương trong tỉnh cho biết, việc kiểm tra các cơ sở nuôi động vật hoang dã được các đơn vị thực hiện thường kỳ, các cơ sở nuôi đều thực hiện nghiêm các quy định liên quan đến nuôi động vật hoang dã. Tuy nhiên, để đảm bảo nghiêm các quy định theo Chỉ thị 29 của Thủ tướng Chính phủ, từ giữa tháng 9, hạt kiểm lâm các địa phương sẽ bắt đầu kiểm tra các cơ sở nuôi. Theo đó, tiến hành kiểm tra giấy chứng nhận đăng ký hoặc mã số cơ sở nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng động vật hoang dã; kiểm tra sổ theo dõi hoạt động nuôi động vật rừng, các hồ sơ, giấy tờ chứng minh nguồn gốc động vật hoang dã nuôi có đúng với thực tế hay không; kiểm tra điều kiện an toàn cho người và vật nuôi, điều kiện vệ sinh môi trường, an toàn dịch bệnh, khả năng sinh sản, sinh trưởng của vật nuôi. Đồng thời, yêu cầu chủ cơ sở nuôi ký cam kết về việc không mua bán, sử dụng, trưng bày, quảng cáo mẫu động vật hoang dã không đảm bảo nguồn gốc hợp pháp.

HẢI LĂNG

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202009/tang-cuong-kiem-tra-cac-co-so-nuoi-dong-vat-hoang-da-8183576/