Tăng cường kiểm soát buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã

Mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Văn bản số 379/BTNMT-TCMT đề nghị các Bộ, ngành và địa phương đẩy mạnh kiểm soát việc buôn bán, tiêu thụ các loài động vật hoang dã nguy cấp và phóng sinh các loài ngoại lai xâm hại…

Theo đó, nhằm thúc đẩy việc triển khai Luật đa dạng sinh học năm 2008, Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03 tháng 06 năm 2013 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường” và Chỉ thị số 03/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chỉ đạo và thực hiện các biện pháp kiểm soát, bảo tồn các loài động vật hoang dã nguy cấp và thực hiện các quy định pháp luật về quản lý loài ngoại lai xâm hại, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán năm 2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Văn bản số 379/BTNMT-TCMT đề nghị các Bộ, ngành và địa phương đẩy mạnh kiểm soát việc buôn bán, tiêu thụ các loài động vật hoang dã nguy cấp và phóng sinh các loài ngoại lai xâm hại.

Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các Bộ, ngành địa phương chỉ đạo thực hiện một số nội dung trọng tâm như: Chỉ đạo cán bộ, công chức, người lao động của cơ quan nghiêm chỉnh chấp hành và phổ biến các quy định pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học, đặc biệt là các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm, được ưu tiên bảo vệ ban hành kèm theo Nghị định số 160/2013/NĐ-CP của Chính phủ ngày 12 tháng 11 năm 2013 về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ và quy định pháp luật về quản lý loài ngoại lai xâm hại.

Nuôi nhốt động vật hoang dã là hành vi trái pháp luật. Ảnh: N.Hà

Nuôi nhốt động vật hoang dã là hành vi trái pháp luật. Ảnh: N.Hà

Cụ thể, yêu cầu cán bộ, công chức, người lao động và người dân không mua, bán, sử dụng, tặng hay nhận quà biếu là động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ và các sản phẩm của chúng; không thực hiện phóng sinh các loài ngoại lai xâm hại.

Chỉ đạo các cơ quan thực thi pháp luật như kiểm lâm, quản lý thị trường, hải quan, biên phòng, công an tăng cường phối hợp liên ngành, kiểm tra, kiểm soát thường xuyên đối với các nhà hàng, cơ sở kinh doanh và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ các loài động vật hoang dã nguy cấp; hoạt động phóng sinh các loài ngoại lai xâm hại.

Chỉ đạo các cơ quan truyền thông, các ban, ngành chức năng tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật và nâng cao nhận thức cho người dân về bảo tồn đa dạng sinh học, động vật hoang dã, kiểm soát loài ngoại lai xâm hại.

Liên quan đến vấn đề trên, theo Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV), Hà Nội là địa phương đứng thứ 2 trong nỗ lực xử lý vi phạm về rùa biển. Cụ thể, trong năm 2018, Hà Nội là khu vực đứng thứ hai trong nỗ lực xử lý vi phạm về rùa biển với tỷ lệ xử lý thành công các vi phạm sau khi tiếp nhận thông vi phạm từ ENV đạt 80%

Về tình trạng vi phạm về rùa biển, kết quả khảo sát cho thấy Kiên Giang là tỉnh có tỷ lệ vi phạm về rùa biển cao nhất trong 5 tỉnh thành tham gia chiến dịch mặc dù địa phương này có số lượng cơ sở được khảo sát ít nhất. Ngược lại, chỉ với 5 cơ sở bị phát hiện vi phạm (chiếm 5,7% trên tổng số 88 cơ sở được khảo sát), Hà Nội là khu vực có tỷ lệ vi phạm về rùa biển thấp nhất.

Đ.L

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/tang-cuong-kiem-soat-buon-ban-va-tieu-thu-dong-vat-hoang-da-86871.html