Tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm dịp Tết

Thị trường sản xuất, kinh doanh thực phẩm phục vụ Tết Nguyên đán đang diễn ra sôi động. Nguy cơ mất an toàn thực phẩm (ATTP) và xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm luôn diễn biến phức tạp vào thời điểm trước và trong Tết Nguyên đán. Các cơ quan chức năng từ T.Ư đến địa phương, nhất là tại các thành phố lớn đang đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra về ATTP tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, tập trung kiểm tra những mặt hàng thực phẩm được người dân sử dụng nhiều trong dịp Tết.

Người dân trên địa bàn TP Hồ Chí Minh lựa chọn mua thực phẩm tại các siêu thị trong dịp Tết Nguyên đán.

Người dân trên địa bàn TP Hồ Chí Minh lựa chọn mua thực phẩm tại các siêu thị trong dịp Tết Nguyên đán.

Thị trường sản xuất, kinh doanh thực phẩm phục vụ Tết Nguyên đán đang diễn ra sôi động. Nguy cơ mất an toàn thực phẩm (ATTP) và xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm luôn diễn biến phức tạp vào thời điểm trước và trong Tết Nguyên đán. Các cơ quan chức năng từ T.Ư đến địa phương, nhất là tại các thành phố lớn đang đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra về ATTP tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, tập trung kiểm tra những mặt hàng thực phẩm được người dân sử dụng nhiều trong dịp Tết.

Gần đến Tết Nguyên đán Tân Sửu, lượng hàng hóa tập kết về ba chợ đầu mối nông sản thực phẩm, gồm: Hóc Môn (huyện Hóc Môn); Thủ Ðức (TP Thủ Ðức), Bình Ðiền (quận 8) của TP Hồ Chí Minh gia tăng đột biến. Theo lãnh đạo Ban quản lý chợ đầu mối nông sản thực phẩm Bình Ðiền, dự kiến trước Tết Nguyên đán khoảng 15 ngày, các sản phẩm thực phẩm như thịt lợn, cá nước ngọt các loại, tôm, hải sản, các loại rau, củ, quả... sẽ tăng bình quân từ 20 đến 25%, với sản lượng bình quân khoảng 2.900 tấn/ngày. Những ngày cao điểm hàng hóa nhập chợ ước tính đạt 4.500 tấn/ngày. Ðể giúp người dân trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đón Tết Nguyên đán trong niềm vui và an toàn về thực phẩm, Ban quản lý chợ đã phối hợp chặt chẽ các cơ quan chức năng, nhất là Ban quản lý ATTP thành phố tổ chức lấy các mẫu thực phẩm để kiểm nghiệm. Cụ thể, đã tổ chức lấy được hơn 500 mẫu thực phẩm thủy, hải sản; lấy 300 mẫu thực phẩm giám sát kiểm tra chỉ tiêu dư lượng thuốc trừ sâu... Riêng đối với thịt gia súc, gia cầm nhập vào chợ phải được đeo vòng nhận diện có đầy đủ thông tin truy xuất nguồn gốc; kiểm tra giấy kiểm dịch, dấu niêm phong của lô hàng từ nơi giết mổ về chợ. Các cơ quan chức năng sẽ tiến hành lập biên bản các trường hợp vi phạm và tiêu hủy lô hàng. Ðồng thời, thường xuyên tổng vệ sinh hệ thống mương, cống thoát nước, tiêu độc khử trùng toàn bộ chợ.

Trưởng Ban quản lý ATTP thành phố Hồ Chí Minh Phạm Khánh Phong Lan cho biết: Công tác bảo đảm ATTP tại các chợ đầu mối rất quan trọng, vì đây là nguồn cung cấp thực phẩm đến các chợ truyền thống, cửa hàng kinh doanh thực phẩm. Nếu thực phẩm từ nguồn không bảo đảm thì tất cả những khâu sau đó đều vô nghĩa. Từ tháng 10-2020, các cơ quan chức năng trên địa bàn đã tập trung kiểm tra các kho nguyên liệu, đơn vị sản xuất, thực phẩm chế biến được sử dụng nhiều trong dịp Tết, nhất là tập trung vào khâu lưu thông phân phối. TP Hồ Chí Minh đã thành lập 20 đoàn kiểm tra, với khoảng 300 thanh tra viên để kiểm tra toàn thành phố. Lực lượng này sẽ trực 24 giờ mỗi ngày ở các chợ đầu mối, những nơi có giao thương hàng hóa nhiều. Qua công tác thanh tra, kiểm tra, trong tháng 12-2020, Ban quản lý ATTP thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành 30 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm về ATTP, với tổng số tiền phạt gần 467 triệu đồng. Các vi phạm chủ yếu là không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, không có hồ sơ tự công bố, không nộp hồ sơ tự công bố đến cơ quan quản lý...

Cũng như nhiều địa phương trên cả nước, TP Hà Nội đã chuẩn bị lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân trong Tết Nguyên đán như gạo, thịt, rau, quả, thủy, hải sản... với giá trị gần 40 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, Hà Nội chuẩn bị lượng hàng hóa thiết yếu thực hiện chương trình bình ổn thị trường, gồm gần 40 nghìn tấn lương thực, hơn 6.500 tấn thịt lợn, hơn 18 nghìn tấn thực phẩm chế biến... Phó Giám đốc Sở Y tế Trần Văn Chung cho biết: Ðể bảo đảm ATTP cho người dân trong dịp Tết Nguyên đán và các lễ hội, đồng thời bảo đảm cạnh tranh lành mạnh của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh nhập khẩu thực phẩm, UBND thành phố đã thành lập bốn đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành ATTP, hơn 650 đoàn thanh tra, kiểm tra tại các địa phương.

Kết quả kiểm tra tại một số địa phương trên địa bàn cho thấy, các đoàn kiểm tra liên ngành các cấp đã tập trung kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết và có yếu tố nguy cơ cao, các cơ sở kinh doanh tại các chợ truyền thống và siêu thị. Năm nay, các đoàn đã lồng ghép nội dung kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các cơ sở. Các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm có thể thực hiện tốt các quy định về ATTP, nhưng trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 chưa tuân thủ cũng sẽ bị xử lý theo quy định; đồng thời thông báo ngay trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết... Ngoài ra, các đoàn kiểm tra ATTP cấp thành phố sẽ tiến hành lấy khoảng 100 mẫu thực phẩm đông lạnh nhập khẩu để Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hà Nội xét nghiệm vi-rút SARS-CoV-2, nhằm tránh nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.

Theo Cục trưởng ATTP (Bộ Y tế) Nguyễn Thanh Phong, để công tác kiểm tra đạt hiệu quả, năm nay các đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra đều có thành viên thuộc Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia đi cùng và yêu cầu trả kết quả ngay, để tránh tình trạng sau khi kiểm tra một thời gian mới có kết quả, trong thời gian đó sản phẩm kém chất lượng vẫn tiêu thụ trên thị trường. Ðối với các đoàn kiểm tra liên ngành các cấp, Ban Chỉ đạo liên ngành T.Ư về ATTP yêu cầu tập trung vào những nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết và lễ hội có các yếu tố nguy cơ cao như: Thịt và các sản phẩm từ thịt, bia, rượu, đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, rau, củ, quả, phụ gia thực phẩm; kiểm soát chặt chẽ hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng không bảo đảm chất lượng, hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhất là tại các thành phố lớn, địa phương có cửa khẩu biên giới.

Các chuyên gia khuyến cáo, bên cạnh sự nỗ lực kiểm soát ATTP của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng thì người tiêu dùng trên cả nước cần nâng cao nhận thức, chỉ nên mua và sử dụng các sản phẩm thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, không sử dụng thực phẩm bị ôi thiu, mốc hỏng, tuyệt đối không sử dụng phẩm mầu độc hại, các chất phụ gia, hóa chất ngoài danh mục cho phép để sản xuất, chế biến thực phẩm.

TÂN HẢO TUYẾN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/tang-cuong-kiem-soat-an-toan-thuc-pham-dip-tet-634767/