Tăng cường kết nối, quảng bá di sản

Là vùng đất có lịch sử hơn 320 năm hình thành và phát triển, Đồng Nai có nhiều di tích, danh thắng mang những dấu ấn quan trọng từ quá trình mở cõi, đấu tranh chống giặc ngoại xâm đến xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp cùng lãnh đạo Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai đi thực tế khảo sát tại di tích Căn cứ Khu ủy miền Đông Nam bộ. Ảnh: H.Yến

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp cùng lãnh đạo Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai đi thực tế khảo sát tại di tích Căn cứ Khu ủy miền Đông Nam bộ. Ảnh: H.Yến

Các di sản văn hóa ấy không chỉ đáp ứng nhu cầu hưởng thụ trong đời sống tinh thần của người dân mà còn là nguồn “tài nguyên” phục vụ cho du lịch.

* Vẫn thiếu sự gắn kết

Vài năm trở lại đây, Bảo tàng Đồng Nai tích cực phối hợp với các ban ngành, địa phương tổ chức hội thảo, trưng bày triển lãm ở nhiều điểm di tích được xếp hạng như: Chiến khu Đ, Mộ cự thạch Hàng Gòn, đình Phú Mỹ… nhằm chủ động cung cấp thông tin cho người dân và khách đến tham quan. Bên cạnh đó, bảo tàng cũng thường xuyên tổ chức nhiều cuộc thi tìm hiểu văn hóa, lịch sử tại các di tích, tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên của địa phương tham gia, tăng tính tương tác giúp học sinh có thể tiếp cận với di sản theo nhiều cách.

Mặc dù tổ chức nhiều hoạt động nhưng theo ông Trần Đăng Ninh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH một thành viên đầu tư phát triển Bửu Long, việc kết nối các di tích, nhất là di tích trên địa bàn TP.Biên Hòa vẫn còn khá lúng túng. Phần lớn những hoạt động tham quan tại các điểm di tích còn rời rạc, chưa có gắn kết với nhau nên chưa phát huy hiệu quả.

Phó giám đốc Bảo tàng Ðồng Nai Nguyễn Văn Nam cho biết, một số di tích cấp quốc gia gần đây được các cấp, ngành nỗ lực trùng tu, tôn tạo với nguồn kinh phí hàng chục tỷ đồng nhưng việc kết nối để phát triển du lịch vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Nhiều di tích do Nhà nước quản lý vẫn còn mang nặng cơ chế “bao cấp” dựa vào nguồn ngân sách, chưa tạo được nguồn thu.

“Các di tích trên địa bàn tỉnh khi đưa vào khai thác để quảng bá du lịch chưa phát huy được hiệu quả. Cụ thể, cơ sở hạ tầng, giao thông, internet phục vụ tại di tích còn thiếu và yếu. Các dịch vụ văn hóa phụ trợ (vui chơi, giải trí, ăn uống, nghỉ ngơi, mua sắm) cho hoạt động tham quan phần lớn chưa có. Điều này khiến du khách chỉ đến với di tích một lần và thường không quay lại lần thứ hai” - ông Nam bày tỏ.

Đã tròn 1 năm Đồng Nai thực hiện triển khai phân cấp quản lý di tích về cho các địa phương. Việc phân cấp đã tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương chủ động trong bảo vệ và phát huy giá trị di tích. Theo Phó giám đốc Bảo tàng Ðồng Nai Nguyễn Văn Nam, việc phân cấp quản lý di tích bên cạnh những thuận lợi cũng bộc lộ không ít khó khăn. Theo đó các địa phương hầu như chưa có sự kết nối di tích với nhau để tạo thành tour, tuyến du lịch; đội ngũ cán bộ có chuyên môn để quản lý di tích còn thiếu; thủ tục trình xét tu bổ di tích còn rườm rà gây khó khăn cho cơ sở…

* Cần chủ động kết nối

Mặc dù chưa đi thăm được nhiều di tích ở Đồng Nai nhưng GS-TS.Badaruddin Mohamed (Trường đại học USM - Malaysia) vẫn rất ấn tượng với các di tích ở Biên Hòa. GS-TS. Badaruddin chia sẻ: “Một số di tích ở Biên Hòa tôi đến tham quan có giá trị lịch sử rất lớn, gắn với hơn 320 năm hình thành và phát triển. Nhưng các di tích này còn rời rạc, chưa gắn kết với nhau thành một hệ thống. Nên chăng cần phối hợp với chính quyền địa phương xác định sản phẩm đặc thù, quà lưu niệm của ngành nghề truyền thống để tạo thương hiệu riêng cho du lịch Đồng Nai”.

Tại các di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh, có một thứ “tài nguyên” vô giá chưa được chú trọng khai thác để tăng sức hấp dẫn đó là những câu chuyện, những “huyền tích” về các sự kiện, nhân vật hay địa danh lịch sử. Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử tỉnh Trần Quang Toại cho rằng, nhiều câu chuyện hấp dẫn về văn hóa, lịch sử tại các di tích như: chùa Đại Giác, đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, đình Tân Lân... nếu được tập trung khai thác theo hướng phát triển du lịch, kết nối các tour tuyến chắc chắn sẽ rất thành công.

Quyền Giám đốc Trung tâm Văn miếu Trấn Biên Trần Trung Tuyến cho biết, để tạo sức hấp dẫn cho di sản cần phải chủ động tăng cường các hoạt động giới thiệu, thuyết minh một cách hợp lý để không gian di sản thực sự “biểu cảm” được cả phần hồn và kiến trúc công trình. Có như vậy người dân và du khách có thể hình dung được phần giá trị vốn có của di sản.

Đồng Nai là địa phương có rất nhiều di sản văn hóa tiềm năng. Việc chủ động kết nối và đưa di sản vào khai thác du lịch phục vụ khách tham quan không chỉ quảng bá hình ảnh của địa phương mà còn có thêm nguồn kinh phí để “tái đầu tư” duy tu, bảo dưỡng di tích. “Thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường hơn nữa sự tham gia của cộng đồng vào các hoạt động kết nối di sản, nhất là với thế hệ trẻ, góp phần đưa di tích trở thành điểm đến hấp dẫn. Có như vậy việc quảng bá di sản Đồng Nai mới thực sự khởi sắc trong tương lai” - Phó giám đốc Bảo tàng tỉnh Nguyễn Văn Nam nhấn mạnh.

Sáng 22-11, Bảo tàng Đồng Nai đã tổ chức khai mạc triển lãm chuyên đề: Di sản văn hóa Đồng Nai - tiềm năng phát triển du lịch tại Trung tâm Văn miếu Trấn Biên. Với gần 200 hình ảnh trưng bày, triển lãm chia thành 2 chủ đề: Di sản văn hóa vật thể, phi vật thể - tiềm năng khai thác du lịch (gồm những hình ảnh giới thiệu về 5 tuyến du lịch trọng điểm của Đồng Nai) và những hình ảnh làng nghề truyền thống cũng như ghi nhận thành quả của công tác xúc tiến, phát triển du lịch, kêu gọi đầu tư. Đặc biệt là sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh cùng các ban ngành, đoàn thể đối với những di sản văn hóa.

Ly Na

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/vanhoa/201911/ky-niem-ngay-di-san-van-hoa-viet-nam-23-11-tang-cuong-ket-noi-quang-ba-di-san-2975320/