Tăng cường kết nối giữa Việt Nam và các đối tác chiến lược

Hiện nay, Việt Nam có 17 đối tác chiến lược đang đầu tư gần 230 tỷ USD vào Việt Nam, chiếm khoảng 70% tổng giá trị đầu tư và 50% kim ngạch xuất nhập khẩu.

Đó là thông tin được đưa ra tại chương trình "Xúc Tiến Thương mại, đầu tư giữa Việt Nam với các đối tác chiến lược: Góc nhìn doanh nghiệp", do VCCI tổ chức sáng nay (14/5/2019).

Thành lập mạng lưới liên kết các tổ chức xúc tiến đầu tư thương mại Việt Nam

Hiện nay, VCCI đang được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ chủ trì Đề án “Đẩy mạnh hợp tác thương mại và đầu tư song phương giữa Việt Nam với các nước đối tác chiến lược, quan trọng” (Đề án 25).

Chương trình "Xúc Tiến Thương mại, đầu tư giữa Việt Nam với các đối tác chiến lược: Góc nhìn doanh nghiệp" do VCCI tổ chức, sáng ngày 14/5 đã thu hút đông đảo sự tham gia của Hiệp hội Doanh nghiệp đến từ các đối tác chiến lược và doanh nghiệp trong nước.

Chương trình "Xúc Tiến Thương mại, đầu tư giữa Việt Nam với các đối tác chiến lược: Góc nhìn doanh nghiệp" do VCCI tổ chức, sáng ngày 14/5 đã thu hút đông đảo sự tham gia của Hiệp hội Doanh nghiệp đến từ các đối tác chiến lược và doanh nghiệp trong nước.

Được biết, Việt Nam có 16 đối tác chiến lược và một đối tác quan trọng là Hoa Kỳ. Trong đó, 17 đối tác này đang đầu tư gần 230 tỷ USD vào Việt Nam, chiếm 70% tổng giá trị đầu tư và 50% kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước.

Theo TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI, đây là những nền kinh tế hàng đầu thế giới, xét về năng lực tài chính và quy mô thị trường, kể cả tiềm lực về công nghệ, tất cả những công nghệ nguồn hàng đầu thế giới đều bắt nguồn từ những thị trường này.

"Hiện nay, Việt Nam đang trong giai đoạn mới của quá trình phát triển, mục tiêu hướng tới mô hình phát triển bền vững, với trình độ cao hơn và giá trị gia tăng lớn hơn. Như vậy, Việt Nam cũng đang trong quá trình chuyển hướng thu hút FDI hướng về dòng vốn chất lượng cao hơn, và những đối tác chiến lược như đã nêu trên giữ vai trò trọng yếu", TS Vũ Tiến Lộc khẳng định.

Theo đó, để tiếp tục tăng cường quan hệ thương mại và đầu tư với những thị trường này, Việt Nam cần phải có những định hướng chương trình hành động trên cơ sở liên kết được giữa các bộ ngành địa phương và các tổ chức xúc tiến.

Cụ thể, với mục tiêu như vậy, trên cơ sở những nhiệm vụ được Chính phủ giao cho trong khuôn khổ Đề án 25, VCCI đã quyết định tổ chức mạng lưới các tổ chức xúc tiến đầu tư thương mại trong cả nước, và thường xuyên tổ chức kết nối mạng lưới này, để phối hợp tốt nhất trong công tác xúc tiến cũng như chia sẻ kinh nghiệm, mô hình tổ chức xúc tiến thương mại, đầu tư có hiệu quả.

TS Vũ Tiến Lộc khẳng định: “Tôi tin rằng, sự chung tay của các tổ chức xúc tiến thương mại, đầu tư ở Việt Nam sẽ đảm bảo sự phối hợp nhịp nhàng theo một chiến lược chung để có thể nâng cao chất lượng hoạt động xúc tiến thương mại đầu tư trong thời gian tới”.

Đặc biệt, TS Vũ Tiến Lộc cũng lưu ý, trong bối cảnh mới của nền kinh tế, việc xúc tiến đầu tư cũng cần có sự thay đổi, hướng đến việc xúc tiến số, trong bối cảnh nền kinh tế và lấy doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa làm trọng tâm cho hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư.

Kỳ vọng về sự ra đời của mạng lưới này, đại diện Trung tâm xúc tiến thương mại, đầu tư tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Chúng tôi nhận thấy rằng đang có sự thiếu gắn kết giữa các tổ chức xúc tiến thương mại đầu tư trong cả nước, vì vậy, việc thành lập mạng lưới kết nối, trong đó VCCI với vai trò kết nối chủ đạo, tính kết nối, liên kết trong hoạt động xúc tiến đầu tư sẽ ngày càng tốt hơn”.

Những khó khăn nhà đầu tư muốn được tháo gỡ

Chia sẻ về những hạn chế trong hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư, từ phía hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài, liên quan đến cách thức xúc tiến đầu tư, bà Virginia B. Foote, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) cho biết: “Việc hợp tác kinh doanh giữa các doanh nghiệp cần tới “tính liêm chính” và tinh thần không phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước. Ngoài ra, yếu tố cơ sở hạ tầng cũng đóng vai trò trọng yếu, bao gồm, cả “hạ tầng cứng” (về giao thông, cơ sở vật chất…) và “hạ tầng mềm” (về công nghệ, chính sách…). Theo đó, việc hoàn thiện những yếu tố này sẽ góp phần tạo dựng niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và doanh nghiệp, nhà đầu tư Mỹ nói chung”.

Ngoài ra, chia sẻ về những kiến nghị của Hiệp hội Doanh nghiệp Đức đang hoạt động đầu tư tại thị trường Việt Nam, ông Bjorn Koslowski Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức tại Việt Nam cho biết: “Với nhiệm vụ thúc đẩy quan hệ thương mại song phương theo sự ủy thác của Chính phủ Liên bang Đức, chúng tôi đang tích cực trong việc tìm kiếm các nhà cung cấp phù hợp cho các doanh nghiệp Đức. Đây chủ yếu là kế hoạch di chuyển, đa dạng hóa nguồn cung ứng của các doanh nghiệp Đức từ Trung Quốc sang Việt Nam. Tuy nhiên, số lượng, chất lượng các doanh nghiệp Việt Nam có thể đáp ứng được tiêu chuẩn để gia nhập chuỗi cung ứng của doanh nghiệp Đức lại chưa cao. Khiến doanh nghiệp Đức chủ động liên kết với doanh nghiệp nội địa Việt Nam cũng khó khăn”.

Một kiến nghị khác, liên quan đến việc chuẩn bị triển khai FTA để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Ấn Độ, ông Vaibhav Saxena, Tổng thư ký Phòng Thương mại Ấn Độ tại Việt Nam (InCham Hà Nội) kiến nghị: “Việt Nam cần xem xét về khả năng ký kết các FTA với các chính sách phù hợp để hỗ trợ thương mại, đầu tư giữa hai nước. Bởi hiện hai bên vẫn chưa thực hiện FTA toàn diện và Hiệp định về hợp tác kinh tế toàn diện. Vì vậy, doanh nghiệp hai bên chưa tận dụng được ác lợi ích về thuế, đặc biệt là thuế trong một số ngành công nghiệp chủ chốt.

Ngọc Hà

Bạn đang đọc bài viết Tăng cường kết nối giữa Việt Nam và các đối tác chiến lược tại chuyên mục VCCI của Báo Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: (024) 3.5771239,

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/tang-cuong-ket-noi-giua-viet-nam-va-cac-doi-tac-chien-luoc-150202.html