Tăng cường hợp tác và đi vào chiều sâu quan hệ Việt-Lào, Việt Nam-Campuchia

Sáng 24/2, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời Hà Nội thăm hữu nghị chính thức Lào và thăm cấp Nhà nước Vương quốc Campuchia.

Hợp tác Việt - Lào ngày càng đi vào chiều sâu

 Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Bounhang Vorachith đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Bounhang Vorachith đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng

Đề cấp đến chuyến thăm Lào từ 24-25/2 của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, các báo lớn của Lào đều nhiệt liệt hoan nghênh và ca ngợi thành quả hợp tác giữa hai nước.

Ngày 21/2, báo Pasaxon (Nhân dân - tờ báo của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào) đăng bài “Nhiệt liệt hoan nghênh chuyến thăm Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào của đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Việt Nam”.

Tờ báo khẳng định nhân dân các dân tộc Lào rất tự hào và rất vui khi được đón tiếp đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Đoàn đại biểu cấp cao của Việt Nam, những người bạn thân thiết của nhân dân Lào, đã mang đến tình hữu nghị vĩ đại và tình đoàn kết thương yêu đặc biệt của nhân dân Việt Nam anh em đến với nhân dân các dân tộc Lào; nhân dân hai nước Lào-Việt Nam sinh sống trên mảnh đất núi liền núi, sông liền sông trải dài từ Bắc tới Nam trên 2.000 km và có mối quan hệ láng giềng gần gũi tốt đẹp từ lâu đời.

Truyền thống hữu nghị, đoàn kết và liên minh chiến đấu trong sự nghiệp cách mạng của hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Lào-Việt Nam trước đây đã trở thành nền tảng vững chắc cho mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước Lào-Việt Nam hiện nay và tiếp tục được bảo vệ, gìn giữ và vun đắp ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả trên tất cả mọi lĩnh vực.

Riêng trong lĩnh vực kinh tế, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam đã báo cáo với hai nhà lãnh đạo đứng đầu Chính phủ Việt Nam và Lào tại Kỳ họp lần thứ 41, Ủy ban Liên Chính phủ Việt Nam - Lào diễn ra đầu tháng 1 vừa qua, hiện có 409 dự án của Việt Nam tại Lào với tổng vốn lên tới 4,1 tỷ USD, đứng thứ 3 trong số các nhà đầu tư tại Lào.

Những dự án đã hoàn thành và tiếp tục được vận hành, khai thác tốt như Thủy điện Xecaman 1, Khách sạn Mường Thanh - Viêng Chăn, Unitel (của Tập đoàn Viettel), Khu đô thị Nong Tha của Tập đoàn Hà Đô hay các dự án của Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, Hoàng Anh Gia Lai…

Không chỉ trong lĩnh vực đầu tư, mà quan hệ thương mại Việt - Lào cũng có thể xem là điểm sáng. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 11 tháng năm 2018, kim ngạch thương mại hai nước đạt 923 triệu USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Lào đạt 537 triệu USD, tăng 13%; xuất khẩu của Lào sang Việt Nam đạt 386 triệu USD, tăng 15,9%. Với kết quả này, hai nước đã hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng kim ngạch thương mại được đề ra tại Kỳ họp lần thứ 40.

Theo Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Lào, ông Nguyễn Bá Hùng, Việt Nam là một trong những nước đứng đầu về đầu tư và là đối tác thương mại lớn của Lào. Các dự án đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam tại Lào đã góp phần thúc đẩy kinh tế Lào phát triển, tạo việc làm và thu nhập cho người dân.

Hai bên đang đẩy mạnh triển khai các dự án kết nối về giao thông - vận tải trong khuôn khổ hợp tác song phương cũng như tiểu vùng; tiếp tục tổng kết, nghiên cứu nhân rộng mô hình kiểm tra “một cửa, một lần dừng” của cặp cửa khẩu Lao Bảo (Việt Nam) - Densavanh (Lào) sang các cặp cửa khẩu quốc tế khác giữa hai nước…

Việt Nam cũng là đối tác lớn của Lào trong lĩnh vực viện trợ không hoàn lại, với số vốn viện trợ không hoàn lại trong năm 2018 là 735 tỷ đồng, trong đó, riêng kinh phí phân bổ cho đào tạo là 270 tỷ đồng. 12 dự án đã hoàn thành trong năm 2018, đảm bảo chất lượng, đáp ứng được yêu cầu đề ra, có thể bàn giao đưa vào sử dụng.

Chính phủ Lào sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án lớn, trọng điểm của doanh nghiệp Việt Nam, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; thúc đẩy Dự án Sân bay Nọng Khảng (tỉnh Hủa Phăn), phấn đấu hoàn thành trong năm 2019. Hai bên sẽ tập trung thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch thương mại song phương, với mức tăng ổn định từ 10% trở lên so với năm 2018.

Có thể khẳng định, những cam kết đó đã và đang mở rộng hơn nữa cơ hội cho dòng vốn đầu tư từ Việt Nam chảy mạnh sang Lào và mở rộng giao thương giữa hai nước.

Việt Nam ưu tiên cao hợp tác toàn diện với Campuchia

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni, trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước tới Vương quốc Campuchia từ ngày 20-22/7/2017. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Chuyến thăm cấp Nhà nước Vương quốc Campuchia của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định Việt Nam luôn coi trọng và dành ưu tiên cao cho việc củng cố, tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện giữa Việt Nam với Campuchia đi vào chiều sâu, ổn định bền vững.

Xét riêng trên lĩnh vực kinh tế, theo nguồn tin từ TTXVN, quan hệ hợp tác kinh tế-thương mại Việt Nam-Campuchia phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây.

Việt Nam hiện có 210 dự án đầu tư ở Campuchia với tổng vốn đăng ký hơn 3 tỷ USD, đứng trong tốp 5 nước có đầu tư lớn nhất ở Campuchia, tập trung vào các lĩnh vực nông nghiệp, ngân hàng, viễn thông-công nghệ thông tin, sản xuất công nghiệp, chế biến-chế tạo, kinh doanh thương mại, y tế...

Năm 2018, Việt Nam có 8 dự án được cấp mới và 4 dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng số vốn đăng ký cấp mới và điều chỉnh là 33,8 triệu USD. Campuchia có 19 dự án đầu tư ở Việt Nam với tổng vốn là 63,42 triệu USD, tập trung chủ yếu trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản, kinh doanh thương mại.

Kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước đạt 4,68 tỷ USD năm 2018, tăng hơn 23,76% so với năm 2017. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu 3,74 tỷ USD, tăng 34,98%; nhập khẩu đạt khoảng 963 triệu USD, giảm 6,46% so với năm 2017. Kim ngạch thương mại hai chiều của hai nước kỳ vọng sớm đạt và vượt mục tiêu 5 tỷ USD trước năm 2020.

Việt Nam là nước có du khách đến Campuchia lớn thứ hai, tháng 10/2018 đã có khoảng 500.000 lượt khách du lịch Việt Nam thăm Campuchia. Ở chiều ngược lại, năm 2017 khách Campuchia đến Việt Nam đạt 222.000 lượt.

Về hợp tác về nông-lâm-ngư nghiệp, hai bên đã tập trung hợp tác tốt trong một số ngành trọng yếu như hợp tác phát triển lương thực, trồng cây công nghiệp, quy hoạch và bảo vệ rừng, nuôi trồng thủy hải sản, kiểm dịch động thực vật…

Hai bên đã hợp tác khai thác, sử dụng có hiệu quả các tuyến đường hàng không, giao thông đường thủy, phối hợp nâng cấp và xây dựng một số tuyến giao thông bộ nối liền hai nước, tạo thuận lợi cho việc xuất-nhập cảnh hàng hóa, giao lưu qua lại giữa hai bên. Hai nước đã ký Bản ghi nhớ về Chiến lược hợp tác giao thông vận tải 2018-2025, tầm nhìn đến 2030, nhằm thiết thực góp phần thúc đẩy trao đổi thương mại và kết nối hai nền kinh tế.

Việt Nam và Campuchia đang tích cực triển khai dự án kết nối hệ thống điện giữa hai nước; đồng thời duy trì hợp tác nghiên cứu thăm dò, khai thác khoáng sản.

Minh Nhật

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/chinh-tri-thoi-su/tang-cuong-hop-tac-va-di-vao-chieu-sau-quan-he-vietlao-viet-namcampuchia-4747.html