Tăng cường hợp tác và đầu tư để thúc đẩy đổi mới giáo dục

Thúc đẩy hợp tác giữa đối tác Việt Nam và đối tác nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục bằng cách khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư, các cơ sở giáo dục trong và ngoài nước tham gia sẽ đẩy mạnh hoạt động hợp tác, hội nhập quốc tế trong giáo dục của Việt Nam từ đó góp phần đổi mới giáo dục của nước ta.

Đó là đa số ý kiến của các chuyên gia, nhà giáo trong lĩnh vực giáo dục tại "Diễn đàn hợp tác và đầu tư trong giáo dục” do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) và Tập đoàn Giáo dục Nguyễn Hoàng, Trường Đại học Văn Lang vừa phối hợp tổ chức.

“Diễn đàn hợp tác và đầu tư trong giáo dục” được tổ chức nhằm giới thiệu các chính sách về hợp tác và đầu tư trong giáo dục; Kết nối, thúc đẩy hợp tác giữa đối tác Việt Nam và đối tác nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục. Đồng thời, khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư, các cơ sở giáo dục trong và ngoài nước tham gia, đẩy mạnh hoạt động hợp tác, hội nhập quốc tế trong giáo dục của Việt Nam. Diễn đàn thu hút sự tham gia của hơn 200 khách mời là đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đại diện các tổ chức quốc tế, các Đại sứ quán tại Việt Nam, đại diện các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài và một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giáo dục…

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc, trong bối cảnh quốc tế hóa giáo dục là xu thế toàn cầu, Việt Nam luôn chú trọng đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong giáo dục. Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ hợp tác giáo dục với trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ; đồng thời là thành viên tích cực của các tổ chức giáo dục quốc tế.

Tính đến 31/12/2019, Việt Nam đã có trên 500 dự án hợp tác đầu tư còn hiệu lực của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục với tổng số vốn đầu tư lên tới trên 4,4 tỉ USD. Việt Nam hiện có 5 cơ sở giáo dục đại học và gần 100 cơ sở giáo dục ở các bậc học mầm non, phổ thông có vốn đầu tư nước ngoài và hơn 450 chương trình đào tạo quốc tế được giảng dạy tại 70 cơ sở giáo dục đại học.

Với chính sách thúc đẩy xã hội hóa giáo dục, đến nay Việt Nam đã có gần 3.000 cơ sở giáo dục ngoài công lập ở tất cả các địa phương trong cả nước. Hệ thống cơ sở giáo dục ngoài công lập đã góp phần bổ sung nguồn lực cho giáo dục, cung cấp thêm cơ hội cho người học. Một số cơ sở giáo dục phổ thông ngoài công lập đã khẳng định được chất lượng chương trình và phương pháp giảng dạy qua việc tích hợp giữa chương trình giảng dạy của Việt Nam với chương trình giảng dạy của các nước tiên tiến (như Vương quốc Anh, Hoa Kỳ, Australia, Phần Lan...).

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc, mặc dù việc thu hút các nguồn lực đầu tư cho giáo dục đã đạt những kết quả nhất định nhưng còn chưa tương xứng với tiềm năng. Hoạt động hợp tác và đầu tư trong giáo dục còn đơn lẻ, chưa tạo sự đột phá trong toàn hệ thống. Đầu tư của nước ngoài vào giáo dục còn chiếm tỉ lệ nhỏ so với các ngành kinh tế xã hội của Việt Nam.

Vì vậy, việc tổ chức “Diễn đàn hợp tác và đầu tư trong giáo dục” không chỉ để các địa phương và nhà đầu tư trong và ngoài nước cùng chia sẻ nhu cầu, những bài học kinh nghiệm về đầu tư vào giáo dục, mà diễn đàn còn giới thiệu các chính sách về hợp tác và đầu tư trong giáo dục.

Đại diện cho Trường Đại học Văn Lang trao đổi tại diễn đàn, TS. Nguyễn Cao Trí, Chủ tịch Hội đồng trường cho rằng, cách mạng kỹ thuật số trong thời đại 4.0 tác động đến nhiều lĩnh vực trong xã hội, bao gồm cả lĩnh vực giáo dục đào tạo, đồng thời tạo nhiều thách thức to lớn đòi hỏi con người phải thay đổi để thích nghi, đáp ứng các yêu cầu về trình độ và kỹ năng chuyên nghiệp.

Nhận thức sâu sắc về tác động của cuộc cách mạng 4.0 đối với hoạt động giáo dục đại học của Việt Nam hiện nay, TS. Nguyễn Cao Trí đề xuất: Cần tạo điều kiện tối đa cho các trường đại học thực hiện mô hình thí điểm các giải pháp đột phá về ứng dụng công nghệ trong giáo dục; linh động thay đổi khung thời gian đào tạo vì lợi ích người học, đổi mới phương pháp và phức thức đào tạo. Đồng thời đẩy mạnh hợp tác công tư để có thể tối ưu hóa nguồn lực xã hội, chuyển từ cạnh tranh thành hợp tác cùng phát triển. Với tiềm lực lớn, Đại học Văn Lang đang khuyến khích triển khai công nghệ và kêu gọi đầu tư để vận hành Trung tâm Đổi mới sáng tạo, kết nối người học bằng công nghệ.

ĐH Nguyễn Tất Thành đã tiến hành ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với Viện Kế toán Công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW).

ĐH Nguyễn Tất Thành đã tiến hành ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với Viện Kế toán Công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW).

Trong khuôn khổ của diễn đàn, trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã tiến hành ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với Viện Kế toán Công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW). Sinh viên sẽ có cơ hội tham gia các buổi hội thảo chuyên đề và các chuyến tham quan thực tế tại các doanh nghiệp đa quốc gia trong mạng lưới đối tác tại Việt Nam do ICAEW tổ chức. Mở ra một cơ hội mới trong việc hợp tác quốc tế, đặc biệt là công tác cập nhật, hỗ trợ kiến thức, công nghệ cho đội ngũ giảng viên, nâng cao năng lực chuyên môn, kinh nghiệm thực tế và kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên, góp phần xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao.

Trong khuôn khổ diễn đàn đã diễn ra cuộc tọa đàm trao đổi về các chính sách hợp tác đầu tư trong giáo dục. Nhiều đề xuất, khuyến nghị tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động hợp tác, đầu tư trong giáo dục tại Việt Nam và các mô hình, các lĩnh vực có tiềm năng hợp tác trong giáo dục mầm non, phổ thông và đại học cũng đã được chia sẻ tại tọa đàm này.

Cũng tại “Diễn đàn hợp tác và đầu tư trong giáo dục” đã có 11 thỏa thuận hợp tác đầu tư trong giáo dục giữa các đối tác Việt Nam và các nước được ký kết.

Đình Ngọc

Nguồn Sao Pháp Luật: https://sao.baophapluat.vn/tin-tuc/chi-tiet/tang-cuong-hop-tac-va-dau-tu-de-thuc-day-doi-moi-giao-duc-12968/