Tăng cường hợp tác trên quy mô khu vực và quốc tế của Ủy ban bão quốc tế

Theo đó, những nội dung cơ bản của Chiến lược phát triển của Ủy ban bão giai đoạn 2017-2021 như sau:

(TN&MT) - Đó là một trong những kết quả chính cần đạt được trong giai đoạn 2017-2021 của Ủy ban Bão quốc tế mà Hội nghị thường niên lần thứ 50 của Ủy ban này vừa đưa ra.

Các quốc gia thuộc khu vực Châu Á Thái Bình Dương hàng năm phải chịu ảnh hưởng của nhiều thiên tai tự nhiên hơn so với các khu vực khác trên thế giới.

Do đó, việc phát triển được hệ thống cảnh báo sớm hiệu quả trong tất cả các khâu là rất cần thiết và cấp bách để hỗ trợ hiệu quả cho các cơ quan ứng phó khẩn cấp và người dân tại các khu vực chịu nhiều rủi ro.

Các đại biểu tham dự Hội nghị lần thứ 50 của Ủy ban Bão Quốc tế (phiên họp tại Hà Nội ngày 27/2/2018)

Mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc sẽ không thể đạt được tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương nếu các thành tựu phát triển của các nước thành viên không được bảo vệ khỏi các hiển họa và tác động tiêu cực của thiên tai.

Đối với các nước đang phát triển, các thiện hại về người, của cải, thảm họa thiên nhiên, đặc biệt là do bão sẽ ảnh hưởng lớn tới sự phát triển bền vững, khả năng trả nợ, xóa nghèo, thậm chí tới nhu cầu thiết yếu của cuộc sống hàng ngày như nước sạch, lương thực và nơi trú ẩn tại các quốc gia này.

Ủy ban bão quốc tế được thành lập từ năm 1968 dưới sự bảo trợ của Ủy ban kinh tế xã hội Châu Á Thái Bình Dương (ESCAP) của Liên hợp quốc và cho đến nay đã có 14 nước thành viên tham gia. Các nước này không chỉ thuộc ESCAP mà còn thuộc Tổ chức khí tượng thế giới (WMO). Kể từ thành lập cho đến nay, tổ chức này đã đóng vai trò như là một tổ chức khu vực rất quan trọng trong việc lập kế hoạch và tổ chức nhiều hoạt động thành công liên quan đến khí tượng, thủy văn và giảm thiểu rủi ro thiên tai.Hiện tai, Ủy ban bão đang có 14 thành viên tham gia gồm: Cam Pu Chia, Trung Quốc, Hàn Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), Nhật Bản, Lào, Ma Cao (Trung Quốc), Ma lai xia, Phi líp pin, Triều Tiên, Sing ga po, Thái Lan, Mỹ và Việt Nam.

Chiến lược phát triển của Ủy ban bão quốc tế được xây dựng dựa trên rất nhiều khung chính sách mang tính khu vực, Nghị định thư và Kế hoạch hành động của các quốc gia thành viên. Chiến lược này quan tâm tới các cơn bão, áp thấp nhiệt đới trong phạm vi khu vực Châu Á Thái Bình Dương.

Mục đích của Chiến lược này nhằm nhận định và đưa ra được các mục tiêu, chiến lược và các kết quả chính mang tính khu vực cần đạt được trong giai đoạn 2017-2021 để giảm thiểu tối đa thiệt hại về người, của cải và các tác động tiêu cực tới các hoạt động kinh tế - xã hội do các thiên tai có liên quan đến bão.

Theo Chiến lược phát triển Ủy ban bão trong giai đoạn 2017-2021, Tầm nhìn của Ủy ban bão là “Trở thành tổ chức liên chính phủ mang tính khu vực của thế giới nhằm mục tiêu cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân tại các nước thành viên thông qua việc tổ chức các hoạt động hợp tác tăng cường để giảm thiểu tác động và rủi ro thiên tai có liên quan đến bão và tăng cường các lợi ích do bão có thể đem lại”.

Với tầm nhìn nói trên, nhiệm vụ chính của Ủy ban bão là “Tổ chức phối hợp và tăng cường các hoạt động mang tính khu vực trong các lĩnh vực Khí tượng, Thủy văn và Giảm nhẹ rủi ro thiên tai trong khuôn khổ các qui định của quốc tế để giảm thiểu tối đa thiệt hại về người, của cải, hoạt động kinh tế - xã hội và tác động tới môi trường của các thiên tai có liên quan đến bão, đồng thời tăng cường các lợi ích do bão có thể đem lại”.

Các kết quả chính cần đạt được trong giai đoạn 2017-2021 của Ủy ban Bão quốc tế gồm:

1 - Tăng cường được năng lực giám sát thiệt hại về người và hoạt động kinh tế do các thiên tai có liên quan đến bão gây ra

2 - Tăng cường được năng lực dự báo dựa trên tác động, cảnh báo dựa trên rủi ro đa thiên tai một cách kịp thời, chính xác và dễ hiểu

3 - Cải thiện được khả năng quản lý tài nguyên nước xuyên biên giới và kiểm soát lũ do bão gây ra

4 - Tăng cường được các hoạt động giảm thiểu rủi ro thiên tai do bão trong nhiều thành phần kinh tế - xã hội, bao gồm khả năng phục hồi nhanh chóng dựa trên năng lực ứng phó, thông tin liên lạc và chia sẻ thông tin đã được cải thiện tốt hơn.

5 - Tăng cường được cơ chế phối hợp và hợp tác trên quy mô khu vực và quốc tế của Ủy ban bão

Ngày mai 3/3, Hội nghị thường niên lần thứ 50 của Ủy ban Bão quốc tế sẽ bế mạc tại Hà Nội. Báo Điện tử baotainguyenmoitruong.vn sẽ cập nhật trong các bản tin tiếp theo.

Nguồn TNMT: http://baotainguyenmoitruong.vn/moi-truong/tang-cuong-hop-tac-tren-quy-mo-khu-vuc-va-quoc-te-cua-uy-ban-bao-quoc-te-1249922.html