Tăng cường hợp tác thương mại Việt Nam và khu vực Trung-Đông Âu và Á Âu

Ngày 27/11, Diễn đàn kinh doanh Hội đồng Ngân hàng hợp tác kinh tế quốc tế (IBEC) do Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng chủ trì đã diễn ra tại Hà Nội với chủ đề 'Tăng cường hợp tác thương mại giữa Việt Nam và khu vực Trung-Đông Âu và Á-Âu'.

Các đại biểu tọa đàm tại Diễn đàn. Ảnh:VGP.

Các đại biểu tọa đàm tại Diễn đàn. Ảnh:VGP.

Diễn đàn nhằm giới thiệu về IBEC và vai trò của IBEC trong hỗ trợ phát triển thương mại ở Việt Nam. Các đại biểu đưa ra các đánh giá, phân tích về cơ hội và tiềm năng phát triển hợp tác thương mại giữa Việt Nam và các nước khu vực Trung-Đông Âu và Á-Âu. Đồng thời, diễn đàn còn là kênh chia sẻ thông tin và kinh nghiệm về hợp tác giữa doanh nghiệp Nga và Việt Nam, hợp tác trong các lĩnh vực ứng dụng công nghệ blockchain và số hóa trong phát triển các sản phẩm tài trợ thương mại.

Tại Diễn đàn, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết: Việt Nam là quốc gia định hướng xuất khẩu và thời gian qua Việt Nam đã đẩy mạnh các nỗ lực hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực với việc ký kết và triển khai một loạt Hiệp định thương mại tự do, tạo khuôn khổ cũng như tiền đề và động lực cho thúc đẩy hợp tác kinh tế-thương mại giữa Việt Nam và các nước liên quan.

Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh:VGP.

Trong đó, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU là một trong những cơ sở nền tảng để Việt Nam thúc đẩy hợp tác thương mại với các nước thành viên IBEC thuộc khu vực Trung-Đông Âu và Á-Âu.

Mục tiêu và nhiệm vụ đặt ra hiện nay là làm thế nào để triển khai hiệu quả trên thực tế và phát huy tối đa các lợi ích mà các hiệp định thương mại tự do mang lại cho tất cả các bên. Để đạt được điều này, bên cạnh các yếu tố mang tính quyết định khác, sự tham gia và hỗ trợ của các định chế tài chính quốc tế như IBEC đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác giao thương giữa các bên thông qua việc cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tài chính, thanh toán đa dạng, tiện lợi, góp phần tạo điều kiện cho các giao dịch thương mại quốc tế được thực hiện một cách hiệu quả.

Phó Thống đốc khẳng định, với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước về các hoạt động tiền tệ - ngân hàng tại Việt Nam cũng như là cơ quan đại diện của Chính phủ Việt Nam tại IBEC, NHNN sẽ luôn luôn đồng hành và hỗ trợ tích cực các bên liên quan để hiện thực hóa các mục tiêu đã đề ra.

Được biết, IBEC là một tổ chức tài chính quốc tế gồm 8 nước thành viên (Bulgaria, Việt Nam, Mông Cổ, Ba Lan, Liên bang Nga, Romania, Slovakia và Cộng hòa Czech) được thành lập năm 1963 trong khuôn khổ Hội đồng Tương trợ Kinh tế (Khối SEV cũ), có trụ sở đặt tại Moscow, Liên bang Nga.

Nhiệm vụ chính của IBEC là tài trợ thương mại, cấp tín dụng, thanh toán đa phương và cung cấp các dịch vụ ngân hàng khác để hỗ trợ các nước thành viên thúc đẩy quan hệ kinh tế đối ngoại và phát triển kinh tế. Việt Nam tham gia tổ chức tài chính quốc tế IBEC từ năm 1977.

Đại diện Ngân hàng Agribank và đối tác tại lễ ký kết. Ảnh:VGP.

Với bề dày hợp tác lâu năm giữa IBEC và các nước thành viên trong đó có Việt Nam, với kinh nghiệm và thế mạnh vốn có của IBEC trong lĩnh vực tài trợ thương mại và thanh toán đối ngoại, Diễn đàn là cơ hội để IBEC và các bên liên quan chia sẻ thông tin, tìm hiểu và đi đến hợp tác, làm ăn, và đặc biệt, sẽ mở ra nhiều cơ hội để IBEC có thể phát huy vai trò như một cửa ngõ quan trọng để kết nối và thúc đẩy hợp tác thương mại giữa Việt Nam và các nước thành viên IBEC nói riêng và khu vực Trung-Đông Âu và Á-Âu nói chung trên cơ sở phát huy và tận dụng tối đa các lợi thế của các hiệp định thương mại tự do đã ký kết, qua đó giúp thúc đẩy phát triển kinh tế của Việt Nam cũng như các nước thành viên trong khu vực.

Anh Minh

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/kinh-te/tang-cuong-hop-tac-thuong-mai-viet-nam-va-khu-vuc-trungdong-au-va-a-au/381068.vgp