Tăng cường hợp tác nghiên cứu khoa học song phương Việt Nam và Thụy Sĩ

Trong đợt hợp tác đầu tiên, sẽ có 10 dự án nghiên cứu khoa học được lựa chọn với mức hỗ trợ lên tới 6,5 tỷ đồng cho mỗi đề tài và không giới hạn lĩnh vực.

Các chương trình song phương của chính phủ Thụy Sĩ nhằm thúc đẩy và tăng cường hợp tác khoa học với các nước ngoài châu Âu có tiềm năng nghiên cứu cao. Việt Nam là nước đối tác châu Á thứ 5 sau Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc. SNSF đã ký một thỏa thuận về hiệu lực này với Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia Việt Nam (NAFOSTED).

Lễ ký kết Ý định thư giữa NAFOSTED và SNSF năm 2019

Lễ ký kết Ý định thư giữa NAFOSTED và SNSF năm 2019

Marc Zbinden, Trưởng bộ phận Hợp tác Quốc tế của SNSF cho biết: “Chúng tôi rất mong đợi mối quan hệ hợp tác mới. Chính phủ Việt Nam và các trường đại học trong nước đã và đang mở rộng lĩnh vực nghiên cứu và hợp tác quốc tế trong nhiều năm nay”. Ông cũng nhận định “Chương trình song phương mang đến cho các nhà nghiên cứu Thụy Sĩ và Việt Nam một cơ hội lý tưởng để hợp tác trong các dự án chung”.

Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (NAFOSTED) và Quỹ Khoa học Quốc gia Thụy Sỹ (SNSF) mới đây đã hoàn tất ký kết Biên bản thỏa thuận hợp tác (MOU) tài trợ các nghiên cứu chung do nhà khoa học của hai quốc gia Việt Nam, Thụy Sỹ thực hiện. MOU có hiệu lực kể từ ngày 19/8/2020 đến hết ngày 31/12/2025, và có thể được gia hạn theo những thỏa thuận tiếp theo.

MOU là sự tiếp nối các hoạt động hợp tác giữa các cơ quan chức năng của Việt Nam và Thụy Sỹ trong thời gian qua, trong đó có Tuyên bố hợp tác giữa Bộ KH&CN Việt Nam và Ủy ban Nhà nước về giáo dục, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo Thụy Sỹ ngày 01/10/2019 (do Bộ trưởng Bộ KH&CN Việt Nam Chu Ngọc Anh và Bà Martina Hirayama, Quốc vụ khanh phụ trách giáo dục, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo của Thụy Sỹ ký) và Ý định thư giữa NAFOSTED và SNSF ký ngày 11/7/2019.

Bắt đầu từ ngày 1/10/2020, các cá nhân và tập thể có dự án, đề tài nghiên cứu có thể gửi hồ sơ đăng ký, hạn cuối vào ngày 15/01/2021. Các dự án sẽ kéo dài từ hai đến ba năm, với tối đa 250.000 franc (khoảng 6,5 tỷ đồng) cho mỗi dự án được phía Thụy Sĩ tài trợ. Tối đa mười đơn đăng ký có thể được lựa chọn theo ngân sách cho các chương trình song phương của chính phủ Thụy Sĩ. Tổ chức tài trợ của Việt Nam sẽ tài trợ cho công việc do các nhà nghiên cứu tại Việt Nam thực hiện.

Cụ thể, theo MOU đã ký kết, NAFOSTED và SNSF sẽ hợp tác tài trợ các đề tài nghiên cứu do nhà khoa học Việt Nam và Thụy Sỹ cùng thực hiện trong các lĩnh vực do NAFOSTED và SNSF thống nhất với thời gian thực hiện có thể kéo dài 03 – 04 năm. Riêng với đợt tiếp nhận hồ sơ lần đầu tiên, hai bên thống nhất tài trợ tối đa 10 đề tài với thời gian thực hiện tối đa là 03 năm (bắt đầu từ năm 2021) và không có giới hạn về lĩnh vực nghiên cứu.

Cũng nhân dịp MOU được ký kết, Đại sứ Thụy Sỹ tại Việt Nam, ông Ivo Sieber đã bày tỏ sự hoan nghênh và chúc mừng hợp tác giữa NAFOSTED và SNSF trong buổi làm việc ngày 23/9/2020 tại trụ sở NAFOSTED. Trong buổi làm việc này, hai bên cũng nhất trí về việc phối hợp tìm kiếm, thúc đẩy các cơ hội trong thời gian tới để nhà khoa học hai nước có thể kết nối và hợp tác nghiên cứu, giúp việc triển khai MOU giữa NAFOSTED - SNSF được hiệu quả và đồng thời góp phần thực hiện các cam kết cấp cao giữa hai nước Việt Nam – Thụy Sỹ trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.

Trước đây, Quỹ Khoa học Quốc gia Thụy Sỹ (SNSF) và Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (NAFOSTED) đã hợp tác với nhau trong một số dự án ngắn hạn . Nhằm nâng tầm các chương trình hợp tác song phương nên mới đây hai bên cam kết tài trợ các dự án nghiên cứu chung (JRP) bắt đầu thực hiện từ năm 2021.

Các khoản tài trợ cho các dự án nghiên cứu chung nhằm thúc đẩy các đề tài hợp tác có các mục tiêu cụ thể và có sự tham gia của ít nhất một đối tác có trụ sở tại Thụy Sỹ và một đối tác có trụ sở tại Việt Nam. Các chủ nhiệm đề tài được khuyến khích đệ trình các nghiên cứu đột phá và đề xuất các cách tiếp cận sáng tạo.

Bên cạnh các nước châu Á, Brazil và Nga cũng đang tham gia vào các chương trình song phương, tạo ra giá trị gia tăng đáng kể cho các nhà nghiên cứu và tổ chức của Thụy Sĩ. Đăng ký ý tưởng là nội dung không bắt buộc; tuy nhiên, SNSF và NAFOSTED khuyến khích các chủ nhiệm đề tài hoàn thành bước này để quá trình đánh giá hồ sơ được thuận lợi.

Lưu Điệp

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/thi-truong-khcn/tang-cuong-hop-tac-nghien-cuu-khoa-hoc-song-phuong-viet-nam-va-thuy-si-273334.html