Tăng cường hợp tác hải quan và bảo vệ môi trường

Xu hướng thương mại toàn cầu hiện nay đặt ra nhiều thách thức cho cả Việt Nam và thế giới. Theo ông Ernesto Bianchi, Trưởng Ban điều tra của Cơ quan chống gian lận châu Âu (OLAF), để đẩy lùi những thách thức đó, tăng cường quan hệ hợp tác giữa các quốc gia là điều cực kì quan trọng. Bên cạnh đó những vấn đề về môi trường cũng cần được đặc biệt quan tâm.

Tại Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan và Cao ủy Hải quan các nước ASEM lần thứ 13 diễn ra tại Quảng Ninh, Việt Nam, ông Ernesto Bianchi, Trưởng Ban điều tra của Cơ quan chống gian lận châu Âu cho biết: Xu hướng thương mại toàn cầu hiện nay đặt ra nhiều thách thức cho cả Việt Nam và thế giới nói chung.

Chúng ta không thể nào đẩy lùi những thách thức này nếu không có sự hợp tác giữa các quốc gia ở châu Á và châu Âu.

Vì vậy, đẩy mạnh quan hệ hợp tác là điều cực kì quan trong. Bên cạnh đó các vấn đề về môi trường cũng là mối quan tâm hàng đầu khi thương mại bất hợp pháp giữa các quốc gia đang diễn ra mạnh mẽ, đặc biệt là hàng cấm, chất độc hại, gây nguy hại cho môi trường.

Đó là những vấn đề trọng tâm mà OLAF sẽ hợp tác với Hải quan trong thời gian tới.

Ông Ernesto Bianchi- Trưởng ban điều tra của Cơ quan chống gian lận châu Âu

Ông Ernesto Bianchi- Trưởng ban điều tra của Cơ quan chống gian lận châu Âu

Ông Ernesto Bianchi cho rằng, để hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tiếp cận được thị trường châu Âu và đối phó được nguy cơ gian luận xuất xứ, cần phân biệt rõ giữa thương mại hợp pháp và thương mại bất hợp pháp, hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu vào Việt Nam.

Đây cũng là vấn đề mà các quốc gia châu Âu đang gặp phải. Hải quan cần tạo thuận lợi cho thương mại hợp pháp bằng cách ngăn chặn gian lận thương mại.

Để có thế bảo vệ thương mại khỏi những luồng hàng hóa bất hợp pháp thì cần có sự hỗ trợ phối hợp giữa các nước trong việc trao đổi thông tin và dữ liệu.

Các nước ở châu Á cũng như ở châu Âu cần thiết lập một hệ thống để có thể chia sẻ thông tin với nhau một cách có hiệu quả nhất về các gian lận thương mại và buôn bán bất hợp pháp.

Chúng ta phải kiểm soát các chất độc hại phát sinh trong quá trình sản xuất các thực phẩm hoặc một số chất cấm sử dụng trong việc sản xuất đồ chơi cho trẻ em. Những chất cấm đó gây hại tới sức khỏe của cộng đồng cần được kiểm soát nghiêm ngặt.

Đại diện OLAF cho rằng, hợp tác giữa OLAF và Hải quan Việt Nam được xây dựng dựa trên sự tin tưởng và đồng thuận. Chúng ta cần phối hợp nhiều hơn nữa để nâng cao sự tin tưởng của cơ quan quản lý nhà nước và người tiêu dùng để hướng tới hợp tác lâu dài. Đó cũng là điều hướng tới của tất cả các hiệp định giữa OLAF và Việt Nam.

Một trong những vấn đề ông Ernesto Bianchi đề cập đến là sáng kiến “Hải quan xanh”. Theo đó, rác thải nhựa đang là một vấn đề đáng lo ngại của cả hai bên.

Các nước châu Âu cũng đang thải ra một lượng lớn rác thải nhựa sang các nước châu Á và Việt Nam. Chúng ta phải đẩy mạnh các biện pháp hợp tác lẫn nhau để phòng tránh và ngăn chặn rác thải châu Âu nhập khẩu bất hợp pháp vào châu Á- ông Ernesto Bianchi nhấn mạnh.

Để giữ vững và mở rộng thị trường xuất khẩu châu Âu, đại diện OLAF mong muốn các cơ quan quản lí nhà nước và các doanh nghiệp Việt Nam cần hợp tác với nhau để giải quyết tốt các vấn đề về gian lận thương mại và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Vấn đề ở đây là việc lợi dụng chuyển tải hàng hóa để thực hiện các hành vi thương mại bất hợp pháp.

Một số sản phẩm không phải xuất xứ Việt Nam đã được xuất khẩu tới châu Âu với nhãn mác ghi xuất xứ Việt Nam và người tiêu dùng châu Âu đã mua phải hàng giả này.

Vấn đề này cần được giải quyết bởi nó gây tổn hại cho doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng.

Huyền Trang

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/tang-cuong-hop-tac-hai-quan-va-bao-ve-moi-truong-113002.html