Tăng cường hợp tác giữa Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và Cục An toàn Lao động

Ngày 11/9/2020, tại Hà Nội, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã có buổi làm việc với Cục An toàn Lao động. Tham dự buổi làm việc có Tổng cục trưởng Trương Anh Dũng, Phó Tổng cục trưởng Đỗ Năng Khánh, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Việt Hương. Về phía Cục An toàn Lao động có ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn Lao động, cùng đại diện lãnh đạo Cục, đại diện các phòng ban thuộc hai Cục.

Quang cảnh buổi làm việc

Công tác an toàn lao động đối với người lao động nói chung và trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nói riêng là một yêu cầu tất yếu và cấp bách. Bên cạnh việc đào tạo kỹ năng chuyên môn cho người lao động, việc trang bị những kiến thức kỹ năng về an toàn lao động cho người lao động sẽ góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả lao động. Để hướng tới việc chuẩn hóa lực lượng lao động và hệ thống các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng đảm bảo an toàn sức khỏe người lao động, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và Cục an toàn Lao động đã bàn bạc, trao đổi nội dung về phối hợp và hợp tác trong một số hoạt động liên quan tới phát triển kỹ năng nghề cho người lao động đảm bảo năng lực an toàn sức khỏe lao động cũng như công tác an toàn lao động trong giáo dục nghề nghiệp.

Tại cuộc họp, ý kiến nhiều đại biểu cho rằng, bên cạnh kiến thức, kỹ năng, thái độ nghề nghiệp, người lao động cần trang bị kỹ năng về an toàn sức khỏe lao động là nội dung quan trọng được quy định trong Bộ Luật lao động, Luật việc làm, Luật an toàn, vệ sinh lao động. Việc đảm bảo an toàn sức khỏe lao động bao gồm 3 yếu tố cơ bản: Điều kiện về môi trường lao động; thiết bị, máy được đảm bảo an toàn nghiêm ngặt về lao động và đặc biệt là người lao động có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia. Tuy nhiên, việc rà soát, cập nhật danh mục công việc nặng nhọc, độc hại hoặc có ảnh hưởng tới an toàn sức khỏe của người lao động và cộng đồng và triển khai theo Nghị định số 31/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật việc làm về đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia chưa được coi trọng trong nhiều năm qua.

Bên cạnh đó, môi trường đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp liên quan nhiều tới máy, thiết bị, nguyên vật liệu cần đòi hỏi sự quy chuẩn về an toàn và cần được kiểm tra, rà soát về mức độ an toàn của các thiết bị. Hiện nay, công tác quy chuẩn, đánh giá cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia, quy định các ngành nghề nặng nhọc, độc hại đều có sự liên quan chặt chẽ tới công tác an toàn sức khỏe lao động. Công tác xây dựng các bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia, bộ đề thi đánh giá, đánh giá kỹ năng nghề quốc gia cần thể hiện các yếu tố về an toàn sức khỏe lao động trong đó. Thời gian qua, công tác triển khai về an toàn lao động đã ít nhiều được triển khai trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tuy nhiên các hoạt động còn chưa mang tính hệ thống, chưa thể hiện rõ nét yêu cầu tất yếu của công tác an toàn sức khỏe lao động trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp, trong đó có nội dung chuẩn hóa lực lượng lao động.

Phát biểu tại buổi làm việc, Tổng cục trưởng Trương Anh Dũng cho rằng sự phối hợp giữa hai đơn vị là rất cần thiết giúp cho việc tham mưu với lãnh đạo Bộ về lĩnh vực liên quan đến an toàn sức khỏe người lao động nói chung và nhà giáo, học sinh sinh viên trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nói riêng được tốt hơn và đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Các ý kiến trao đổi tại buổi làm việc đã gợi mở nhiều nội dung hợp tác để tiến tới xây dựng kế hoạch hợp tác lâu dài. Tổng cục trưởng đề cập tới một số nội dung triển khai hợp tác trong thời gian tới như: Tổ chức Hội thảo bàn sâu về nội dung an toàn sức khỏe trong phát triển kỹ năng nghề cho người lao động trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp; Nghiên cứu về sự cần thiết xây dựng Đề án chuẩn hóa lao động về an toàn sức khỏe lao động nói chung và trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp nói riêng; nghiên cứu bộ tài liệu chuẩn hướng dẫn về an toàn sức khỏe lao động trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; rà soát và đánh giá lại về các trung tâm huấn luyện về an toàn lao động cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp từ đó có định hướng lâu dài phát triển mô hình các trung tâm này; truyền thông, nâng cao ý thức của học sinh, giáo viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn Lao động nhấn mạnh việc đảm bảo an toàn cho giáo viên, giảng viên, học sinh là yêu cầu cấp bách hiện nay. Cái khó khăn nhất là nguồn lực để các trường triển khai công tác an toàn lao động. Cần đảm bảo cụ thể để đưa ra kế hoạch phối hợp dài hơi. Cục An toàn Lao động sẽ phối hợp chặt chẽ với Tổng cục để bàn bạc cụ thể các nội dung phối hợp, hợp tác nhằm hướng tới một kế hoạch hợp tác dài hơi.

PV

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/tang-cuong-hop-tac-giua-tong-cuc-giao-duc-nghe-nghiep-va-cuc-an-toan-lao-dong-20200912112336109.htm